Theo ứng dụng Monimo thuộc Tập đoàn Samsung, mức chi tiêu của những người có thẻ Samsung Card trong độ tuổi 20-50 cho các phòng khám da và phẫu thuật thẩm mỹ đã tăng 26% so với năm ngoái.
Chỉ riêng trong quý II, chi tiêu của nhóm này cho các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ cao hơn 25% so với năm ngoái, theo Korea Bizwire.
Trong đó, nhóm tuổi 20 có tỷ lệ tăng lớn nhất, với 43% cho các phòng khám da và 41% cho trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ. Tiếp theo là những người ở độ tuổi 40, chi nhiều hơn khoảng 30% tại các phòng khám da và phẫu thuật thẩm mỹ trong quý II.
Trong khi đó, nhóm người độ tuổi 30 chi nhiều hơn tương ứng 25% và 20% cho da và phẫu thuật thẩm mỹ. Tỷ lệ ở nhóm tuổi 50 lần lượt là 19% và 18%.
Những người theo dõi ngành công nghiệp này tin rằng việc các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng đã khiến nhiều người tiêu dùng phải vật lộn với việc để lộ khuôn mặt trở lại. Điều này cũng khuyến khích mọi người đến các trung tâm làm đẹp nhiều hơn để chăm sóc ngoại hình, nhất là về da.
Hàn Quốc đã nới lỏng các quy định liên quan đến việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Ảnh: Yonhap. |
Theo đó, trong thời kỳ đại dịch, nhiều người có thể che đậy những nốt mụn trứng cá và các vấn đề về da khác nhờ chiếc khẩu trang. Sau khi các hạn chế được gỡ bỏ, mọi người phải trở lại với việc điều trị.
Trước đó, chiếc khẩu trang cũng là công cụ giúp nhiều phụ nữ Hàn Quốc có thể tranh thủ đi phẫu thuật thẩm mỹ trong dịch. Cụ thể, ngoài có nhiều thời gian hồi phục ở nhà, việc mỗi lần ra đường phải đeo khẩu trang theo quy định giúp họ che được vết bầm tím hay sưng tấy sau cuộc phẫu thuật.
Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cho biết bệnh nhân quan tâm đến tất cả bộ phận trên khuôn mặt: từ những vị trí có thể dễ dàng che giấu dưới khẩu trang như mũi và môi cho đến các bộ phận không che được.
“Nhu cầu sửa lại mắt, lông mày, sống mũi và trán cũng nhiều không kém”, Park Cheol-woo, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, nói với Reuters.