Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, kết quả điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em 6-9 tháng do Viện Dinh dưỡng tiến hành năm 2014-2015 cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13% và tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp vẫn ở mức 34,8%.
Tỷ lệ này không thay đổi so với kết quả của tổng điều tra năm 2010 của Viện Dinh dưỡng. Tổ chức Y tế thế giới vẫn xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức độ nặng (trên 10% trẻ dưới 5 tuổi).
Tỷ lệ thiếu vitamin A tiến lâm sàng. Nguồn: Viện Dinh dưỡng quốc gia. |
PGS Mai lý giải nguyên nhân là khẩu phần ăn của người Việt mới đáp ứng được khoảng 23-35% nhu cầu vitamin A. Đặc biệt, khẩu phần ăn của trẻ em trong giai đoạn ăn bổ sung nghèo thức ăn động vật, rau xanh quả chín.
Thiếu vitamin A để lại hậu quả làm giảm sức đề kháng của cơ thế đối với bệnh tật. Nhiễm trùng, suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A là vòng xoắn bệnh lý làm tăng nguy cơ tử vong. Đặc biệt, thiếu vitamin A ở mức độ nặng sẽ gây các tổn thương ở mắt, được gọi là bệnh khô mắt, nếu không điều trị kịp thời sẽ bị mù vĩnh viễn.
Do vậy, theo PGS Lê Bạch Mai, bổ sung dinh dưỡng là hoạt động cần thiết để bảo vệ sức khỏe trẻ em. Đây là cuộc chiến bền bỉ để đẩy lùi nạn đói tiềm ẩn nâng cao năng lực lao động, trí tuệ và cuộc sống khoẻ mạnh của người dân Việt Nam.
Thống kê của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy hàng năm có gần một triệu trẻ em dưới 5 tuổi được bổ sung vitamin A miễn phí ở 63 tỉnh, thành. Trẻ từ 37-60 tháng tuổi ở 22 tỉnh khó khăn mỗi năm được uống vitamin A hai lần; bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được uống một liều.