Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi đất nước tôi bị nói xấu

Mỗi quốc gia đều có những vấn đề của riêng mình, thậm chí là vấn nạn, nhưng bạn sẽ làm gì khi những từ như "tởm lợm" được giành để nói về đất nước của mình.

Chuyện xảy ra trong lớp học Quản trị đa văn hóa của chúng tôi. Xin được gọi là thầy - như cách tôn trọng người làm giáo dục của người Việt mình - đang trong chuyến về thăm trường sau hai năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, với vai trò tuyển sinh quốc tế và dạy tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ ở TP HCM.

Thầy được mời chia sẻ những kinh nghiệm đối phó khác biệt văn hóa khi từ New Zealand sang Việt Nam sinh sống, lúc chúng tôi đang học về Cultural Intelligence (viết tắt CI - am hiểu văn hóa).

Trà đá Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Trước khi mở đầu câu chuyện, thầy giới thiệu mình đã đặt chân đến hơn 40 quốc gia khác nhau nên tự tin về chỉ số am hiểu văn hóa CI của mình.

Thầy mang một Việt Nam còn khá xa xôi trong mắt bạn bè tôi ở xứ sở Chúa Nhẫn qua những câu chuyện của mình, mà mỗi một câu chuyện là một lần tôi nhói tim, bẽ bàng.

“Thật là 'horrible' (tởm lợm) khi người Việt cho đá vào mọi thứ nước uống. Người ta có thể phán vào mặt bạn rằng 'mày giống siêu mẫu đấy, nhưng mày mập quá'. Ở Việt Nam, người ta quăng rác ngoài đường để tạo công ăn việc làm cho người khác, hay vỉa hè là nơi để chạy xe…”.

Tôi không thể chịu đựng cách nói chuyện này và đứng dậy thưa với thầy: “Em nghĩ thầy cần nhiều thời gian hơn để am hiểu văn hóa Việt Nam. Mỗi quốc gia đều đối mặt vấn đề xã hội của riêng mình, và em tin rằng thầy chia sẻ những điều này ở một lớp học Quản trị đa văn hóa là không phù hợp”.

Lòng tự tôn của tôi cần một lời xin lỗi.

Tôi viết email cho cô hiệu phó trường, đại ý rằng: “Gần hai năm sống ở New Zealand, em hiểu mỗi quốc gia đều có những vấn nạn xã hội riêng. Không có nơi đâu hoàn hảo. Tuy nhiên, khách được mời đến để chia sẻ kinh nghiệm đối mặt đa văn hóa thì chỉ tập trung chỉ trích vấn nạn xã hội của quốc gia ấy, nơi thầy đã sinh sống, kết hôn với người Việt và thậm chí kiếm tiền từ chính người dân địa phương.

Chúng ta không có quyền đánh giá văn hóa của một quốc gia bởi nó 'không giống' mình, và ở trường hợp này thầy dùng tính từ 'horrible' - tởm lợm - càng không phù hợp. Và chẳng có gì khó hiểu khi người dân ở một xứ nhiệt đới như Việt Nam thích cho đá vào đồ uống để làm mát thân nhiệt của họ”.

Tôi nhận được sự đồng cảm từ cô hiệu phó, và một buổi gặp mặt trực tiếp để nói lời xin lỗi từ thầy. Thầy giải thích, không cố ý xúc phạm tôi và ông yêu Việt Nam rất nhiều. “Tôi lẽ ra nên dùng từ 'surprising' - ngạc nhiên - để diễn tả tâm trạng của mình lúc ấy, thay vì 'horrible' - tởm lợm”, ông nói.

Dẫu lời xin lỗi ấy chân thành nhưng những tổn thương, bẽ bàng thì không thể xóa nhòa. Tôi sẽ chẳng thể nào gỡ bỏ hết ấn tượng đầu tiên về hình ảnh một Việt Nam xấu xí trong mắt bạn bè bản xứ và du học sinh trong lớp qua những câu chuyện có phần định kiến của thầy.

Hai nhà nhân loại học người Mỹ Kevin Avruch và Peter W. Black đã chỉ ra rằng, khi đối mặt một sự tương tác mà chúng ta không am hiểu, con người có khuynh hướng tự giải nghĩa rằng, những người kia là “bất thường”, “lạ đời”, hay “sai biệt”. Khuynh hướng này, nếu được nuông chiều, sẽ càng làm gia tăng mức độ cá nhân về các định kiến.

Như thế để thấy, khi nhìn nhận văn hóa của một cộng đồng, quốc gia khác, hãy giữ cho mình đôi mắt trẻ thơ và tâm hồn trong trẻo, để mọi sự khác biệt kia khi đến với người tiếp nhận, sẽ trở thành cảm hứng sáng tạo hơn là bó hẹp trong góc nhìn thiển cận rằng, đó là bất bình thường hay ngược đời.

Và ở nam Thái Bình Dương xa xôi, tôi hay chạnh lòng nghĩ về quê nhà, trời nóng gần 40 độ C, má tôi ngoài Trung cũng như bao nhiêu người Việt khác, cho thêm ít đá vào nước chanh uống cho mát trước khi ra đồng thu mua lúa thì có gì là xấu xa chăng?

Dù đã nhận được lời xin lỗi, tôi không giấu được câu chuyện này đã để lại trong lòng tôi một nỗi buồn khó tả.

Du học sinh Việt làm clip thể hiện tình yêu đất nước

Clip được thực hiện bởi nhóm các bạn trẻ Việt với mục đích nâng cao tinh thần đoàn kết, ý chí dân tộc của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150516/khi-dat-nuoc-toi-bi-noi-xau/747969.html

Theo Hữu Công/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm