Khi chồng... ''ngang như cua''
Cả tháng nay, Thắng bỗng nhiên "trở chứng", hễ bị vợ nhắc cái gì là anh phản ứng theo kiểu "cua bò": "Tôi chỉ có thế thôi. Cô chấp nhận được thì sống không thì giải tán quốc hội".
Nghe tức phát khóc nhưng Nga cũng chưa tìm ra loại thuốc nào đặc trị chồng thích lý sự cùn.
Thắng vốn nóng tính nên mọi chuyện trong nhà đều nhất nhất phải theo ý mình. Nếu đang tranh luận với vợ mà biết mình đuối lý, trước đây, Thắng sẽ im lặng (coi như biết lỗi) nhưng giờ, anh lại giở bài “cùn” để đối phó với Nga.
Đơn giản như chuyện Thắng đi làm về, quần áo tiện tay vứt mỗi chỗ một cái. Biết vậy nên ngay ngày hôm sau, Nga tự đi sắm cho chồng một cây treo quần áo riêng, kèm lời nhắc khéo: “Anh treo vào đây, vừa gọn gàng vừa đỡ mất công em thu dọn” thì thấy Thắng gật đầu nhưng đến ngày hôm sau, tật cũ lại tái phát. Nga nhắc thì Thắng giở giọng “ngang phè”: “Bừa bãi là phong cách của anh rồi. Em cứ bắt anh phải ngăn nắp thì anh không còn là anh nữa đâu”.
Để thích ứng với “phong cách kiểu Úc” của Thắng, Nga đành phải theo sau thu dọn quần áo cho chồng. Thế nhưng có hôm, không tìm được đôi tất (do Nga giặt sạch và xếp gọn vào trong tủ), Thắng cũng “cáu nhặng”. Nga có cố phản ứng thì đáp án cuối cùng cô nhận được từ chồng là: “Ừ, anh thế đấy. Thế thì sao?”. Nhiều lần cục tức dồn lên tận cổ, Nga đã nghĩ đến chuyện chia tay, cho chồng sống tự do xem có sướng hơn được vợ chăm không.
Mai Anh (Đà Nẵng) cũng rơi vào tình trạng ức chế vì Kiên - chồng cô, đột nhiên “cùn”, hết thuốc chữa. Hồi còn “cầm cưa”, Kiên luôn cao giọng là anh ghét nhất những kẻ nói dối; thế nhưng, khi đã “chung một mái nhà”, Kiên thường xuyên “lừa” vợ bận công việc để tụ tập. Lúc đầu, bị lật tẩy chuyện dối vợ, Kiên cũng ngượng nhưng vài lần như thế, anh thành “chai mặt”, chống chế: “Trước khác, giờ khác. Em có xinh đẹp, ‘ngon lành’ như xưa được không mà đòi hỏi anh phải thế”. Đến nước này, Mai Anh cũng đành "bó tay" trước tài ứng đối linh hoạt của chồng.
Chuyện khác, khi Mai Anh yêu cầu Kiên chấm dứt việc nhắn tin cho một cô bạn gái, theo anh là “hoàn toàn trong sáng” thì Kiên bình thản kết luận: “Em nghĩ gì là quyền của em. Còn nhắn tin là việc của anh”. Sau những lần như thế, Mai Anh không thể vui vẻ trò chuyện với chồng vì không vừa ý là Kiên ca bài: “Tôi làm gì thì kệ tôi” khiến cô ấm ức đến mất ngủ. Chán hơn, khi Mai Anh tâm sự chuyện khó ngủ vì lo chồng ngoại tình với Kiên, anh lạnh lùng bảo: "Em có mất ngủ hay ốm lăn là do em tự chuốc lấy thôi".
Mẹo trị chồng "cùn"
Không phải tự nhiên, chồng bỗng thích “ngang như cua”, nguyên nhân có khi nằm ở chính người vợ. Một số cô chuộng kiểu “nói dai” thành ra “nói dại” – nhắc nhở ít chồng còn tiếp thu chứ chỉ đạo nhiều quá, dễ sinh phản ứng ngược (chồng quay sang “cùn”). Đây được coi là nguyên nhân cốt lõi khiến chồng ngang ngạnh với vợ.
Nguyên nhân thứ hai là người chồng bị cấm đoán thái quá. Những câu như: “Anh không được nhắn tin cho gái”, “không được về muộn”, “không được đi nhậu”… khiến chồng “phát điên”. Khi anh ấy không thể bao biện cho những hoạt động yêu thích nhưng được vợ coi là hư hỏng, anh ấy sẽ “cùn”.
Để ứng phó với thói lý sự cùn của chồng, người vợ nên tham khảo một số cách sau:
- Nói ít và thử mặc kệ chồng: Chẳng hạn, người vợ chỉ nên nhắc chồng một vài lần về việc treo quần áo ngăn nắp mà chồng không tiến bộ, người vợ nên thử bỏ mặc chồng xem sao. Nếu thấy quần áo bẩn không được vợ bỏ vào nhà tắm thì anh ấy sẽ tự giác làm điều này (dù hơi chậm).
Phần lớn các anh chồng đều ghi nhớ lời vợ nhắc nhở và biết tiếp thu ý kiến đúng nhưng do bản chất lười, thích ỷ lại nên mới hành động chậm chạp. Cách giải quyết phù hợp là người vợ nhắc chồng, sau đó để cho anh ấy một khoảng thời gian thực hiện (có khi bảo chồng “treo áo” mà đến cả ngay hôm sau, cái áo ấy vẫn ở trên sàn nhà). Trường hợp này, người vợ không nên quá tức giận vì cuối cùng, anh ấy sẽ biết cách xử lý với cái áo bẩn.
Phương pháp này chỉ mang tính chất tương đối; bởi lẽ, nếu chồng lười và vợ cũng ngại vận động thì nhà cửa sẽ biến thành bãi chiến trường. Người vợ nên tự xác định việc nào có thể đảm nhiệm thay chồng, việc nào không.
- “A dua” theo chồng: Nếu chồng bắt đầu “ngang”, người vợ có thể phản ứng bằng thái độ dửng dưng: “Anh nói đúng đấy. Anh muốn làm như thế thì cứ thoải mái”, đi kèm với một bộ mặt “lạnh”; bởi lời nói của người vợ như lượng không khí được thổi vào một quả bóng, càng cho vào nhiều, bóng càng nhanh vỡ.
Nếu biết rút lui kịp thời, người chồng sẽ có không gian riêng để suy ngẫm việc mình đã làm và biết tự sửa sai. Có khi chồng cũng biết là không đúng nhưng vì “sĩ diện hão”, thích kiểu “ta đây là đàn ông”, không muốn bị vợ “dắt mũi” nên đành phản ứng khó chịu như thế. Người vợ càng công kích, chồng càng hiếu thắng thì mọi chuyện sẽ nhanh hỏng hơn.
Theo Mẹ & Bé