VKSND Tối cao vừa kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị thu hồi hơn 1.633 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên thu hồi 1.633 tỷ đồng của BIDV hoàn trả cho Ngân hàng Xây dựng (trước là VNCB, sau là CB). Tuy nhiên, sau đó TAND Cấp cao đã sửa án sơ thẩm, tuyên BIDV không phải hoàn trả cho CB số tiền trên.
Theo VKSND Tối cao, phán quyết này gây thiệt hại cho Nhà nước.
Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh: Tùng Tin. |
Bên cạnh đó, số tiền 4.500 tỷ đồng được xác định là tiền của Phạm Công Danh đưa vào dòng tiền của Ngân hàng Xây dựng để nâng vốn điều lệ. Thế nhưng thực chất vốn điều lệ của Ngân hàng Xây dựng vẫn là 3.000 tỷ đồng. Tòa sơ thẩm tuyên thu hồi 4.500 tỷ để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo, theo VKSND Tối cao là không có căn cứ.
Cũng theo kháng nghị, nguồn gốc số tiền 4.500 tỷ là bất hợp pháp và không phải là tiền của Phạm Công Danh vì số tiền này do ông Danh đi vay trái pháp luật, đã bị xử lý trong vụ án này ở giai đoạn 1 (xử sơ thẩm vào năm 2016).
Ông Phạm Công Danh đã sử dụng 4.500 tỷ đồng hòa vào dòng vốn của Ngân hàng Xây dựng nên không có cơ sở hoàn trả lại cho nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh.
Tòa phúc thẩm tháng 12/2018 cũng bác kháng cáo của CB về việc không đồng ý trả lại 4.500 tỷ đồng cho Phạm Công Danh; bác bỏ kháng cáo trả hơn 194 tỷ đồng cho CB của ông Trần Quý Thanh.
Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV. Ảnh: BIDV. |
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn, ngân hàng này làm ăn thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó đã đặt Đại Tín (sau này là VNCB) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh dùng 6.630 tỷ của VNCB gửi vào Sacombank, BIDV, TPBank để bảo lãnh khoản vay thông qua 29 lượt công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, rồi chuyển tiền về cho Phạm Công Danh sử dụng. Sau đó, 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, tổng số tiền là 6.126 tỷ đồng.
Do các công ty làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ, Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu lại được tiền bảo lãnh, dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.126 tỷ đồng.