Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Khát khao gặp con giúp sản phụ mắc ung thư tỉnh lại'

“Đối với một phụ nữ bình thường, hồi sức sau sinh đã là khó khăn, huống hồ người bệnh ung thư", bà Linh chia sẻ về sự tỉnh lại kỳ diệu của người mẹ mắc ung thư.

Một ngày sau ca mổ bắt con đặc biệt, sản phụ mắc ung thư Nguyễn Thị Liên (ở Hà Nam) suy hô hấp, phải mở nội khí quản, thở máy và được chăm sóc tích cực. Bất ngờ, chị đã tỉnh lại và được nhìn thấy hình ảnh của con.

Mẹ được nhìn thấy con hàng ngày để tiếp thêm động lực

Khi vợ chuyển nặng, anh Đỗ Văn Hùng - chồng chị - đang thăm bé Đỗ Bình An ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Anh dự định đem ảnh của con về cho vợ xem nhưng không kịp. Trước đó, sau khi chào đời, bé cần hồi sức ngay lập tức nên bác sĩ không kịp cho mẹ ngắm con. Điều này gây tiếc nuối cho gia đình và rất đông các y bác sĩ ở Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đức - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K Trung ương - cho biết ngày 28/5, bệnh nhân Liên suy hô hấp, kết quả chụp X-quang phổi tiên lượng rất xấu.

san phu mac ung thu tinh lai ky dieu anh 1
Chị Liên tỉnh lại và có thể giao tiếp bằng cách viết lên bảng. Ảnh: Hà Trần.

Cuộc hội chẩn giữa Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai nhanh chóng được thành lập với quyết tâm hỗ trợ đường thở tốt nhất cho bệnh nhân và sử dụng thuốc điều trị đích.

Sau đó, chị Liên bắt đầu có tín hiệu tốt hơn và tỉnh lại. Sáng 30/5, các bác sĩ đã cho chị xem ảnh con trai. Người mẹ đã khóc và cảm nhận được những lời bác sĩ chia sẻ về tình hình con trai mình. Hiện tại, các chỉ số xét nghiệm tạm thời của chị Liên trong giới hạn ổn định, phổi đã có dấu hiệu tích cực.

Bà Trần Thị Ngọc Linh, Phó trưởng Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện K Trung ương, cho hay sự tỉnh lại của bệnh nhân Liên là sự kỳ diệu.

“Đối với một phụ nữ bình thường, hồi sức sau sinh đã là khó khăn, huống hồ với một người bệnh ung thư. Có lẽ chính tình yêu và khao khát được gặp con đã trở thành động lực mạnh mẽ để chị tỉnh lại như thế”, bà Linh chia sẻ.

san phu mac ung thu tinh lai ky dieu anh 2
Bé Bình An đã ăn được 20 ml sữa/bữa. Ảnh: Hà Trần.

Ngày 30/5, tuy còn yếu chưa thể nói, chị Liên đã có thể giao tiếp bằng những nét chữ lên bảng. Anh Hùng kể khi viết được những chữ đầu tiên, vợ anh hỏi: “Con thế nào?”.

Từ ngày tỉnh lại, chị Liên xem lại nhiều lần video của con trai. Chị không ngăn được những giọt nước mắt. Dù Bình An đang tiến triển từng ngày, nhìn đứa con nhỏ bé, có lẽ chị cũng như bất kỳ người mẹ nào, không thể ngăn được sự thương xót. Hơn ai hết, chị khao khát được chạm vào đứa con mình nhất mực bảo vệ dù tính mạng bị đe dọa.

“Chúng tôi đặt 2 máy quay tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương để ghi hình ảnh của bé mỗi ngày. Đây là liệu pháp tinh thần, truyền động lực cho người mẹ. Mỗi ngày, chị được nhìn hình ảnh của con trai, lấy thêm niềm hy vọng để chiến đấu cùng căn bệnh”, thạc sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện K Trung ương, chia sẻ.

Chờ đợi cuộc hội ngộ

Thạc sĩ Tĩnh cho biết gần 10 ngày qua, Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương thường xuyên liên lạc hàng giờ. Cả 2 bệnh viện đã bàn rất nhiều phương án, trong đó tính đến trường hợp đưa con sang Bệnh viện K. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ, việc này là không thể. Bởi bé Bình An hiện hơn 32 tuần, cần điều trị đặc biệt thêm ít nhất 3-4 tuần tới mới có thể ra khỏi lồng kính.

Sau 9 ngày chào đời, tình trạng phù của bé đã hết. Bé đã được rút ống nội khí quản và thở oxy, tình hình tạm thời ổn định. Hiện, mỗi bữa, Bình An ăn xông qua dạ dày khoảng 20 ml/lần, ngày 8 bữa, mỗi bữa cách nhau 180 phút.

“Khi nào mẹ có thể tự thở không cần máy và ngồi xe lăn, chúng tôi sẽ đưa chị sang thăm con. Chúng tôi cũng tính đến sự xúc động khi hai mẹ con khi gặp nhau. Do đó, bất cứ phương án nào đưa ra, quan trọng nhất vẫn là sự an toàn cho cả mẹ và em bé”, thạc sĩ Tĩnh cho hay.

Theo bà Linh, với bệnh nhân Liên, ngoài việc được bảo hiểm y tế thanh toán, bệnh viện hỗ trợ chi phí điều trị. Trước khi phát hiện bệnh, chị Liên làm công nhân, chồng làm thợ sơn, giờ đây, cuộc sống sẽ càng trở nên khó khăn bội phần. Chị Liên phát hiện bệnh ở giai đoạn quá muộn, khó nói trước tương lai, trong khi Bình An còn một tương lai khó khăn phía trước.

Mọi đóng góp cho gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị Liên xin gửi về:

- Đỗ Văn Hùng, STK 160098139 tại Ngân hàng VPbank, chi nhánh Thăng Long.

- Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng; STK 00200014483918 tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank), chi nhánh Sở giao dịch.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm