Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi học trò 'cảm nắng' thầy cô

Từ sự ngưỡng mộ, yêu quý, học trò bắt đầu “cảm nắng” thầy, cô và “tấn công” bạo dạn hơn. Không chỉ các nữ sinh để ý tới các thầy giáo trẻ mà đến cả cô giáo cũng là đối tượng để các nam sinh nhòm ngó, trêu chọc.

 

Khi học trò 'cảm nắng' thầy cô

Từ sự ngưỡng mộ, yêu quý, học trò bắt đầu “cảm nắng” thầy, cô và “tấn công” bạo dạn hơn. Không chỉ các nữ sinh để ý tới các thầy giáo trẻ mà đến cả cô giáo cũng là đối tượng để các nam sinh nhòm ngó, trêu chọc.

Nữ sinh tỏ tình thầy giáo không còn là chuyện hiếm.

Cô giáo Lê Trang vừa tốt nghiệp trường đại học Sư phạm HN được hơn 1 năm và hiện đang công tác tại một trường THPT ở Sơn Tây. Nếu so về tuổi tác, cô chỉ hơn học trò của mình 5,6 tuổi.

Thậm chí nếu trong những lần đi dã ngoại cùng lớp, không mặc quần áo trang trọng như khi đứng trên bục giảng thì cô như lọt thỏm giữa nhóm học sinh của mình và không ai nghĩ cô là giáo viên của lớp.

Từng là á khôi trong lần tham dự cuộc thi Miss Sư phạm nên cô có vẻ ngoài cuốn hút và cách nói chuyện dí dỏm, trẻ trung. Cô hay tâm sự, gần gũi với học trò nên nhiều em học sinh hâm mộ, nhất là học sinh nam.

Cô chia sẻ: “Có lần còn được một em học sinh nam viết tặng thơ, cũng có lần được các em nói thẳng: "Nhìn cô đẹp như thế, chúng em chỉ ngồi ngắm mà không sao học nổi". Cô cũng chỉ cười rồi nói ý với học trò chứ không biết phải thể hiện như nào trước những lời nói và tình cảm của học trò dành cho mình".

Còn thầy Phạm Hồng Quân, hiện đang là giáo viên cấp 2 của một trường THCS ở huyện Thường Tín, Hà Nội cũng chia sẻ những pha dở khóc, dở cười vì học sinh của mình. Học CĐ Sư phạm 3 năm, sau khi tốt nghiệp thầy được về công tác tại một trường cấp 2 ngay gần nhà.

Thầy Quân có khuôn mặt điển trai, nói chuyện hài hước, hay pha trò trên lớp nên là tâm điểm chú ý của các bạn nữ. Thầy dạy bộ môn hóa học nên thường xuyên phải cho học sinh thí nghiệm. Những buổi thực hành đi đến phòng thí nghiệm là “cơ hội” để các bạn nữ cảm thấy được gần gũi thầy hơn, được hỏi han nhiệt tình hơn.

Thầy kể, có những câu hỏi ngây ngô của học trò mà nhiều khi ngồi nghĩ lại thấy bật cười, học trò bây giờ lém lỉnh, bạo dạn hơn xưa rất nhiều. Hồi còn là học sinh rất ít khi trò dám hỏi thẳng thừng những câu hỏi riêng tư với thầy trên lớp như hoàn cảnh bây giờ thầy đối diện.

Trong những câu hỏi, học sinh còn không ngần ngại thêm vào những câu hỏi trêu chọc thầy: “Phản ứng này nếu gặp ngoài cuộc sống giữa một người đàn ông với một người phụ nữ liệu có cần chất xúc tác gì không hả thầy”. “Lúc đó tôi chỉ cười vì biết ý đồ của lũ học trò mang danh nhất quỷ nhì ma của mình”.

Thầy nhớ lại, ngày đầu tiên khi bước chân vào lớp, đám học sinh nghịch, rất mất trật tự. Một em học sinh nữ bị 2 bạn ngồi cạnh đưa đẩy, xung phong. Đang ngạc nhiên vì mình chưa giảng gì đã có học sinh hỏi, em đó đứng dậy :“Thưa thầy, thầy sinh năm bao nhiêu? Thầy trẻ quá. Thầy đã có người yêu chưa ạ? Thầy có số điện thoại liên lạc không ạ? Thầy cho lớp em xin với”.

“Tôi giới thiệu bản thân trước lớp và cho lớp số điện thoại, nick chat để tiện liên lạc, hỏi bài. Ngay tối hôm đấy tôi phải tắt nguồn điện thoại vì học sinh nhắn tin tới quá nhiều. Không phải tôi kiêu không trả lời mà toàn những tin nhắn mang tính chất nhạy cảm, không phù hợp giữa giáo viên với học sinh”. Thầy cũng không thể ngờ học sinh cấp 2 mà có những câu nói, những lời tình cảm sướt mướt như thế.

“Thầy ăn cơm chưa, thầy đang làm gì, thầy có người yêu chưa, thầy có thể lên mạng để em hỏi bài một chút được không”... Đó là tất cả những tin nhắn quen thuộc thầy nhớ như in, hôm nào cũng lặp lại của một cô học sinh.

Nhà thầy ở cạnh nhà thờ, mấy học sinh nữ thường xuyên viện cớ đến đó để dò xem thầy có nhà hay không? Thầy tâm sự: “Học sinh bây giờ ghê gớm hơn xưa nhiều. Có hôm 4-5 em đến đầu ngõ rồi í ới gọi. Hôm đó có bạn gái tôi tới nhà chơi, tôi bị phen hú vía”.

Thầy cười: “Bản chất của tôi vẫn là nhát phụ nữ. Những pha như thế tôi không biết phải xử lí như thế nào. Học trò đến chẳng nhẽ lại không tiếp, mà bạn gái mới quen cũng chỉ thỉnh thoảng tới nhà. Cô ấy hay ghen, biết ở trường tôi dạy có nhiều em hâm mộ như này chắc tình hình hơi phức tạp”.

Lứa tuổi mới lớn thường có những rung động đầu đời với người khác giới, ngay cả khi đó là thầy, cô dạy mình. Song, không hẳn tất cả đều là tình yêu, mà đôi khi đó chỉ là một sự ngưỡng mộ, thần tượng, hay một chút “cảm nắng”.

Cô Trường, một giáo viên có gần 30 năm làm THPT tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc chia sẻ: “Trong trường hợp này, thầy, cô cần thể hiện thái độ rõ ràng ngay từ đầu. Và cũng phải khéo léo, tế nhị đặt vấn đề để các em tập trung vào việc học hơn mà không làm tổn thương các em. Ở lứa tuổi tâm lý đầy biến động này, rất cần sự quan tâm, giáo dục kết hợp từ phía nhà trường và gia đình”.

Theo Vietnamnet

 

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm