Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khí amoniac giết người nhanh như thế nào?

Người hít phải amoniac nồng độ cao gây bỏng niêm mạc mũi, cổ họng, suy hô hấp, thậm chí tử vong chỉ sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.

Chiều 10/10, một xe bồn chở khí NH3 đến cơ sở nằm trên đường An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM, đã xảy ra sự cố rò rỉ. Vụ việc khiến lái xe, hai nhân viên của cơ sở và một người đi đường bị ngạt do hít phải khí độc. 200 người dân sống xung quanh và 1.040 học sinh, giáo viên trường tiểu học An Phú Tây 2 nằm cách đó khoảng 300 m cũng phải sơ tán.

ngo doc amoniac anh 1
Sơ tán các học sinh trường tiểu học An Phú Tây 2 sau sự cố rò rỉ khí amoniac. Ảnh: Thái Linh.

Theo PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, ammoniac (NH3) là một trong những loại khí độc rất nguy hiểm. Ở nhiệt độ phòng, amoniac là khí không màu, có mùi hăng khai và nhẹ hơn không khí, dễ dàng hòa tan trong nước.

“Khí amoniac thường bị nén dưới dạng lỏng khi ra tiếp xúc với không khí sẽ chuyển thành hơi. Ở dạng hơi nồng độ của nó sẽ rất cao. Vì vậy, những tai nạn về amoniac rất nguy hiểm bởi tốc độ lan rộng của hơi nhanh và ngưỡng gây độc từ tỉnh táo tới hôn mê rất hẹp. Một người vừa nhận thấy có biểu hiện cay mắt đã có thể chuyển sang trạng thái hôn mê khi tiếp xúc ở nồng độ cao”, PGS Côn cho biết.

Như vậy, mức độ nguy hiểm của khí amoniac đối với cơ thể phụ thuộc vào đường tiếp xúc cũng như liều lượng và thời gian. Ở nồng độ cao, khí này có thể ngay lập tức gây phỏng da, mắt, mũi, họng, đường hô hấp, thậm chí dẫn đến mù, tổn thương phổi và tử vong. Hít phải amoniac nồng độ thấp hơn sẽ gây ho, kích ứng mũi, họng, nuốt vào cơ thể gây bỏng miệng, họng và dạ dày.

Khi xâm nhập vào người, NH3 tác dụng với nước trong cơ thể tạo thành amoni hydroxit. Hóa chất này có tính ăn mòn và làm tổn thương tế bào. Các mô tổn thương lại bị thoát dịch sẽ làm biến đổi amoniac thành amoni hydroxit tiếp tục gây phỏng da, mắt, đường hô hấp, tiêu hóa. Chất này còn phá hủy các nhung mao và niêm mạc đường hô hấp là những cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Các tổn thương ở đường hô hấp có thể dẫn tới bệnh phổi mạn tính.

ngo doc amoniac anh 2
Mối nguy hiểm khi tiếp xúc với amoniac. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Biểu hiện khi ngộ độc amoniac

Theo PGS Trần Hồng Côn người tiếp xúc với khí Amoniac ở nồng độ thấp như ở các nhà vệ sinh công cộng sẽ thấy cay mắt, chưa tới mức ngộ độc. Tuy nhiên, nếu nồng độ chỉ cần tăng cao hơn một chút, amoniac sẽ tác động rất mạnh tới hệ thần kinh, khiến nạn nhân rơi vào hôn mê, mất ý thức. Nếu không cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong.

Người hít, nuốt hoặc chạm vào các sản phẩm có chứa một lượng rất lớn ammoniac sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

- Hô hấp: Ho, đau ngực (nặng), đau thắt ngực, khó thở, thở nhanh, thở khò khè.

- Mắt, miệng, họng: Chảy nước mắt và đốt mắt, mù mắt, đau họng nặng, đau miệng, môi sức.

- Tim mạch: Nhanh, mạch yếu, sốc.

- Thần kinh: Lẫn lộn, đi lại khó khăn, chóng mặt, thiếu sự phối hợp, bồn chồn, ngẩn ngơ.

- Da: Môi xanh lợt màu, bỏng nặng nếu tiếp xúc lâu.

- Dạ dày và đường tiêu hóa: Đau dạ dày nghiệm trọng, nôn.

Cần làm gì khi tiếp xúc và sơ cứu người bị ngộ độc amoniac?

- Người vào cứu nạn nhân bị ngộ độc amoniac phải dùng mặt nạ. 

- Hạn chế tiếp xúc với amoniac: Di chuyển ra nơi an toàn, cởi bỏ quần áo có dính khí độc, rửa sạch amoniac dính trên cơ thể bằng nước sạch.

-  Nếu nạn nhân hôn mê cần làm hô hấp nhân tạo đến khi tỉnh. Trường hợp bệnh nhân không tỉnh. tiếp tục hà hơi thổi ngạt cho tới khi có nhân viên y tế tới hỗ trợ.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Trắc nghiệm: Thói quen vô tình có thể khiến bạn ngộ độc

Sai lầm trong quá trình chế biến, bảo quản đồ ăn cũng có thể là tác nhân gây ngộ độc.




Phạm Loan

Bạn có thể quan tâm