Hội chứng rối loạn ăn uống thường trở nên trầm trọng hơn trong mùa lễ hội. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Psychology Today cho biết rối loạn ăn uống là biểu hiện của sự suy yếu sức khỏe tâm thần. Nếu không chú ý điều trị, người mắc rối loạn ăn uống còn có nguy cơ đối diện với các triệu chứng tâm lý đáng lo ngại hơn.
Trên bàn tiệc ngày lễ Tết, những đối tượng gặp vấn đề này còn bị cho là kén ăn hoặc tham ăn. Họ phải nhận nhiều bình luận tiêu cực từ gia đình, bạn bè. Sự công kích từ những người thân có khả năng khiến tình trạng bệnh lý trở nên nặng nề hơn.
Theo Hiệp hội Rối loạn ăn uống Mỹ, việc xác định và điều trị sớm giúp giảm các biểu hiện nặng, cải thiện tốc độ phục hồi. Người được chẩn đoán, can thiệp y tế kịp thời cũng tránh được tình trạng tái phát sau đó.
Không điều trị sớm
75% người mắc hội chứng rối loạn ăn uống không chủ động tìm kiếm phương pháp điều trị. Các rào cản phổ biến có thể kể đến là:
- Không nhận thức được bệnh trạng của bản thân
- Chi phí chữa trị cao
- Sự kỳ thị của những người xung quanh về chứng rối loạn ăn uống
- Cho rằng không có phương pháp chữa trị triệt để
- Nghĩ rằng người khác không thể giúp đỡ
Không nhận thức được bệnh tình
Những người mắc hội chứng chán ăn thường ám ảnh về việc tăng cân, do đó cắt giảm chế độ ăn uống quá mức. Họ thường không nhận thức được tình trạng thiếu dinh dưỡng đáng báo động của cơ thể.
Các đối tượng này cho rằng cân nặng của họ chưa thấp đến mức cần can thiệp y tế hay bổ sung dưỡng chất cấp tốc.
Ngược lại, những người mắc chứng cuồng ăn lại liên tục sử dụng thực phẩm chiên, rán, xào dịp lễ Tết. Các bữa tiệc liên miên khiến cân nặng của họ tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, các đối tượng này thường tự trách bản thân mất kiểm soát trong ăn uống. Ít người nhận ra đây là một hội chứng tâm thần cần trị liệu.
Những bữa tiệc liên miên dịp lễ Tết là nỗi ám ảnh đối với những người mắc hội chứng rối loạn ăn uống. Ảnh minh họa: Angela Roma/Pexels. |
Không tin tưởng vào sự giúp đỡ
Đa số bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn ăn uống từ chối chia sẻ về bệnh trạng với người xung quanh, bao gồm những người thân thiết nhất.
Gia đình hoặc bạn bè chỉ có thể nhận ra vấn đề khi chứng tâm lý này tác động xấu đến chức năng sinh lý, điều hòa hormone, khả năng tập trung, thái độ ứng xử trong các mối quan hệ.
Người bị rối loạn trong việc ăn uống cần sự quan tâm đúng cách từ người thân, bạn bè. Đồng thời, sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ bác sĩ tâm lý cũng đặc biệt cần thiết.
Trị liệu hội chứng rối loạn ăn uống
Mặc dù hội chứng này tồn tại do hàng loạt hành vi và thói quen khó bỏ, người bệnh vẫn có khả năng phục hồi hoàn toàn nếu điều trị đúng cách.
Đầu tiên, các đối tượng này cần nâng cao nhận thức về vấn đề tâm lý của bản thân. Việc dũng cảm thừa nhận bệnh trạng là bước đầu tiên trên hành trình trị liệu.
Tiếp theo, bạn cần giữ thái độ cởi mở, sẵn sàng chia sẻ với những người xung quanh thay vì lo sợ bị đánh giá, kỳ thị. Sau khi nói ra, bạn cũng có thể yêu cầu sự hỗ trợ cần thiết.
Quá trình trị liệu đòi hỏi bạn phải thay đổi chế độ dinh dưỡng và nhiều thói quen xấu. Tuy nhiên, kết quả bạn đạt được có thể tốt hơn nhiều so với mong đợi.
Tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị sẽ giúp việc ăn uống dịp lễ Tết và ngày thường không còn là nỗi ám ảnh của bạn.
Bạn cần yêu cầu hỗ trợ và tiếp nhận trị liệu nếu nhận ra bản thân gặp căng thẳng với vấn đề ăn uống. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels. |