Cơn sốt IT khiến nhiều tân cử nhân xứ triệu dân bắt đầu lại từ con số 0. |
Năm 2020, Tian Tian tốt nghiệp một trường đại học về khoa học xã hội hàng đầu Trung Quốc.
Ngay sau đó, cô lập tức đăng ký chương trình đào tạo thạc sĩ về lập trình, mã hóa tại Mỹ. Mục tiêu của cô là dấn thân vào ngành IT, thay vì đi theo lộ trình như thời đại học.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất việc học vào tháng 8/2022, Tian sẽ ứng tuyển vào bất kỳ doanh nghiệp công nghệ cô tìm thấy. Thực tế, hành trình xin việc gặp nhiều khó khăn khi Tian liên tục bị từ chối.
Sau nhiều tháng chật vật, nữ kỹ sư máy tính đang cân nhắc tiếp tục học lên tiến sĩ nhằm tăng khả năng tìm được vị trí ưng ý.
Tại Trung Quốc, trường hợp chuyển hướng từ khoa học xã hội sang công nghệ như Tian Tian đã trở nên phổ biến trong 2 năm qua. Theo Sixth Tone, đa số nhân sự “tay ngang” thừa nhận thay đổi này dễ khiến họ rơi vào rắc rối. Tuy nhiên, mức lương cao, môi trường đa dạng dễ dàng khỏa lấp mọi rủi ro.
Ước mơ đổi đời
Số liệu thống kê năm 2021 của Github, kho lưu trữ mã nguồn mở lớn nhất thế giới, cho thấy thế giới có ít nhất 73 triệu lập trình viên, tăng 16 triệu người so với năm trước.
Tại Mỹ, mức lương trung bình theo năm của ngành IT rơi vào khoảng 110.000 USD. Trong khi đó, con số này ở Trung Quốc là 23.790 USD.
Hàng nghìn bài quảng cáo trên mạng xã hội khiến nghề lập trình máy tính ở xứ tỷ dân được chú ý hơn bao giờ hết. “Chuyển nghề, bạn sẽ đi lên từ con số 0”, “Gia nhập doanh nghiệp công nghệ của chúng tôi để có mức lương nghìn USD” là những mẫu nội dung dễ bắt gặp.
Nghề IT thu hút giới trẻ Trung Quốc với mức lương trong mơ, cơ hội làm việc lý tưởng. Ảnh: Wired. |
Độ phổ biến của kiểu thông điệp này khiến nhiều người tin rằng trở thành một manong (lập trình viên thâm niên cao) nhất định có thu nhập trong mơ.
Hiện nay, xã hội Trung Quốc vẫn có xu hướng xem thường ngành khoa học xã hội.
“Muốn thành công, hãy học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Nhóm nghề nhân văn chỉ dành cho người thất bại, kém cỏi trong khoa học”, nhiều người khẳng định.
Sinh viên nhân văn, nghệ thuật thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp với chuyên ngành. Khó khăn càng tăng cao khi mức thu nhập chỉ ở mức thấp. Với triển vọng phát triển rộng rãi, lâu dài, nghề IT trở thành lựa chọn thay thế hàng đầu cho người trẻ xứ tỷ dân.
Không có sẵn nền kiến thức, nhóm “tay ngang” thử sức với nhiệm vụ phân tích big data hay chạy thử phần mềm. Họ thừa nhận nội dung này có phần nhẹ nhàng hơn so với ngôn ngữ Java.
Trên thực tế, hàng nghìn cá nhân đã thất bại khi nhảy vào lĩnh vực này. Yêu cầu kỹ thuật phức tạp, cường độ làm việc cao và tình hình đóng băng tuyển dụng nhanh chóng nhanh chóng khiến họ vỡ mộng.
Sau khi ra trường, Tianli nhận vị trí chuyên gia tiếp thị tại một thành phố hạng 3. Mức lương của anh chỉ rơi vào khoảng 4.000-5.000 nhân dân tệ. Trong khi đó, vài người bạn cùng lớp lại chuyển đến Thượng Hải, nhận được khoản tiền cao gấp đôi nhờ làm trong ngành IT. Tháng 10/2021, Tianli quyết định nghỉ việc và tự học viết code.
Tương tự, Zhang Hong cũng từ bỏ công việc cũ và chi hơn 10.000 nhân dân tệ cho khóa đào tạo IT online. Hiện tại, cô đã chuyển đến thung lũng Silicon (Mỹ) cùng gia đình để tiếp tục theo đuổi nghề mới.
Tại đây, cô có cơ hội nhận mức lương cao gấp đôi so với quê nhà. Zhang cũng không phải chịu đựng văn hóa 996 hay tìm việc làm thêm nhằm đảm bảo nguồn thu. Với cô, lấn sân sang lĩnh vực công nghệ là một trong những quyết định sáng suốt nhất.
Tuy nhiên, không ít người sớm nhận ra mình đã quá ảo tưởng về ngành nghề này. Ảnh: Sixth Tone. |
Hiện thực cay đắng
Dù vậy, quá trình đánh đổi này không hề đơn giản.
Từ tháng 4/2022, Zhang phải dành toàn bộ thời gian rảnh để nâng cao chuyên môn. Ban đầu, việc học khiến cô thích thú. Song, cô nhận ra rắc rối khi liên tục hỏi những kiến thức cơ bản. Cô cũng không có cơ hội gần gũi gia đình, bạn bè vì quá bận rộn.
Khi bắt tay vào thực hành, Zhang lúng túng với các mã code. Cô chỉ có thể thực hiện vài thao tác đơn giản và nhanh chóng rơi vào bế tắc khi gặp trường hợp cao cấp hơn.
“Nhiều lúc, tôi thấy mình như một đứa ngốc. Chuyện này khiến tôi đau khổ”, Zhang thú nhận.
Tương tự, sự lo âu khi bắt đầu sự nghiệp mới cũng khiến Tongtong gầy rộc đi. Sau thành công với vài dự án nhỏ, nữ lập trình viên vội đến Quảng Châu để tìm việc làm. Cô tuyệt vọng khi không hề thành công ở bất kỳ công ty nào, dù có hàng loạt lời hứa hẹn từ bộ phận tuyển dụng.
“Thị trường việc làm năm nay ảm đạm hẳn đi. Hàng loạt doanh nghiệp lớn đang trong tình trạng đóng băng tuyển dụng. Họ không có nhu cầu tuyển thêm bất kỳ ai”, cô giải thích.
Không phải ai cũng gặp may khi lấn sân sang lĩnh vực công nghệ. Ảnh: Le Wagon. |
Trong khi đó, Tianli cay đắng quay lại công việc marketing sau thời gian ngắn. Dù đã được nhận vào một đơn vị công nghệ tại Hàng Châu, Tianli nhận ra yêu cầu kỹ thuật của các kỹ sư quá cao so với trình độ bản thân. Anh hầu như không hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng nào.
“Tôi tự nguyện tăng ca liên tục trong 2 tuần đầu tiên nhưng vẫn khó bắt kịp tiến độ chung. Thay vì chờ bị đuổi, tôi chủ động xin thôi việc để giữ thể diện”, Tianli cho biết.
Theo kế hoạch, anh muốn trụ lại thành phố mới thêm vài tháng để thử vận may. Tuy nhiên, Tianli lại tiếp tục thất nghiệp và rơi vào cảnh túng quẫn.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Zhang Hong chấp nhận từ bỏ công việc lập trình, quay lại quản lý dự án. Còn Tongtong vẫn chật vật với những cơn căng thẳng kéo dài gây suy nhược thần kinh.
Với những ai muốn đổi đời bằng nghề IT, hai cô gái cho rằng cần phải tự học và cân nhắc kỹ về khả năng tư duy logic. Đồng thời, bạn cần tự hỏi bản thân xem có thực sự kiên trì để vượt qua các khó khăn hay không.
“Làn sóng sa thải nhân viên của các ông lớn công nghệ vẫn luôn tồn tại. Chưa kể, mức lương mơ ước của bao người cũng dễ sụt giảm mà không hề có dấu hiệu nào. Ngoài ra, hàng nghìn người đổ tiền cho việc học lập trình, song nhanh chóng nhận ra bản thân không đủ năng lực. Đó là lý do bạn phải thực sự cân nhắc trước khi đưa ra quyết định này”, Tian Tian nói thêm.