Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi đồng tiền 'sạch, bẩn' vào đề thi học kỳ ở Sài Gòn

Đề kiểm tra học kỳ 2 môn Giáo dục Công dân của học sinh quận 3 (TP.HCM) nêu ra vấn đề đồng tiền “sạch, bẩn” để học trò bàn luận.

Chiều 18/4, Phòng GD&ĐT quận 3, TP.HCM, đã tổ chức kiểm tra học kỳ 2 môn Giáo dục Công dân. Đề thi này khiến nhiều người cảm thấy thích thú vì đề cập vấn đề “nóng” hiện nay. Đó là đồng tiền “sạch” và đồng tiền “bẩn”.

Đề thi gồm 4 câu, trong đó câu 4 (3 điểm) có nội dung như sau:

Đồng tiền “sạch” và đồng tiền “bẩn”

…Dưới con mắt thầy thuốc, tiền là một thứ rất bẩn, bởi được truyền qua tay nhiều người nên chứa rất nhiều loại vi khuẩn có hại. Vì vậy, các nhà khoa học khuyên nên chú ý giữ vệ sinh khi tiếp xúc tiền.

Đứng ở góc độ xã hội, chúng ta lại nhận thấy như một nghịch lý: Những đồng tiền lấm lem, mồ hôi, dầu mỡ, đôi khi bị rách, nhàu nát của người lao động lại là những đồng tiền “sạch”, nghĩa là được tạo ra bởi bàn tay, khối óc của người lao động. Vì vậy, đồng tiền đó là chính đáng và rất quý.

Còn nhiều khi những đồng tiền mới tinh, cáu cạnh lại là những đồng tiền “bẩn”, nôm na là được tạo ra bởi những nguyên do bất chính: Trộm cắp, tham nhũng, buôn gian bán lận, lừa đảo, mánh khóe, ức hiếp…

Hãy viết đoạn văn (7-10 dòng) nên suy nghĩ của em về những người lao động tạo ra tiền “sạch” và phê phán những kẻ kiếm tiền “bẩn”. Từ đó, em liên hệ bản thân về cách rèn luyện để trở thành người lao động chân chính".

de thi hoc ky anh 1
Đề kiểm tra học kỳ 2, môn Giáo dục Công dân của phòng GD&ĐT quận 3. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Một học sinh lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, nhận xét: “Cách ra đề khiến em hứng thú, vì nó đề cập một vấn đề trong xã hội, được nhiều người quan tâm là đồng tiền 'sạch' và đồng tiền 'bẩn'. Qua đề thi, em càng hiểu rõ và trân trọng những người lao động chân chính”.

Bàn luận về cách đưa vấn đề trên vào đề thi, thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên môn Giáo dục Công dân, trường THCS College, quận 3, nói sách lớp 9 có một bài về chủ đề “Lao động”, vì thế ban ra đề quyết định đưa đồng tiền “sạch”, đồng tiền “bẩn” vào đề.

"Chúng tôi hy vọng từ bây giờ, học trò sẽ có sự nhìn nhận về tiền 'sạch', tiền 'bẩn', qua đó gieo ý thức, lòng tự trọng, để các em biết cố gắng học tập, sau này có một công việc chân chính”.

Đại diện phòng GD&ĐT quận 3 cũng bày tỏ đề được ra với mục đích giáo dục, nên luôn lấy những vấn đề gần gũi cuộc sống để các em dễ hình dung. Qua việc đưa vấn đề tiền “sạch” và tiền “bẩn”, các em biết rằng trong xã hội tồn tại một nhóm người kiếm tiền bất chính, bất chấp thủ đoạn, đó là những người cần phê phán.

Tuy nhiên, đó chỉ là bộ phận nhỏ, số đông còn lại vẫn là người lao động chân chính, kiếm tiền bằng mồ hôi, xương máu của chính mình. Họ đáng được tôn trọng và tôn vinh.

"Qua đề thi này hy vọng sẽ hình thành nên cách nghĩ cho các em và hướng các em rèn luyện, vươn lên để sau này trở thành những người lao động chân chính”, đại diện phòng GD&ĐT quận 3 nói.

Bộ GD&ĐT lên tiếng về Khá 'Bảnh' vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, đề thi ra theo hướng mở cần đảm bảo tính định hướng giáo dục.


https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/khi-dong-tien-sach-dong-tien-ban-vao-de-thi-hoc-ky-ii-828926.html

Theo Nguyễn Quyên / Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm