Theo CNN, tất cả xuất phát từ phát ngôn của một giám đốc casting ở Hollywood. Tuần trước, tạp chí Paste đăng tải một trích dẫn từ một cuốn sách về điện ảnh của tác giả Nancy Wang Yuen.
Trong sách, Yuen dẫn lời một giám đốc casting cho hay: "Các diễn viên châu Á rất khó để tuyển chọn cho phim vì họ biểu cảm kém cỏi, gây tụt cảm xúc". Câu trích dẫn này được Paste đưa vào một bài viết phản ánh tình trạng các vai diễn châu Á nghèo nàn, khuôn sáo trên màn ảnh Hollywood hiện nay.
Vai diễn của Phạm Băng Băng trong "X-Men: Days of Future Past" được quảng bá rầm rộ nhưng chỉ có vài cảnh đánh đấm cùng một câu thoại khiến khán giả chưng hửng. |
Trích dẫn này khiến công chúng và giới diễn viên người Mỹ gốc Á phẫn nộ. Nhiều người muốn phản bác lý lẽ "diễn viên châu Á kém về biểu cảm" của vị giám đốc casting kia.
Trên Twitter, từ hôm 8/9, một người dùng có nick Mauxbot đã kêu gọi: "Chúng ta có thể bắt đầu trào lưu #ExpressiveAsians (người châu Á biểu cảm tốt) được không?".
Đi kèm, Mauxbot đăng ảnh của nữ diễn viên Scarlett Johannson trong phim Ghost In The Shell, để chứng minh cả khi Hollywood mời diễn viên da trắng đóng thay vai châu Á, kết quả cũng không ấn tượng lắm. Dòng tweet này đã có 60.000 lượt thích và 25.000 lượt chia sẻ lại.
Liền đó, những người dùng khác đăng rất nhiều dòng tweet cùng ảnh một diễn viên châu Á tài năng mà họ yêu thích. Trong đó, có người nhắc đến Toshiro Mifune, nam diễn viên người Nhật đã đóng 170 phim, trong đó có phim kinh điển mà Hollywood cũng phải ngả mũ thán phục là Rashomon.
Lương Triều Vỹ là một trong những niềm tự hào châu Á. |
Một khán giả khác đăng hàng loạt ảnh của tài tử Hong Kong Lương Triều Vỹ và viết: "Lương Triều Vỹ có thể thể hiện mọi biểu cảm chỉ bằng đôi mắt của mình, điều mà nhiều diễn viên phương Tây phải dùng cả cơ thể mới biểu đạt nổi".
Một người dùng kết luận: "Hãy xem hết các bài đăng với hashtag #ExpressiveAsians, mọi người sẽ được thấy những gương mặt châu Á đẹp đẽ, vui vẻ, buồn bã, phấn khích, cáu kỉnh... Những giám đốc casting ở đâu mà không nhìn thấy họ?".
Thêm vào đó, cũng có những ý kiến cho rằng các nhân vật châu Á trong phim Hollywood vẫn còn nghèo nàn, khuôn sáo nên các diễn viên châu Á khó thể hiện hết khả năng biểu cảm của mình. Tạp chí Time cũng ví von: "Với mỗi Dương Tử Quỳnh có sự nghiệp rực rỡ ở Hollywood thì có một Phạm Văn Phương trượt chân ngã".
Lee Byung Hun là một trong những diễn viên châu Á hiếm hoi có vai chính trong phim Hollywood với
The Magnificent Seven. |
Bên cạnh giới diễn viên điện ảnh, có vẻ như người châu Á nói chung cũng cảm thấy bị xúc phạm bởi lời nhận xét của vị giám đốc casting kia. Nhiều người tự đăng ảnh bản thân với những biểu cảm tức giận, khinh bỉ, cười cợt để tự trào và phản đối.
Đó là biểu hiện cho thấy Hollywood ngày càng phải chú ý đến sự đa dạng văn hóa và khó có thể coi thường giới diễn viên châu Á như trước.