Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi ‘đại ca’ đỗ đại học

“Em xem rồi em được 28,5 điểm đỗ đại học rồi cô ơi. Tự em thi đỗ đấy nhé”, Đa rối rít khóc khi đến gặp cô giáo của mình.

Khi ‘đại ca’ đỗ đại học

“Em xem rồi em được 28,5 điểm đỗ đại học rồi cô ơi. Tự em thi đỗ đấy nhé”, Đa rối rít khóc khi đến gặp cô giáo của mình.

Một buổi chiều thu, Đa cười sằng sặc báo tin cho bố mẹ: “Ông bà bô ơi, tôi được 3,5 điểm, trượt rồi. Ông bà chạy đi đâu thì chạy mau lên. Tiền của ông bà bị ít hay sao mà tôi trượt rồi đây này". Đa vừa gào, vừa thét. Rồi chạy xe lao vụt ra cửa.

Bà Bé thẫn thờ ngồi phịch xuống đất, vừa tiếc của vừa tức. Tức hơn nữa là "cò" thi tắt máy. Ông chồng càng buồn hơn vì khi ngồi uống bia chiều đã hẹn hò bạn bè chuẩn bị ăn khao chuyện đậu đại học của Đa.

Đêm đã khuya Đa không về. Bố cậu lo lắng. Cái gì đến đã đến. Đa và lũ bạn trượt đại học  vừa ăn nhậu vừa hò hét, vì... buồn đời. Sau đó cởi trần đua xe cho quên sự đời. Đa lao vào ô tô và phải đi cấp cứu ở bệnh viện Việt Đức. Chân, mặt phải khâu. "Hoạ vô đơn chí" - gia đình đã sầu rồi càng sầu thêm.

Cô Thu dạy Toán, cũng là chủ nhiệm đã đến gia đình, chia sẻ và động viên Đa, phân tích điều hay phải và tầm quan trọng của sự phấn đấu nỗ lực, tự mình Đa vẫn có thể đỗ đại học và lập nghiệp thế... mới bền.

Vậy là sau 3 tháng nằm viện, Đa với “chiến tích” què một chân, mặt khâu 7 mũi được ra viện. Bố mẹ lại chạy cửa để cho Đa thi một trường khác và “cò” này cam kết là rất chắc, vào 3 tháng mới lấy tiền.

Nhưng Đa đã cảm nhận được cuộc đời phân định rõ thiện ác, tốt xấu, thật giả và tiền rất quý nhưng không mua được tất cả. Nếu mua được bằng mà không có nội lực thì không làm việc được thì cũng hỏng. 

Lời của cô Thu cũng đã làm thay đổi con người Đa. Cậu từ bỏ tất cả, ngày ngày làm bài tập theo sự hướng dẫn của cô. Mỗi tuần hai lần Đa đến các nhà thầy dạy Toán, Lý, Hoá mà cô Thu gửi gắm nhận bài về làm và trao đổi các vướng mắc. Cậu đã quên dần các cuộc nhậu nhẹt, đua xe… gần như thiền để học.

Đa làm cho bố mẹ không nhận ra con trai mình nữa. Mới đầu ông bà chỉ nghĩ là cậu làm trò để chuẩn bị xin một khoản. Nhưng Đa cứ học và yêu cầu bố mẹ không phải chạy chọt gì nữa, cứ để cậu tự bơi với đời.

Ngày qua ngày, Đa chăm chỉ học hơn. Cậu cũng tiếc thời gian phung phí ăn chơi quá xá của mình. Đa không dám ngủ nhiều, tắm lâu, xem phim… vì cho rằng còn nợ nhiều phần mà trước đây chả bao giờ động đến.

Năm học 2012 là kỳ thi lại của Đa, cô Thu động viên cậu học chắc rồi nên thi vào ĐH Kinh tế Quốc dân. Cô Thu chắc rằng nhà Đa “đại gia” có dự thi em sẽ thi luật hay tài chính...  Nhưng không bất ngờ, vào một buổi chiều, cô Thu đang tưới cây bỗng có tiếng nói ngọt ngào, lạc giọng: “Con đỗ rồi và con thừa nhiều điểm lắm u ạ”.

Cô Thu giật mình quay ra thì thấy Đa đang hua hua: “Em xem rồi em được 28,5 điểm đỗ đại học rồi cô ơi. Tự em thi đỗ đấy nhé”. Đa rối rít khóc. Cô Thu ôm lấy Đa, cô trò cùng cười và ngân ngấn nước mắt. Đa nghẹn ngào: “Cô ơi, em sẽ nối nghiệp cô. Em thi sư phạm Toán cô ạ”.

Cô Thu đã khóc - những giọt nước mắt hạnh phúc.

Câu chuyện được ghi lại từ cô Phan Bích Thu (giáo viên một trường THPT tại Hà Nội).

Theo Vietnamnet

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm