Hình ảnh trong phim Bullet Train. |
(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim.
Không chỉ quy tụ dàn sao, Bullet Train (Tựa Việt: Sát thủ đối đầu) còn đánh dấu sự trở lại của Brad Pitt sau 3 năm không đóng chính kể từ Ad Astra (2019).
Ngồi ghế đạo diễn là David Leitch – từng làm nhiều phim hành động nổi tiếng như John Wick (2014), Atomic Blonde (2017), Deadpool 2 (2018). Do đó, khán giả có nhiều lý do để chờ đợi một tác phẩm hấp dẫn, đậm tính giải trí.
Tuy nhiên, phim không được giới phê bình đón nhận nồng nhiệt khi ra mắt, hiện chỉ đạt 49/100 điểm trên Metacritic, đồng thời xếp hạng “thối” trên Rotten Tomatoes với 54% bình chọn. Phần lớn cây viết dùng từ “try-hard” (cố gắng hết mình) để đánh giá phim, ám chỉ ê-kíp có nhiều nỗ lực nhưng kết quả không như mong muốn.
Đạo diễn chưa kiểm soát được phong cách
Chuyện phim bắt đầu khi nhân vật chính Ladybug (Brad Pitt) nhận nhiệm vụ đặc biệt. Gã sát thủ phải mua vé lên tàu siêu tốc (shinkansen) đi từ Tokyo đến Kyoto để tìm chiếc cặp bí ẩn màu bạc, đang được cất giấu ở một khoang nào đó.
Với kinh nghiệm dày dặn, Ladybug tự tin hoàn thành mục tiêu một cách dễ dàng. Điều gã chưa thể lường trước là còn những sát thủ khác đang ở trên tàu, ngăn không cho chiếc cặp rời khỏi vị trí.
Tạo hình của Brad Pitt trong vai Ladybug. |
Thông thường, hành khách sẽ mất hơn 2 tiếng đồng hồ để đi từ thủ đô đến cố đô bằng tàu siêu tốc. Giữa mỗi trạm, tàu dừng lại đúng một phút, sau đó lao đi như cơn lốc với vận tốc tối đa lên đến 320 km/h.
Tác phẩm của David Leitch có thời lượng tương tự (126 phút). Đạo diễn sử dụng nhịp phim nhanh, gấp gáp để người xem cảm nhận được sự hối hả của chuyến tàu đến Kyoto.
Suốt thời lượng hơn 2 tiếng, đạo diễn lần lượt giới thiệu nhân vật mới đồng thời lật mở các câu chuyện nền (background story) về từng người. Khi các sát thủ xuất hiện, khung hình dừng lại vài giây với dòng chữ giới thiệu bằng song ngữ Anh - Nhật, gợi nhớ các trò chơi điện tử xứ hoa anh đào.
Cách làm này mang lại phong cách cho phim, đồng thời tạo được bất ngờ ở hồi đầu khi câu chuyện chưa vào nhịp. Đến nửa sau, đạo diễn tiếp tục sử dụng phương thức tương tự làm người xem mất tập trung vào cốt truyện chính.
Một số tuyến truyện phụ hoàn toàn có thể cắt bỏ mà không ảnh hưởng nội dung. Song, ê-kíp vẫn giữ lại để đảm bảo thời lượng, khiến phim như bản dựng của đạo diễn (director's cut) hơn là bản được biên tập cho khán giả đại chúng.
David Leitch duy trì phong độ khi xử lý các cảnh hành động, đánh đấm đúng chất John Wick. Tuy nhiên, đạo diễn chọn lối kể không mới, gợi nhớ phong cách của Quentin Tarantino lẫn Guy Ritchie. Đa số các nhà phê bình đều cho rằng tác phẩm pha trộn giữa độ bạo lực và sự hài hước của hai đạo diễn nổi tiếng, nhưng làm chưa tới.
Phim thực hiện tốt phần hành động nhưng tổng thể còn nhiều điểm trừ. |
Là một trong những người chấm điểm thấp nhất (20/100), Charles Bramesco - cây viết của tạp chí Little White Lies - cho rằng David Leitch đang “khao khát trở thành Tarantino” bằng cách “sao chép sự hài hước thông minh” của đồng nghiệp.
Tác giả Todd Gilchrist (AV Club) đồng quan điểm khi chấm phim ở mức D, đánh giá tác phẩm “tẻ nhạt”, David Leitch “không có cá tính”. Ngoài ra, nhà phê bình David Rooney (The Hollywood Reporter) còn thấy phim giống các tác phẩm của Robert Rodriguez, Joe Carnahan hay Timur Bekmambetov.
Nội dung vô nghĩa
Giống Ladybug, lý do các sát thủ khác lên tàu cũng rất đơn giản. Bộ đôi Tangerine (Aaron Taylor-Johnson) - Lemon (Brian Tyree Henry) được khách hàng thuê. Yuichi Kimura (Andrew Koji) muốn tìm kẻ hãm hại con trai để trả thù. The Wolf (Benito A. Martínez Ocasio) và The Price (Joey King) có động cơ tương tự nhưng khác mục tiêu.
Cứ thế, các nhân vật được nhét vào không gian chật chội của chuyến tàu siêu tốc. Sau đó, họ lao vào đánh đấm, tiêu diệt nhau chỉ để giành lấy một chiếc cặp, để rồi cuối cùng phát hiện thực ra là vali.
Nhà phê bình Michael Phillips - đến từ tờ Chicago Tribune - gọi phim là “án mạng trên chuyến tàu tốc hành mất phương hướng”, đồng thời dùng lời thoại của nhân vật Lemon để nhận xét tác phẩm: “Twist, bạo lực, kịch tính” nhưng “không có thông điệp”.
Thực tế, kịch bản phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Kotaro Isaka. Biên kịch Zak Olkewicz “thay máu” các nhân vật bản địa, biến họ trở thành người đa quốc tịch đúng theo công thức quen thuộc của Hollywood.
Các nhân vật Nhật Bản trong nguyên tác đều được biên kịch "thay máu", đổi quốc tịch. |
Một số nhân vật không biết từ đâu bỗng có mặt đúng nơi đúng lúc, tạo cảm giác khiên cưỡng. Chẳng hạn như sát thủ The Hornet (Zazie Beetz) chuyên dùng độc dược hay The Elder (Hiroyuki Sanada) vốn là cha Kimura.
Điều này được nhà phê bình Robbie Collin của tờ Telegraph chỉ ra khi ông chấm phim 1/5 sao. Điển hình là khi một chai nước hay một con rắn đột nhiên được chèn vào, chỉ để biên kịch giải quyết câu chuyện dễ dàng hơn.
Tương tự, phản diện chính White Death (Michael Shannon) xuất hiện, giải thích chuyện gì đang diễn ra sau hơn 1 tiếng 45 phút. Hay cuối phim, minh tinh Sandra Bullock bất ngờ lộ diện để người xem biết cô không chỉ góp giọng mà cũng được phân vai đàng hoàng.
Phản diện mờ nhạt, kết thúc vội
Theo IMDb, Bullet Train là kịch bản thứ hai của Zak Olkewicz. Trước đó, biên kịch sinh năm 1983 chỉ làm Fear Street: Part Two – 1978 (2021) nên khó thể gọi là giàu kinh nghiệm.
Kịch bản nhiều lỗ hổng là một trong những yếu tố khiến phim mất điểm. Ở hồi cuối, các tình tiết được xử lý vội vàng, thiếu thuyết phục dẫn đến cái kết không ấn tượng, gây tụt cảm xúc.
Xuyên suốt hành trình, các nhân vật liên tục nhắc đến White Death như một địch thủ đáng gờm. Hắn là kẻ đứng đầu tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới, hiện nắm quyền kiểm soát thế giới ngầm Nhật Bản. Độ độc ác có khả năng gây lạnh gáy, thậm chí còn kinh khủng hơn cả quỷ dữ.
Tuy nhiên, ông trùm yakuza lại không tạo được cảm giác rùng rợn cần có. Qua hóa thân của Michael Shannon, White Death gây cười nhiều hơn đáng sợ. Với mái tóc điểm bạc và cặp kính đen, nhân vật tạo cảm giác thiếu nghiêm túc, làm giảm độ gay cấn cần thiết.
Vai phản diện của Michael Shannon không đáng sợ mà lại có phần gây cười. |
Chưa kể, đàn em của White Death cũng khá ngớ ngẩn, hành xử bất tuân quy tắc mà cũng không cần dùng đến trí tuệ. Sự xuất hiện của nhóm yakuza càng khiến câu chuyện trở nên vô nghĩa, đạp đổ mọi chi tiết cài cắm, sắp đặt trước đó.
Tác giả Ann Hornaday (The Washington Post) chấm 1,5/4 sao, gọi phim là “chuyến tàu hỗn loạn chẳng dẫn về đâu”. Cây viết Oliver Jones (Observer) ví cách Zak Olkewicz viết kịch bản như “đổ men vào món thịt nguội nướng mật ong”.
Về phía các nhà phê bình có đánh giá tích cực, phần lớn cho rằng tác phẩm vẫn vui vẻ, hài hước. Kịch bản mắc lỗi và cách kể còn hạn chế nhưng không ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim.
Trái ngược với đánh giá của giới phê bình, phim có mở màn tương đối tốt với doanh thu 12,6 triệu USD từ 4.357 rạp chiếu trong ngày đầu ra mắt. Phản ứng của khán giả cũng không đến nỗi tệ với 7.5/10 điểm trên IMDb. Các ý kiến đều đánh giá cao diễn xuất của Brad Pitt và dàn diễn viên, phần nào khỏa lấp các điểm trừ.
Nhìn chung, Bullet Train là vẫn là một bộ phim giải trí có những cảnh hành động, đánh đấm đẹp mắt. Tác phẩm vẫn chấp nhận được nếu khán giả chịu bỏ qua những lỗi phi logic trong kịch bản, sự ngốc nghếch của các nhân vật hay phong cách quá đà của đạo diễn.