Khát vọng fastfood 'mạo hiểm' của người Việt trẻ
Thương hiệu được định giá 2,25 triệu USD sau 10 tháng thành lập, xây dựng thành công một chuỗi cửa hàng cơm kẹp VietMac tại các thị trường trọng điểm chỉ sau 1 năm. Tuy nhiên, không ai biết đằng sau câu chuyện phát triển khá nóng của một doanh nghiệp Việt, là những suy tư ‘hot’ của những người Việt trẻ.
VietMac tại Sài Gòn |
Chính phục khẩu vị fastfood Việt
Cái tên "Cơm kẹp" được biết đến từ 10 tháng trước, khi cửa hàng đầu tiên mang tên VietMac khai trương tại Hà Nội. Nhưng VietMac thực sự trở thành tâm điểm chú ý cách đây gần 2 tháng khi lần đầu tiên thương hiệu non trẻ này được định giá 2,5 triệu đôla Mỹ - con số cao gấp 10 lần giá trị đầu tư ban đầu. Ngay trong đầu năm mới Nhâm Thìn, VietMac đã tiến công vào thị trường Sài Gòn với việc khai trương cửa hàng tại 207 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận.
Anh Nguyễn Thành Dương - GĐĐH VietMac 25 tuổi cho biết, trong một suất cơm kẹp VietMac có ít nhất 3 loại rau tươi để đảm bảo khẩu vị lành mạnh cho khách hàng. "Người Việt có khẩu vị khá tinh tế, ăn để cảm nhận được vị và mùi thơm. Khẩu vị Việt nhấn mạnh đến yếu tố lành mạnh cho sức khỏe và để cân bằng âm dương, nóng lạnh trong đồ ăn. Điều này rất khác biệt so với ẩm thực các nước khác, ví dụ ẩm thực Trung quốc nhấn mạnh vào yếu tố bổ vì thế đồ ăn nhiều dầu mỡ" - anh Dương nói.
Anh Nguyễn Phương Hải, chuyên gia ẩm thực VietMac cho biết, đáp ứng sở thích về ẩm thực tinh tế, truyền thống nhưng cũng rất hiện đại của những người trẻ, VietMac đã cho ra đời bộ sản phẩm mới với những món đặc biệt gây ấn tượng như: heo sốt quế, đà điểu sốt cam, bò sốt tiêu xanh..."Món heo sốt quế đã từng được phục vụ nguyên tổng thống Pháp Jacques Chirac tại khách sạn Sofitel Metropole. Ông Jacques Chirac đã rất ấn tượng với món này vì vị Việt Nam truyền thống đặc biệt" - anh Hải nói.
Cơm kẹp nhiều rau khỏi lo ngán ngấy |
“Để có thể trở thành triệu phú trước tuổi 30 như mọi người hay nói, tôi đã từng đi làm phục vụ bàn. Khi làm việc tôi học được cách quan sát mọi người, tôi nhận thấy cuộc sống bận rộn khiến việc ăn nhanh trở thành một xu hướng, nhiều người có thể không thích fastfood nhưng họ vẫn lựa chọn. Tuy nhiên, là người Việt, tôi hiểu được được tư duy “ăn nhanh để sống chậm” của dân tộc mình. Đó là lý do, chúng tôi hướng tới một fastfood Việt không làm cho khách hàng tăng cân, béo phì mà lại tốt cho sức khỏe. Một con đường đi riêng, sẽ tạo một thị trường riêng rất “xanh” cho VietMac - vị Giám đốc 8X nhấn mạnh.
Khát vọng của những người trẻ
Như đã nói, Thành Dương - từ một chàng sinh viên Thương Mại làm đủ nghề như phục vụ bàn, quản lý nhà hàng rồi Giám đốc Marketing cho một số thương hiệu lớn. Nhưng dường như mọi thứ vẫn là chưa đủ, khát vọng của một người Việt làm chủ thương hiệu Việt vẫn là mơ ước trong anh.
Cho đến tháng 6/2010, tình cờ một người bạn - nay là Chủ tịch HĐQT công ty có chuyến công tác nước ngoài và được hãng vận chuyển China Airlines phục vụ suất ăn đơn giản mà ấn tượng: Cơm nắm kẹp thịt. "Món ăn gợi cho bạn tôi hình ảnh rất đỗi quen thuộc của quê hương - nắm cơm muối vừng. Ý thức xưa bỗng dội về và bạn tôi nghĩ ngay ra ý tưởng kinh doanh. Chúng tôi bàn bạc với nhau và quyết định đưa ra sản phẩm cơm kẹp để bán ra thị trường" - anh Dương kể.
GĐ 8X Nguyễn Thành Dương |
Từ những ý tưởng được phác thảo trong đầu, anh và 2 thành viên sáng lập VietMac đã phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ như lựa chọn gạo, xử lý bánh cơm, rồi tìm ra yếu tố cốt lõi của sản phẩm và xây dựng, quản lý các quy trình trong chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh. Và ngày 26/10/2010 - Công ty Cơm kẹp có tên VietMac ra đời. VietMac là kết quả của sự giao thoa giữa “cơm nắm muối vừng” Việt Nam và đồ ăn nhanh - fastfood của phương Tây.
Anh Phan Phúc Thịnh, Giám đốc chi nhánh VietMac tại TP.HCM cho biết, cơm kẹp là sản phẩm đầu tiên tại thị trường Việt Nam với khẩu vị thuần Việt. Hiện tại VietMac đã có 6 cửa hàng tại Hà Nội. Cửa hàng cơm kẹp VietMac phát triển theo hướng nhượng quyền thương hiệu. "Mô hình nhượng quyền cơm kẹp là một mô hình có tính linh hoạt cao, chi phí không lớn. Sau một thời gian tập trung cải tiến sản phẩm mạnh mẽ, chúng tôi tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển cửa hàng để mang tới sự tiện dụng hơn nữa cho khách hàng, Dự kiến, VietMac dự kiến sẽ mở tiếp 5 cửa hàng trong 6 tháng đầu năm 2012" - anh Thịnh nói.
Còn chị Tôn Nữ Xuân Quyên, đối tác nhượng quyền cơm kẹp VietMac tại TP.HCM cho biết, là một người được đào tạo tại nước ngoài và từng làm việc trong các tập đoàn lớn toàn cầu, chị Xuân Quyên biết tới cơm kẹp VietMac qua ăn thử sản phẩm tại Hà Nội. "Tôi đã tới Hà Nội gặp gỡ những người sáng lập VietMac và nhận thấy đó là những người có khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt mạnh trong ngành fastfood. Tôi đã nghỉ việc tại tập đoàn và bắt đầu với cơm kẹp VietMac tại TP.HCM" - chị Xuân Quyên chia sẻ.
Giống như chị Xuân Quyên, cũng được đào tạo tại nước ngoài và về nước làm việc, chị Trần Minh Hạnh trở thành một đối tác nhượng quyền của VietMac dù rất trẻ. "Tôi quyết định bắt đầu với cơm kẹp VietMac tại TP.HCM khi nhận thấy đây là một sản phẩm vô cùng cá tính. Tuổi trẻ luôn thích một chút liều lĩnh khi thử nghiệm những cái mới. Việc trở thành đối tác nhượng quyền của VietMac là thử thách đối với chúng tôi và đây cũng là cách chúng tôi thực hiện ước mơ của mình, đó là xây dựng một sản phẩm thuần Việt, mang tính cách của người Việt Nam" - chị Hạnh chia sẻ.
Còn quá sớm để nói về thành công của một thương hiệu fastfood Việt như VietMac ở thời điểm này. Nhưng nhìn vào việc hàng ngày họ xin ý kiến ít nhất 10 khách hàng nhận xét về sản phẩm, về cách họ nói không với đồ nhựa cho một môi trường xanh, cách họ chọn sản phẩm có nguồn gốc “xịn” tươi và lành nhất cho khách hàng hay chỉ trong ngày khai trương đầu tiên tại Sài Gòn đã có hàng 1000 suất cơm được bán ra.... Chúng ta có thể đặt một niềm tin cho những người Việt trẻ dám mạo hiểm...
Ngọc Linh
Theo Infonet