Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khảo sát sức khỏe, dinh dưỡng cho 50.000 trẻ em tại 100 trường học

Qua việc khảo sát đánh giá tình trạng sức khỏe, các chuyên gia sẽ hướng dẫn về dinh dưỡng và lối sống năng động tích cực cho các gia đình, đặc biệt cho trẻ em học đường.

6 tháng cuối năm nay, 50.000 trẻ em từ 3-11 tuổi ở 100 trường học trên địa bàn Hà Nội và 4 tỉnh thành Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình sẽ được tiến hành khảo sát đánh gia tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng.

Đây là một phần trong dự án Giáo dục dinh dưỡng và phát triển thể lực cho trẻ em Việt Nam do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ký kết ngày 14/6.

Khao sat dinh duong cho tre em anh 1
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam - ký kết dự án sáng 14/6. Ảnh: D.T.

Qua việc khảo sát đánh giá tình trạng sức khỏe, các chuyên gia sẽ hướng dẫn về dinh dưỡng và lối sống năng động tích cực cho các gia đình, đặc biệt cho trẻ em học đường gồm cung cấp tài liệu cho phụ huynh và học sinh, tổ chức sinh hoạt tại trường về dinh dưỡng và phát triển thể lực, chiều cao.

PGS.TS Nguyễn Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết kết quả khảo sát tình hình dinh dưỡng tại khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) do Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp FrieslandCampina thực hiện cho thấy thực trạng suy dinh dưỡng vẫn tồn tại ở trẻ em dưới 12 tuổi.

Hơn 50% trẻ em thiếu canxi và vi chất dinh dưỡng như vitamin A, B1, C và sắt trong chế độ ăn uống hàng ngày, đặc biệt là sự thiếu hụt vitamin D mặc dù sống tại khu vực có nhiều ánh nắng mặt trời.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ béo phì và dư cân cũng đang gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở đô thị. PGS Mai cho rằng việc giáo dục dinh dưỡng và phát triển thể lực cho trẻ em Việt Nam hiện rất cần thiết.

Về điều này, bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam - khẳng định dự án sẽ trợ giúp thiết thực và hiệu quả cho các trẻ em, góp phần thực hiện các mục tiêu quan trọng của Đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam và Chương trình sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và tiểu học do chính phủ đề ra.

“Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới mức trung bình của khu vực và thế giới, hạn chế sự gia tăng tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ em lứa tuổi tiền học đường và học đường, nâng cao thể lực và trí lực cho học sinh”, bà Thu chia sẻ về mục tiêu.

Hà Thanh

Bạn có thể quan tâm