Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Vì sao nhân viên ngại thừa nhận mắc bệnh tâm lý với sếp

Nhiều nhân sự trẻ chọn chia sẻ thành thật với đồng nghiệp, quản lý về các rối loạn tâm lý mình mắc phải. Tuy nhiên, quyết định này dễ tác động xấu đến quá trình thăng tiến của họ.

tam ly cong so anh 1
  • Giám đốc quốc gia của BasicNeeds Việt Nam, thuộc network BasicNeeds quốc tế. Đây là tổ chức phi chính phủ hoạt động tại 15 quốc gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần và phát triển cộng đồng.

Những năm gần đây, sức khỏe tinh thần đã được quan tâm nhiều hơn ở môi trường công sở. Nhiều doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hướng đến hỗ trợ nhận biết các vấn đề cơ bản như stress, burn out (kiệt sức) cho nhân viên. Tuy nhiên, thực sự thấu hiểu, trao đổi cởi mở về các rối loạn tâm lý như lo âu hay trầm cảm lại là chuyện khác.

Theo số liệu từ WHO, trong năm 2019, khoảng 15% người ở độ tuổi lao động có rối loạn tâm lý. 2 tỷ ngày làm việc bị mất đi do trầm cảm và lo âu, 1.000 USD thất thoát vì hiệu suất làm việc sụt giảm.

Sợ bị đánh giá, nhiều người rất e dè việc chia sẻ về tình hình tinh thần với đồng nghiệp và quản lý. Quyết định này thoạt nghe có vẻ an toàn, song thực tế lại dễ gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng.

Chẳng hạn, họ dễ rơi vào trạng thái ức chế vì tự chịu đựng trong thời gian dài. Có trường hợp còn dẫn đến hành vi đáng tiếc, gây hại đến công việc, người xung quanh và chính mình.

Dưới đây là một số lời khuyên, giải pháp dành cho bạn trẻ đang tìm cách xoay xở với các rối loạn tâm lý tại nơi công sở.

Thực trạng

Trước tiên, chúng ta cần có cái nhìn phù hợp hơn đối với sức khỏe tinh thần ở chốn văn phòng.

Tôi đã từng gặp không ít doanh nghiệp vẫn tin rằng người gặp vấn đề tâm lý nói chung đều mang biểu hiện của loạn thần. Hình dung về một số triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác cùng hành vi kỳ dị là lý do khiến các đơn vị lo sợ.

Thực tế, đây là biểu hiện của các rối loạn tâm thần nghiêm trọng và chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trên thế giới. Trầm cảm và rối loạn lo âu mới là những bệnh lý thường gặp nhất, với 280 triệu và 310 triệu người mắc trong năm 2019 (theo số liệu từ WHO).

tam ly cong so anh 2

Trầm cảm và rối loạn lo âu là hai bệnh lý phổ biến tại chốn công sở. Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn tính di truyền hoặc sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh. Ngoài ra, người sống quá khép kín, suy nghĩ tiêu cực và thiếu hệ thống hỗ trợ xã hội (gia đình, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp) cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.

Một lý do phổ biến khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của dân văn phòng là những cơn stress. Dưới áp lực của nhịp độ làm việc cao, cơ thể sẽ tiết ra một lượng lớn cortisol, hormone giúp cơ thể kiểm soát và đáp ứng được với các tình huống gây áp lực.

Nhưng nếu những điều này diễn ra trong thời gian dài, bạn cũng dễ mắc các vấn đề về giấc ngủ, giảm trí nhớ, khả năng tập trung, tiêu hóa kém cùng những cơn đau vật lý (thường ở vùng đầu, cổ, vai, gáy). Trạng thái kiệt quệ sẽ không thể dừng lại, khi bạn tiếp tục bị đồng nghiệp, cấp trên trách móc vì chất lượng lao động sụt giảm.

Cứ như vậy, nhân sự đã rơi vào vòng lặp luẩn quẩn: mệt mỏi, không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bị khiển trách, chê bai, và tiếp tục căng thẳng. Họ quay cuồng với những cảm xúc, ý nghĩ tiêu cực, khiến sức khỏe tâm lý càng sa sút nghiêm trọng.

Không dễ sẻ chia

Theo tôi, vòng lặp kể trên không dễ để dừng lại. Bởi trước hết, mọi người vẫn phải tiếp tục đi làm nhằm đảm bảo vị trí xã hội và thu nhập cần thiết để đảm bảo cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhân sự bị trầm cảm, lo âu hiếm khi chia sẻ vấn đề này với người khác tại cơ quan. Nỗi sợ bị đánh giá, coi thường hoặc né tránh khiến họ chọn cách chịu đựng một mình.

Đồng thời, họ cũng không muốn bệnh tình trở thành nguyên do cản trở quá trình thăng tiến. Nhiều doanh nghiệp, dù đã khá cởi mở, vẫn khá ngần ngại với quyết định tiếp tục sử dụng, hoặc cất nhắc nhân sự có vấn đề tâm lý lên vị trí cao hơn.

tam ly cong so anh 3

Theo chuyên gia, thẳng thắn chia sẻ với quản lý về tình trạng tâm lý không là lựa chọn phù hợp. Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels.

Thoạt nghe, nhiều người cho rằng việc tự chịu đựng, giải quyết là hành động khôn ngoan. Tuy nhiên, phương án này chỉ gây bất lợi cho họ. Chịu đựng trong thời gian dài thường dẫn đến stress trầm trọng, burn out. Lạm dụng chất kích thích, các triệu chứng của trầm cảm, lo âu nặng hơn là chuyện có khả năng cao sẽ xảy ra.

Vậy, đâu là hướng giải quyết cho nhóm nhân sự này?

Đầu tiên, bạn đừng cố kể mọi vấn đề tâm lý với đồng nghiệp hay sếp.

Bởi dù có hiểu biết, họ cũng khó lòng đặt nhiều sự quan tâm vào câu chuyện của bạn. Suy cho cùng, điều họ chú trọng hơn vẫn là tiến độ và kết quả hoạt động chung của cả bộ phận, phòng ban. Ngoài ra, với sự mệt mỏi kéo dài sẵn có, bạn cũng khó chia sẻ vấn đề một cách hợp lý, dễ hiểu để mọi người cảm thông.

Do đó, hãy chọn lọc thông tin và chia sẻ theo kiểu “phát tín hiệu”.

Chẳng hạn, bạn đang có nhiều deadline gắn nhãn khẩn, rất khó hoàn thành kịp dưới áp lực quá lớn. Thay vì nói “Tôi stress vì công việc quá tải”, bạn nên cân nhắc việc trao đổi với đồng nghiệp hoặc sếp nhằm cùng xem xét, sắp xếp lại thứ tự nhiệm vụ ưu tiên và chia lại đầu việc nếu cần.

Nghĩa là nhân viên cần tập trung đề xuất giải pháp, tập trung cải thiện chất lượng hoạt động chung chứ không chỉ than vãn, trách móc.

Nhờ đó, mọi người sẽ hiểu được các khó khăn, nhận thấy lý do chính đáng và cùng tham gia giải quyết vấn đề. Mức độ áp lực sẽ giảm đi, đồng thời hạn chế khả năng bạn phải rơi vào thế bất lợi.

Các biện pháp dự phòng

Như đã nói, những căng thẳng tâm lý thường thấy tại nơi công sở sẽ không bao giờ mất đi. Biết đâu, một ngày nào đó, bạn cũng chật vật với sự mất thăng bằng. Quan trọng hơn cả, nhân sự trẻ tuổi cần học cách “sống chung với lũ”, cũng như tìm ra hướng giải quyết cân bằng giữa lao động và sức khỏe tinh thần.

Nhằm gợi ý các phương án dự phòng phù hợp, tôi tạm chia thành 3 trường hợp:

Bạn đang ổn định và cần tiếp tục duy trì

Để thực sự ổn định tâm lý trong các môi trường không phải chuyện đơn giản. Do vậy, nếu cảm thấy mình đang ổn định, bạn cần cố gắng duy trì trạng thái này.

Liên tục làm thêm giờ tại công ty hay mang việc về nhà không phải cách hay để kiếm tiền hay thăng tiến bởi bạn khó đảm bảo ăn, ngủ, nghỉ ngơi đầy đủ, dẫn đến tự bào mòn sức khỏe. Năng suất làm việc sẽ ngày càng giảm sút và bạn lại rơi vào vòng lặp của sự mệt mỏi và kiệt quệ.

tam ly cong so anh 4

Nhân sự trẻ tuổi cần nghiêm túc tìm cách cân bằng công việc - đời tư. Ảnh minh họa: Alexander Suhorucov/Pexels.

Bên cạnh đó, cá nhân cũng cần biết cách lên tiếng vì lợi ích của mình một cách khéo léo. Nếu bắt đầu có dấu hiệu của stress, quá tải trong công việc, hãy tìm đến sự hỗ trợ từ đồng nghiệp thân thiết, có tuổi nghề cao hơn. Nhờ hiểu biết rõ về môi trường cũng như có kinh nghiệm riêng, họ sẽ cho bạn vài lời khuyên thực sự hữu ích.

Quan trọng hơn cả, hãy làm ấm các mối quan hệ xung quanh. Bạn không cần vồ vập, tỏ ra quá thân thiết với bất kỳ ai. Nhưng bằng những lời chào, câu hỏi thăm, cử chỉ chân thành mỗi khi gặp mặt, bạn sẽ tạo được hảo cảm với đồng nghiệp. Nhờ đó, trong trường hợp khó khăn, bạn sẽ dễ dàng tìm đến sự hỗ trợ, nâng đỡ từ họ.

Bạn đang mất thăng bằng

Đây là tình huống thường thấy nhất ở nhóm nhân sự văn phòng trẻ tuổi. Lúc này, bạn nên tập trung theo dõi mức độ căng thẳng của bản thân thông qua các loại thang đo tâm lý. Từ kết quả nhận về, hãy tìm cách tự điều chỉnh cảm xúc từng chút một.

Theo tôi, sự bình tĩnh có thể giúp bạn xử lý hầu hết rắc rối. Vì vậy, mỗi khi cảm thấy nặng nề, hãy dành ra 5 phút hít thở sâu, ngắm hoàng hôn, chăm sóc cây, hoặc giữ một cốc cà phê ấm, thơm trong tay.

Tách mình khỏi mớ hỗn độn sẵn có, bạn có tạm ngắt được luồng suy nghĩ tiêu cực và cảm thấy dễ chịu hơn. Đây cũng là một cách nghỉ ngơi chủ động, cho phép thần kinh được giãn ra thay vì quá căng thẳng, mệt mỏi.

Quan trọng hơn, đừng tìm cách lẩn tránh khi gặp khó khăn. Không ít người trẻ mượn bia rượu để giải tỏa tâm lý, và đây chưa bao giờ là phương án tối ưu.

Mặt khác, nó dễ khiến bạn sa vào lạm dụng chất kích thích, dẫn đến nhiều tình huống nghiêm trọng, khó lường. Như đã nói, bạn vẫn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhiều kênh, bao gồm gia đình, bạn bè và đồng nghiệp gần gũi, đáng tin cậy.

Bạn đang trong tình trạng nặng

Lúc này, vấn đề đã kéo dài, ảnh hưởng trầm trọng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Nếu đã nghỉ ngơi vài ngày mà vẫn không thay đổi được gì, bạn cần hiểu tình hình đã vượt khỏi khả năng tự kiểm soát.

Hãy tìm đến các tâm lý gia hoặc bác sĩ chuyên khoa. Sự hỗ trợ bài bản, khoa học kết hợp với trị liệu sẽ giúp bạn tìm được lối ra phù hợp nhất.

Cuối cùng, tôi mong các bạn sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn cho sức khỏe tinh thần của mình. Hãy rèn luyện để có được nhận thức, hành vi tích cực, phù hợp, lành mạnh giúp tạo ra đề kháng tinh thần vững chắc.

Nhờ đó, những cơn stress sẽ tồn tại ở mức độ thúc đẩy, tạo động lực chứ không phát triển thành rối loạn tâm lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mục tiêu sự nghiệp của mỗi người.

Căng thẳng công sở phần lớn đến từ đồng nghiệp xấu tính, bắt nạt

Nhân viên xấu tính, bắt nạt có thể tồn tại ở bất kỳ môi trường làm việc nào. Cố ngó lơ để được yên thân, hoặc tìm cách trả đũa họ chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.

Tiệm cà phê mang sách tới để uống miễn phí ở TP.HCM

Quán cà phê “ Sài Gòn năm xưa” nằm trên đường Nguyễn Khắc Nhu, Quận 1, TPHCM được trang trí theo phong cách Sài Gòn xưa, tạo nên một không gian ấm cúng và lãng mạn. Điều khác biệt ở đây là chiếc kệ dùng để "sách đổi sách", tức là khách hàng tới uống cà phê mang đến cuốn sách của mình và được đổi cuốn sách khác của quán mang về đọc.

Hồng Anh

Illustrator: Anny Nhi

Bạn có thể quan tâm