Tôi quen cậu bạn cùng quê sinh năm 1991, tốt nghiệp loại khá đại học Ngân hàng. Mẹ cậu ấy là giáo viên dạy Hóa có tiếng ở trường cấp 3 quê tôi. Bố cậu làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục thuộc đại học Sư phạm TP HCM. Nhưng cầm bằng tốt nghiệp trong tay, cậu ấy lại về quê mở quán phở trước sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè và thậm chí, có người còn độc miệng bảo cậu ấy vào TP HCM ăn chơi bỏ học nên giờ mới đi bán phở.
Trần Trà My |
Và rồi hơn một năm sau quán phở của cậu ấy trở nên nổi tiếng ở quê tôi. Không những vậy, quán phở còn giúp cho một số bạn sinh viên có việc làm thêm và hằng tháng cậu ấy còn mang phở lên biếu các em ở lớp học tình thương. Tôi và cậu ấy trước giờ chỉ biết nhau, nhưng sau khi nghe câu chuyện khởi nghiệp của cậu ấy tôi đã tìm gặp và nói chuyện. Từ đó, chúng tôi thân nhau khi có chung nhiều chí hướng.
Thỉnh thoảng tôi hỏi đùa cậu ấy sao không nhờ bố mẹ xin một chân ở ngân hàng, làm tám tiếng mỗi ngày, đến tháng lãnh lương khỏe hơn không? Cậu ấy chỉ cười hiền và bảo “vì đó không phải là đam mê của em chị ạ”.
Cậu trả lời tuy ngắn ngọn nhưng khiến tôi luôn chạnh lòng, bởi hằng ngày tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ đại loại như: “Chị ơi, em không biết đam mê của em là gì? Em không biết học xong để làm gì? Em tốt nghiệp loại giỏi những vẫn thất nghiệp? … Có bạn còn tâm sự chọn trường đại học chỉ về nối nghiệp ba mẹ, chứ không hề thích học ngành đó.
Chẳng ai có thể sống thay cho mình, thực hiện giúp ước mơ cho mình. Ảnh minh họa. |
Hôm vừa rồi tôi đi dự tiệc ở một công ty và nghe tâm sự của một cô bạn. Cô chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình. Bạn bảo gia đình bạn đang định cư ở Mỹ nên học xong lớp 12 theo gia đình xuất ngoại. Tuy nhiên, sau cái tết đầu tiên tại Mỹ bạn đã quyết định về Việt Nam để làm lại từ đầu. Bạn ấy chia sẻ, đúng là nước Mỹ đẹp nhưng không phải là giấc mơ của bạn ấy. Bạn ấy một mình trở về Việt Nam để đi thi đại học, tìm việc làm.
Hai câu chuyện của hai bạn trẻ trên khiến tôi rất ngưỡng mộ. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy nó chưa nhiều trong giới trẻ.
Tôi có cô bạn người thành phố, xinh đẹp, khỏe mạnh. Bạn chia sẻ với tôi rằng, ngay cả nồi cơm điện bạn cũng không biết sử dụng. Tôi hỏi: “Thế mai mốt lấy chồng thì sao em?”. Bạn bảo: “Em không biết, vì ở nhà mẹ không cho làm gì cả”. Rồi cô ấy nói: “Em ước gì được như chị”. Tôi ngạc nhiên: “Tại sao lại ước được như chị, vì ai cũng bảo chị khổ khi phải chịu đựng cái hình hài này, phải thường xuyên lê lết khắp thành phố tìm nhà trọ?”. Cô bạn cười hiền: “Vì chị dám sống với mơ ước”.
Câu trả lời khiến tôi vỡ lẽ nhiều điều. Tôi cũng đã từng bị cái vòng tròn an toàn của gia đình trói buộc gần 20 năm đến mức, ngay cả việc tự xếp một bộ quần áo cũng không biết làm. Nhưng rồi, đến một ngày tôi cũng nhận ra chẳng ai có thể sống thay cho mình, chẳng ai đứng ra thực hiện những ước mơ hoài bão cho mình. Tôi không thể ngồi chờ ai đó đến và đưa tôi vào TP HCM, nơi mà tôi muốn lập nghiệp. Tôi cũng không thể ngồi chờ ai đó đi du lịch khắp nơi và về ngồi kể lại những nơi họ đã đi qua. Chính xác là tôi không đủ kiên nhẫn để ngồi chờ một phép màu biến tôi- cô gái khuyết tật thành người bình thường khỏe mạnh, để thực hiện mơ ước của mình...
Trần Trà My sinh năm 1986, đôi chân bị khuyết tật, đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng giàu lòng nhân ái, sẻ chia vì cộng đồng. Trà My được gắn với biệt danh “thiên thần sáu chân” bởi đi lại nhờ một chiếc khung sắt 4 chân. My nổi tiếng vì từng viết thư gửi Tổng thống Obama qua báo Tiền Phong gây xôn xao trong giới trẻ. My chưa từng được đến trường, nhưng tự học chữ, tự học vi tính và nuôi khát vọng trở thành cây bút chuyên nghiệp. Đến nay, My đã cho ra đời 3 cuốn sách, có bằng tốt nghiệp giám đốc PR, đặt chân được một nửa đất nước và có nhiều dự định mới…
Ba cuốn sách của Trà My là Giấc mơ đôi chân thiên thần, Chúng ta chính là mùa xuân vàYêu trên từng ngón tay đều được giới trẻ yêu thích, tập hợp những bài viết, truyện ngắn của Trà My với lượng phát hành mỗi cuốn hơn 2.000 bản, riêng Giấc mơ đôi chân thiên thần đã tái bản lần 3, đạt số lượng 5.000 bản.