Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khẩu trang lại xuất hiện ở Mỹ

Doanh số bán khẩu trang ở Mỹ tăng mạnh khi chủng Delta hoành hành. Nhiều nhà thiết kế thời trang còn coi chúng như món phụ kiện “bất ly thân” mùa dịch.

Khi Elizabeth Schreiber, một y tá ở Boca Raton (bang Florida, Mỹ) sở hữu cửa hàng bán khẩu trang trực tuyến, thấy doanh số bán hàng tăng vọt, cô biết có điều gì không ổn đang diễn ra.

"Sau nhiều tháng kinh doanh, tôi nhận ra mình nhận được nhiều đơn hàng hơn mỗi khi số ca mắc Covid-19 gia tăng", Schreiber nói với New York Times.

Kể từ giữa tháng 7, cô bán được 82 chiếc khẩu trang, tăng gần gấp đôi so với hồi đầu tháng. Nhưng Schreiber không phải người duy nhất chứng kiến doanh thu tăng đáng kể từ việc kinh doanh khẩu trang.

Trước bối cảnh biến chủng Delta có dấu hiệu lan rộng tại Mỹ và khuyến cáo đeo khẩu trang ở các thành phố San Francisco và Washington D.C. quay trở lại, nhu cầu mua sắm và sử dụng món đồ này cũng tăng vọt.

khau trang tro lai tai my anh 1

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khẩu trang chứng kiến mức doanh thu gia tăng đột ngột do sự xuất hiện của biến chủng Delta.

Phụ kiện "bất ly thân" mùa dịch

Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo công dân đã được tiêm vaccine vẫn nên đeo khẩu trang ở không gian trong nhà có khả năng lây truyền cao.

CDC Mỹ phát hiện ra rằng những người đã được tiêm chủng vẫn có khả năng bị nhiễm và lây lan virus SARS-CoV-2. Do đó, các đối tượng như nhân viên trường học, học sinh, du khách... được khuyến khích tiếp tục sử dụng khẩu trang phòng dịch.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, cá nhân và nhà thiết kế cho rằng khẩu trang sẽ tiếp tục tồn tại ở xứ cờ hoa thêm một thời gian dài, thậm chí trở thành một món phụ kiện "bất ly thân" trong tủ đồ.

"Cá nhân tôi nghĩ đeo khẩu trang sẽ trở thành tiêu chuẩn mới đối với một số người", John Lin, Giám đốc hoạt động tại công ty chuyên về túi xách và phụ kiện Pacific Mason, nói.

khau trang tro lai tai my anh 2

CDC Mỹ khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở những không gian kín, dễ lây truyền virus kể cả sau khi tiêm vaccine.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp này chuyển sang sản xuất khẩu trang nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Lin nói với New York Times trong tuần cuối cùng của tháng 7, công ty có doanh số bán hàng tăng 300% so với trước đó.

Christian Siriano, người chuyên may trang phục cao cấp cho nữ, cũng sớm bắt kịp xu hướng này. Anh là một trong những nhà thiết kế nổi tiếng đầu tiên bắt đầu sản xuất khẩu trang kể từ tháng 3/2020.

Siriano cho biết khi các quy định bắt buộc đeo khẩu trang được dỡ bỏ gần đây, doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng chỉ trong tuần trước, con số này "tăng khoảng 30%". Anh hy vọng thương hiệu mình sở hữu sẽ giới thiệu một vài mẫu sản phẩm mới cho mùa thu, mùa lễ trước lượng đơn hàng tăng cao.

Florence Ryza sở hữu một cửa hàng trực tuyến chuyên bán những chiếc khẩu trang thêu tay tinh xảo cùng một số sản phẩm đại trà khác. Chia sẻ với New York Times, cô cho biết khách hàng trẻ thường gửi ảnh trang phục cho cô và nhờ tìm giúp một chiếc khẩu trang phù hợp.

"Tôi nghĩ mọi người dần coi khẩu trang giống như túi xách, giày dép hay khăn quàng. Khi gặp gỡ ai đó, điều đầu tiên họ thấy chính là chiếc khẩu trang nên một sản phẩm thực sự độc đáo, đặc biệt sẽ làm ta nổi bật giữa hàng loạt sắc xanh, xám thông thường", cô nói.

khau trang tro lai tai my anh 3

Nhiều người dần coi khẩu trang như một món phụ kiện "bất ly thân" mùa dịch, tương tự như túi xách, khăn choàng, giày dép.

Theo quy định từ CDC, khẩu trang hợp lệ "có hai hoặc nhiều lớp vải, có thể giặt được, thoáng khí", có thể che kín mũi và miệng, không có khoảng trống ở hai bên. Các nhà thiết kế dựa vào những quy định này để tạo nên những sản phẩm bắt mắt, ấn tượng và loạt phụ kiện đi kèm.

"Ở Mỹ, khẩu trang từ món đồ bắt buộc đem đến cảm giác bất tiện đã trở thành 'vật bất ly thân' của nhiều người. Khi họ thực sự chọn đeo chúng hàng ngày, sẽ có không ít người muốn thay đổi sang mẫu sản phẩm nào đó đẹp và mới mẻ hơn", Jack Carlson, nhà sáng lập công ty thời trang Rowing Blazers, nói.

Mariia Kovalenko, nữ sinh trung học sống ở Brooklyn (bang New York, Mỹ), đầu tư khá nhiều vào khẩu trang và các phụ kiện như dây đeo. Cô cho biết món phụ kiện này sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn.

"Do sự xuất hiện của biến chủng mới, tất cả sẽ phải đeo khẩu trang thường xuyên hơn, dù nó khá bất tiện. Từng có lúc tôi mang khẩu trang thường xuyên hơn bất cứ món đồ nào trong tủ quần áo của mình", cô nói.

Thay đổi thái độ

Robert Sidberry, nhân viên hướng dẫn tòa nhà ở Brooklyn (bang New York, Mỹ), không chắc chắn về tương lai của những chiếc khẩu trang như Kovalenko. Ngày 1/8, anh nói mình không mua thêm sản phẩm nào gần đây nhưng vẫn sẽ đeo khẩu trang trong không gian kín.

Sidberry, vốn làm việc tại một sảnh chờ tòa nhà, cảm thấy khá thoải mái khi chỉ phải đón tiếp ít khách tới vào mùa hè này.

"Ở một số khu vực nhất định, nơi có nhiều ca mắc Covid-19 và trong các trường học, tôi nghĩ đeo khẩu trang là việc nên làm. Nhưng tại những không gian thoáng đãng, tôi thấy mỗi người đều có quyền chọn thực hiện hoặc không", anh nói.

khau trang tro lai tai my anh 4

Từ một món đồ bắt buộc đem lại bất tiện cho người dùng, khẩu trang trở thành sự lựa chọn của nhiều người dân Mỹ khi ra ngoài.

Tại một số quốc gia trên thế giới, việc đeo khẩu trang xảy ra phổ biến hơn so với ở Mỹ. Trong một số nghiên cứu, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng nơi có nền văn hóa đề cao tính tập thể có xu hướng thực hiện quy định phòng dịch này chặt chẽ, đồng loạt hơn.

Jackson Lu, trưởng nhóm nghiên cứu đồng thời là trợ lý giáo sư Trường Quản lý Sloan (bang Massachusetts, Mỹ), và các đồng nghiệp định nghĩa đây là xu hướng quan tâm đến nhu cầu, mục tiêu và lợi ích nhóm hơn cá nhân.

Trong thời gian nghiên cứu, nhóm chuyên gia phát hiện các quốc gia có chủ nghĩa tập thể cao như Hàn Quốc, Việt Nam hay UAE sử dụng khẩu trang phổ biến và thường xuyên hơn.

Ngược lại, các nước đề cao tính cá nhân như Mỹ hay Nam Phi lại có mức độ đeo khẩu trang thấp hơn.

"Đeo khẩu trang được chứng minh giúp phòng chống Covid-19, nhưng chúng có thể gây khó chịu. Ở các nền văn hóa đề cao chủ nghĩa tập thể, họ sẵn sàng chịu đựng bất tiện cá nhân vì lợi ích chung", Tiến sĩ Lu nhận định.

Kết quả nghiên cứu phù hợp với một cuộc khảo sát năm 2020 từ Viện Brookings, cho thấy lý do chính khiến người Mỹ không muốn đeo khẩu trang vì cảm thấy đó là quyền của họ.

Song, sự xuất hiện của biến chủng Delta, tỷ lệ tiêm chủng và thay đổi trong hướng dẫn chống dịch ở cấp tiểu bang và địa phương có thể bắt đầu thay đổi điều đó.

Một ngày sau khi trò chuyện với New York Times, Sidberry quyết định đeo khẩu trang đi làm trở lại.

"Tôi suy nghĩ rất nhiều sau cuộc nói chuyện ấy. Tốt hơn hết vẫn nên thận trọng", anh nói.

Bê bối tình dục phía sau chiếc khẩu trang hồng của VĐV Mỹ

Được đặc cách dự Olympic Tokyo 2020 bất chấp hàng loạt cáo buộc tấn công tình dục, VĐV đấu kiếm người Mỹ Alen Hadzic đang bị đồng đội cô lập, tẩy chay dưới nhiều hình thức.

Trang Minh

Ảnh: Dina Litovsky/New York Times

Bạn có thể quan tâm