Sáng 20/8, Thái Bình tổ chức họp báo cung cấp thông tin về kết quả tuyển sinh lớp 10 sau lùm xum sai điểm. Ảnh: Ngọc Bích. |
Thanh tra tỉnh Thái Bình bước đầu xác định trưởng ban chỉ đạo kỳ thi và ban thư ký đã không thực hiện đúng quy định trong quá trình thực hiện việc hồi phách (hay ghép phách) bài thi tự luận.
Vi phạm này dẫn đến 2.769 bài thi tự luận bị sai điểm, 1.589 thí sinh bị sai tổng điểm xét tuyển; sai điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 của 4/12 lớp chuyên thuộc hội đồng tuyển sinh trường THPT chuyên, 11/29 hội đồng tuyển sinh các trường đại trà, sai kết quả tuyển sinh của 510 em.
Quá trình làm phách ra sao?
Sáng 20/8, tại họp báo cung cấp thông tin về kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, ông Đặng Xuân Phong, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, cho biết theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT (áp dụng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Thái Bình), sau khi kết thúc quá trình coi thi, các bài thi (tự luận và trắc nghiệm) được tập trung về hội đồng thi.
Bài thi tự luận sẽ được ban làm phách tiếp nhận, sau đó làm phách, công việc làm phách được hỗ trợ bởi phần mềm máy tính. Hoạt động này diễn ra trong khu vực cách ly, độc lập tuyệt đối, có sự giám sát, bảo vệ của thanh tra và công an tỉnh.
"Ban làm phách làm việc độc lập, chịu trách nhiệm trước chủ tịch hội đồng thi. Mọi sự can thiệp từ bên ngoài hay bên trong ra đều phải thực hiện đúng quy định, thông qua bộ phận thư ký thanh tra và công an tỉnh giám sát", ông Phong nhấn mạnh.
Sau khi làm phách sau, bài thi tự luận được chuyển sang ban chấm thi để thực hiện nhiệm vụ. Số phách, đầu phách được niêm phong và bảo quản theo chế độ mật trong suốt thời gian chấm thi.
Ban chấm thi chấm các bài thi tự luận, thực hiện việc nhập điểm. Sau khi hoàn thành nhập điểm, ban làm phách bàn giao đầu phách (còn nguyên niêm phong) cho ban thư ký để tiến hành ghép phách và lên điểm.
"Hồi phách chỉ được thực hiện khi đã hoàn thành chấm thi và nhập điểm trên phần mềm", ông Phong nhấn mạnh.
Sau khi thực hiện thành công khớp phách trên phần mềm, tiến hành kiểm tra khớp phách, in biểu điểm. Từ phần mềm, ban thư ký khớp phách bằng tay ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận. Nếu có sai sót, lập biên bản báo cáo chủ tịch hội đồng thi để xác định nguyên nhân và xử lý.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy trong quá trình thực hiện hồi phách bài thi tự luận, số lượng bài thi được kiểm tra khớp phách bằng tay chỉ đạt tỷ lệ 0,71%, không đảm bảo ít nhất 20% số bài thi tự luận theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 27 Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Khi phát hiện sai sót (một số bài thi bị lệch phách), ban thư ký không lập biên bản mà chỉ ghi lại thông tin những thí sinh có sai sót, chuyển cho ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi.
Việc trưởng ban chỉ đạo kỳ thi không xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục sai sót qua kiểm tra việc khớp phách của ban thư ký là không đúng quy định tại điểm c khoản 6 Điều 27 Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Ông Đặng Xuân Phong, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình, xin lỗi học sinh. Ảnh: Ngọc Bích. |
Sở GD&ĐT rút kinh nghiệm
Theo ông Phong, mỗi năm, Sở GD&ĐT tổ chức nhiều kỳ thi quan trọng, có những kỳ thi rất sát nhau như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trước các kỳ thi, sở đều tổ chức cho cán bộ học tập các khâu tổ chức, quy chế, mục đích hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
"Sai sót phải được hạn chế tối thiểu. Tuy nhiên, quá trình tổ chức kỳ thi đã không tránh khỏi", ông Phong nói.
Từ những sự việc vừa qua, Sở GD&ĐT Thái Bình rút kinh nghiệm, tổ chức thi phải đúng quy chế; thực hiện đúng quy trình tổ chức thi, không được làm tắt hay bỏ qua quy trình nào. Yêu cầu cán bộ, giáo viên tham gia quá trình tổ chức thi phải làm đúng trách nhiệm, ai làm đúng nhiệm vụ người đó, không được làm thay.
Thực hiện đúng thời điểm, tức "thời điểm nào làm việc gì, kế hoạch ra sao phải thực hiện đúng".
"Chúng tôi nghiêm túc quán triệt không lơ là, chủ quan, không một cá nhân nào được tự ý xử lý sai sót, phát hiện sai sót phải báo cáo kịp thời", ông Phong nhấn mạnh.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT cũng nhìn nhận khi được phân công nhiệm vụ tại một kỳ thi, cán bộ, giáo viên cũng gặp áp lực, căng thẳng. Vì vậy, kinh nghiệm rút ra là "không tạo áp lực, căng thẳng để họ làm việc khách quan nhất".
Theo ông Phạm Văn Nghiêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, sự việc trên ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội, uy tín của ngành giáo dục và các em học sinh.
Hơn 200 học sinh đỗ thành trượt là sự thật, trở về với năng lực thật, đảm bảo "học thật, thi thật, kết quả thật". Năng lực các em đến đâu thì học ở trường tiêu chuẩn đến đó.
"Đây là bài học sâu sắc. Tỉnh mong nhận được sự đồng thuận, chia sẻ, khi nhiều học sinh từ đỗ thành trượt. Tỉnh sẽ tiếp tục làm rõ các nội dung liên quan những sai sót trong kỳ thi và xử lý đúng người, đúng tội", ông Nghiêm nói.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ