Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi Ân 'mèo' quay về nẻo thiện

15 năm trước, Ân “mèo” (Trần Huỳnh Ân, 35 tuổi, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) là người cầm đầu nhóm thanh niên hành xử “dao búa” khiến hàng xóm rất phiền lòng.

Mồ côi mẹ từ lúc mới lọt lòng, cha dứt áo ra đi tìm hạnh phúc mới, côi cút giữa đời nhờ sự đùm bọc của người cô góa chồng. Lớn lên trong tình cảnh đó, chưa đến lớp 6, cậu học sinh cá biệt ngỗ nghịch đã rời xa ghế nhà trường.

Từng có quá khứ sai lầm, Ân đã trở thành ông chủ của lò bánh mì mang tên Hoài Bão.

Khi lớn lên, những bữa nhậu thâu đêm suốt sáng cùng các vụ ẩu đả giữa băng nhóm do Ân “mèo” cầm đầu với phe khác diễn ra triền miên.

Trong đó, có lần Ân và đồng phạm đánh người không liên can bị thương nặng rồi trốn chạy khỏi địa phương.

“Hồi đó khi nghe công an phát lệnh truy nã, ngay lập tức tôi bắt xe vào trong miền Nam lẩn tránh. Suốt gần năm năm trời tôi lưu lạc nay đây mai đó, hầu như tất cả các tỉnh phía Nam tôi đều đặt chân đến và làm đủ thứ nghề vặt để kiếm sống”, Ân kể.

Tới lúc mỏi gối chồn chân với cuộc ly hương trốn chạy cùng nỗi dằn vặt lương tâm đã thôi thúc Ân quay về quê và đầu thú.

Sau 12 tháng tù giam, Ân trở về thực hiện cái mà Ân cho là ước mơ cháy bỏng nhất trong cuộc đời là một ngày nào đó mở một lò bánh mì.

“Những tháng ngày lẩn trốn trong Nam, nhờ học thạo nghề làm bánh mì nên khi tái hòa nhập cộng đồng tôi đã xin vào cơ sở sản xuất bánh mì ở Đà Nẵng làm phụ. Lúc hai vợ chồng (sống với nhau từ lúc còn làm trong miền Nam - NV) tằn tiện và dư dả chút đỉnh, tôi mới bàn với vợ đầu tư mở lò bánh mì vì đó là ý định mà tôi nung nấu từ hồi còn ở trong trại giam”, Ân kể.

Lò bánh mì mang tên Hoài Bão, cái tên thể hiện quyết tâm và ý chí vượt khó của chàng trai một thời lầm lỡ ra đời. Nhưng mới được ba tháng đỏ lửa, tài sản của hai vợ chồng đổ sụp xuống cùng một cơn bão.

“Xoay xở nguồn vốn xây dựng lại toàn bộ cơ ngơi như ban đầu quả thật rất khó. Hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo vay mượn chỗ bà con mỗi người một ít, thậm chí tới lúc đường cùng phải cầm sổ đỏ thế chấp ngân hàng để có đủ tiền mua sắm trang thiết bị ở lò bánh mì".

"Hồi đó chỉ nghĩ đơn giản mình đâm lao thì phải theo lao và chấp nhận thất bại với hi vọng rằng rồi cuộc đời sẽ khá hơn chứ nhất định không sa ngã rồi vướng vào vòng lao lý thêm một lần nữa”.

Sau tám năm hoạt động, lò bánh mì Hoài Bão đã được bà con trong vùng biết đến rộng rãi. Người dân nơi đây không chỉ nhắc đến thương hiệu của bánh mì mà còn chứng kiến từng ngày sự “lột xác” làm giàu của Ân “mèo” ngày nào.

Ông Lê Viết Muộn, trưởng Công an xã Điện Minh, cho hay: “Từ sau khi cải tạo và về lại địa phương, Ân đã thể hiện lối sống lành mạnh, tích cực. Những nỗ lực vươn lên trong làm ăn của Ân khiến nhiều người khâm phục".

"Không chỉ chịu khó phát triển kinh tế gia đình, Ân còn giải quyết công ăn việc làm ở lò bánh mì cho một số lao động địa phương. Vào mỗi đợt tuyên dương tấm gương tiêu biểu trong việc tái hòa nhập cộng đồng, Ân luôn nằm trong danh sách được UBND huyện xướng tên”.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20140918/khi-an-meo-quay-ve-neo-thien/647134.html

Theo Thanh Ba/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm