Trẻ trung, năng động, nhiệt tình, ham học hỏi, yêu thích việc truyền tải kiến thức cho sinh viên là những điểm chung của các giảng viên đại học 9X.
Sau khi đã hoàn thành chương trình thạc sĩ, công việc giảng dạy cho sinh viên của họ có nhiều thử thách, nhưng cũng mang lại cho thầy, cô giáo trẻ niềm vui mỗi ngày.
Giáo viên chỉ hơn học sinh... 4 tuổi
Được giữ lại làm giảng viên khoa tiếng Pháp, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội ngay khi vừa tốt nghiệp, Đặng Hải Ly (sinh năm 1991) chỉ hơn lứa học trò đầu tiên của mình 4 tuổi.
Giảng viên Đặng Hải Ly sinh năm 1991 chỉ hơn lứa học trò của mình 4 tuổi. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Gương mặt trẻ trung, lại có thói quen mặc váy, buộc tóc đuôi gà, đi giày thể thao, Ly thường xuyên bị nhầm với sinh viên năm 3, năm 4.
Hải Ly bật mí, các thầy cô giáo dạy tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đều rất năng động, trẻ trung. "Công việc liên quan ngoại ngữ, luôn phải vận động, cập nhật kiến thức mới, nên ai trông cũng trẻ hơn. Có lẽ, đây là một trong những lý do mình chọn nghề giáo".
Ly tâm sự, trước đây chưa từng nghĩ sẽ trở thành giáo viên vì tính cách năng động, thích di chuyển, không muốn ở cố định một chỗ.
Khi còn đi học, vì muốn tự lập trong chi tiêu cá nhân, cô bạn từng đi dạy thêm. Năm cuối, Ly được học môn Phương pháp sư phạm. Sau đó, cô giáo 9X này thực hiện “phép thử” nữa, nhận dạy tiếng Pháp cho một lớp tiếng Tây Ban Nha.
"Qua những lần đứng lớp và giảng dạy, mình dần nhận ra khả năng sư phạm 'ẩn giấu'. Mình cảm thấy yêu nghề giáo hơn và công việc đã đến với mình như một cơ duyên", Hải Ly kể.
Giảng dạy trong môi trường rất nghiêm túc là Học viện Cảnh sát Nhân dân, cô giáo Bùi Thị Khánh Thuận (sinh năm 1991) thường xuyên được sinh viên và đồng nghiệp ưu tiên vì là giáo viên trẻ nhất trường.
“Các anh, chị đồng nghiệp quan tâm, chỉ bảo, giúp đỡ mình từ những việc liên quan chuyên môn, nghiệp vụ đến tác phong, tư thế, kinh nghiệm giảng dạy, cách ứng xử. Còn sinh viên thì rất gần gũi và quý mến giáo viên trẻ".
Khánh Thuận nhớ lại, có những vấn đề trong cuộc sống và học tập, sinh viên cũng chia sẻ với cô giáo. "Có lẽ do trẻ nên mình và sinh viên dễ dàng hiểu và đồng cảm".
Còn với Khắc Tú, giảng viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, những ngày đầu mới làm công việc giảng dạy, Tú khá bỡ ngỡ và lo lắng.
"Trong giờ của các thầy cô lớn tuổi, sinh viên làm việc rất nghiêm túc, còn với thầy cô trẻ, như mình chẳng hạn, các bạn có xu hướng tự do hơn và đôi khi không tập trung", Tú nói.
Tuy vậy, đam mê với nghề giáo của Tú trở nên mãnh liệt khi tiếp xúc và làm việc lâu ngày với các bạn sinh viên trẻ: "Công việc dù áp lực đến đâu, nhưng được chứng kiến sinh viên tiến bộ qua từng ngày, mệt mỏi một chút cũng không quá quan trọng".
Nhiều áp lực với giảng viên trẻ
Trở thành giảng viên khi tuổi đời còn khá trẻ, Khánh Thuận gặp phải nhiều áp lực. Cô giáo sinh năm 1991 kể, dạy ngoại ngữ cho các chiến sĩ công an, nên Thuận phải học thêm nhiều kiến thức, đọc sách báo, xem chương trình truyền hình về ngành. Khi giảng bài, cô bạn phải lồng ghép những yếu tố liên quan Học viện và ngành công an để thu hút học viên.
“Ví dụ với chủ đề Một ngày làm việc, mình phải mất thời gian tìm hiểu xem một ngày của các chiến sĩ công an ra sao, đọc báo, xem các chuyên đề phá án trên kênh ANTV, gặp và hỏi ý kiến đồng nghiệp, tìm từ vựng liên quan ngành”, Thuận nói.
Còn với Khắc Tú, công việc chính là dạy môn Thực hành ngoại ngữ, giúp sinh viên phát âm, nói, giao tiếp bằng tiếng Pháp.
“Tiếng Pháp là ngôn ngữ có cách phát âm khá đặc biệt và phức tạp. Đa phần sinh viên đều từng học qua tiếng Anh nên sẽ bị ảnh hưởng nhiều, việc phát âm chuẩn các âm tiết tiếng Pháp nhanh quả thực là việc không hề đơn giản".
Nguyễn Khắc Tú cảm thấy tự hào khi được chào bằng thầy, và tự nhủ cần cố gắng hơn nữa để xứng đáng với danh xưng cao quý này. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Thầy giáo trẻ nhớ lại, khoảng thời gian đầu mới học, đa phần sinh viên nản lòng nhất, nên Khắc Tú thường phải tìm thêm những cách khác nhau để dạy, đan xen những tình huống dí dỏm hài hước tạo không khí thoải mái trong lớp, và nhất là phải động viên sinh viên rằng vượt qua được giai đoạn đầu tiên này sẽ thấy dễ dàng hơn rất nhiều.
Chàng giảng viên tâm sự, hầu hết các buổi dạy phải nói rất nhiều, vừa dạy phát âm, nói mẫu, chữa phát âm cho từng sinh viên: "Có những hôm dạy nhiều ca liên tục, về nhà mình phải ngậm chanh cho đỡ mất giọng".
Nghề cao quý nhất
Hải Ly khẳng định, cô bạn nhận được nhiều thứ khi là một giáo viên. “Công việc hiện tại mang lại cho mình nhiều lợi ích. Mình tự tin hơn vì phải nói và trình bày trước đám đông hàng ngày, trách nhiệm hơn vì phải chịu trách nhiệm cho sinh viên, hiểu biết sâu rộng hơn vì phải trau dồi kiến thức thường xuyên để giảng dạy một cách chuẩn xác và hiệu quả nhất”.
Còn theo Khắc Tú, giáo viên là nghề nhận được sự tôn trọng của xã hội. "Đa phần những ai đã và đang làm việc cũng đều dành cho mình sự tôn trọng nhất định. Khi đi ở sân trường được sinh viên chào thầy, mình vừa thấy tự hào về công việc đang làm, vừa tự nhủ cần cố gắng hơn nữa để xứng đáng với danh xưng cao quý này".
Không những thế, với Tú, được làm việc, học hỏi kinh nghiệm từ chính các thầy cô từng dạy mình là một may mắn.
"Các thầy cô có nhiều kinh nghiệm hơn, phương pháp giảng dạy chắc chắn và theo những quy chuẩn hơn. Mình học được cách giảng bài, cách chia sẻ với sinh viên, làm sao cho sinh viên tập trung trong lớp,...".
Đào Thủy Tiên, sinh năm 1992, hiện là giảng viên tại khoa Văn hoá nghệ thuật, ngành Quản lý văn hoá, Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, chia sẻ: "Sinh viên biết mình trẻ tuổi nên hay gần gũi, tâm sự rồi động viên".
Là một trong những giảng viên trẻ nhất trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Hà Thị Kiều Trang, sinh năm 1991, từng bị hiểu lầm là sinh viên.
Phan Khánh Hà, sinh năm 1992, hiện là giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, là đại biểu chính thức của chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP) năm 2015, hoạt động đối ngoại quan trọng của thanh niên Việt Nam.