Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khán giả đang bị dắt mũi tại truyền hình thực tế

Một cách nào đó, truyền hình thực tế hiện tại không chỉ nói lên sự phi nghệ thuật của các nhà sản xuất, mà còn cho thấy một nghịch lý từ chính khán giả Việt.

Khán giả đang bị dắt mũi tại truyền hình thực tế

Một cách nào đó, truyền hình thực tế hiện tại không chỉ nói lên sự phi nghệ thuật của các nhà sản xuất, mà còn cho thấy một nghịch lý từ chính khán giả Việt.

Rất nhiều chương trình truyền hình thực tế đang có mặt trên sân khấu Việt.

Tử tế đồng nghĩa với ế khách

Gần như điểm chung của truyền hình thực tế (THTT) Việt hiện nay là phải có một format nổi tiếng ở nhiều nước, tuy nhiên, điểm chung này không hề đảm bảo sẽ mang lại một kế quả chung giống nhau. Được Việt hóa từ một phiên format “xịn”, từng đoạt 7 giải Emmy và được sản xuất tại 24 quốc gia trên toàn thế giới, tuy nhiên, tại Việt Nam, Thử  thách cùng bước nhảy (tên gốc là So you think you can dance) hiện vẫn không thể nào bì kịp The VoiceVietnam Idol về độ “hot”.

Tương tự, với một format “xịn” được bảo chứng bảo lượng khán giả cao và độ phủ tại nhiều nước, nhưng Hợp ca tranh tài (dựa trên phiên bản Clash of the choirs ăn khách tại Mỹ, hiện đã có 14 phiên bản trên toàn thế giới), Ngôi nhà âm nhạc (từ format Star academy nổi tiếng), Cuộc đua kỳ thú (từ format đình đám The amazing race), Con đã lớn khôn (phiên bản Việt của chương trình Hajimete no Otsukai ăn khách bậc nhất tại Nhật Bản), Xe buýt tình yêu (phiên bản Love bus nổi tiếng của Nhật)… lại không hề nhận được nhiều sự quan tâm.

Có thể nói, đây là những chương trình khá tử tế, bởi không dùng chiêu trò như một cách gây sự chú ý, cũng không sản sinh hay tô vẽ nên những câu chuyện đầy tính hoàn cảnh, màu mè. Các chương trình này trung thực với chất “thực tế” như đúng tên gọi về thể loại của nó. Bên cạnh đó, tính giáo dục và rèn luyện của Con đã lớn khôn khá cao, Cuộc đua kỳ thú thì kịch tính đến nghẹt thở, Hợp ca tranh tài còn có mục đích từ thiện đáng quý, Thử  thách cùng bước nhảy đề cao niềm đam mê đích thực… nhưng tất cả vẫn bị thờ ơ. Không ít người cho rằng sự kém thu hút của Con đã lớn khôn, Cuộc đua kỳ thú, Xe buýt tình yêu có thể viện dẫn là vì không có sự tham gia của “sao” nên mất đi một lượng khán giả vốn là fan ruột của “sao”, cũng không thuộc lĩnh vực ca hát hay nhảy múa – lĩnh vực mang tính đại chúng nên khó sánh bằng The Voice, Vienam Idol, Cặp đôi hoàn hảo… Nhưng rất khó lý giải cho Hợp ca tranh tài, Ngôi nhà âm nhạc bởi thí sinh, giám khảo của hai chương trình này đều là những ca sĩ nổi tiếng như Đức Tuấn, Mỹ Lệ, Siu Black, Đoan Trang…

Các thí sinh của The Voice thời gian gần đây liên tiếp khiến dư luận xôn xao.

Tâm lý đám đông & Hội chứng bầy đàn

Điều này một lần nữa cho thấy công chúng hiện tại, dù vẫn luôn kêu gào về một chương trình đơn thuần nghệ thuật, không chiêu trò, nhưng lại chỉ dành sự quan tâm cho những gì ồn ào. Không hề ngoa khi cho rằng thông qua THTT, có thể thấy tâm lý đám đông trong khán giả Việt rất rõ nét. Càng tạo ra sự việc gây tranh cãi, chương trình càng được quan tâm. Một phần nào đó, chính điều này đã góp phần tạo nên cách nhìn và cách thực hiện sai lệch về THTT hiện nay, khiến nhiều nhà sản xuất xem chiêu trò là một yếu tố quyết định thành bại của chương trình.

Thực tế, tại các nước, chiêu trò trong THTT vẫn khá phổ biến, tuy nhiên, chỉ dừng lại ở mức “phụ gia”. Trong khi đó, tại Việt Nam, chiêu trò lại trở thành nguyên liệu chính. Tâm lý đám đông của người Việt lúc này đã bị các nhà sản xuất “nắm thóp” và tận dụng triệt để. Các đơn vị nghiên cứu đo lường chỉ số như TNS, AcNielsen từng đưa ra những bản thống kê cho thấy rating bỗng dưng tăng vọt của các chương trình sau scandal, với Vietnam Idol 2010 lấy việc lộ băng ghi âm của Đăng Khoa, Vietnam’s Got Talent 2011 là sau sự vụ Nguyễn Quỳnh Anh, Bước nhảy hoàn vũ 2012 là sau scandal Minh Hằng “mượn” giọng Lan Anh

Dù bị chê nhạt nhẽo, thiếu muối nhưng Thành Lộc - Thúy Hạnh và nhạc sĩ Huy Tuấn vẫn được mời làm giám khảo của Vietnam's Got Talent mùa 2.

Cụ thể hơn, trong một khảo sát về Vietnam’s Got Talent, Nguyễn Quỳnh Anh nhận được hơn 40% sự quan tâm, kế tiếp mới đến là Phương Anh “xương thủy tinh”… Sự “ném đá” tập thể của công chúng Việt có một sức mạnh không giống như bề ngoài, nếu không muốn nói là “đòn bẩy” lên nhiều giá trị ảo. Vì thế, nhiều sự cố đã xuất hiện một cách cố tình chỉ để… bị ném đá. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, lúc còn ngồi chiếc ghế nóng tại Sao Mai điểm hẹn 2010 từng nhận định: “Nhiều người sợ rằng nếu mình nói khác đi, mình sẽ bị lỗi thời. Nếu người ta nhắn tin cho ca sĩ này mà mình nhắn tin cho ca sĩ khác, mình sẽ không đúng. Cứ thế, tâm lý đám đông đã quyết định nhiều thứ!”

Rõ ràng, sự lựa chọn là ở khán giả, và trong trường hợp này, chính khán giả đã chọn những điều phi nghệ thuật. Với những gì được cho thấy, có vẻ như không phải khán giả nào cũng đủ khôn ngoan để tỉnh táo trước các tính toán của nhà sản xuất, vẫn cứ ngây thơ tin rằng mình quyết định được mọi thứ mà không hay mình đang bị dắt mũi một cách ngoạn mục.

Theo The Box

 

Theo The Box

Bạn có thể quan tâm