Harry (biệt danh) coi việc đánh giá, quảng cáo mỹ phẩm là công việc chính của mình trong nhiều năm qua. Anh hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội.
Hiện tại, khi các nền tảng video ngắn phát triển, người dùng càng quen thuộc với hình ảnh Harry vừa thử dùng sản phẩm dưỡng da, vừa nhận xét công dụng, giá thành.
"Trước đây, tôi chưa từng nghĩ mình có thể sống tốt, có thu nhập khá nhờ sở thích, đam mê làm đẹp. Trong mắt nhiều người, việc review, buôn bán mỹ phẩm chỉ dành cho nữ giới", anh tâm sự cùng Zing.
Thu nhập tốt
Trong những năm gần đây, châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, chứng kiến sự bùng nổ các đại sứ thương hiệu nam trẻ tuổi. Các thần tượng nhạc pop như Vương Nhất Bác và Lưu Hạo Nhiên xuất hiện trong quảng cáo mặt nạ, kem dưỡng da, son môi dành cho phái nữ.
Lý Giai Kỳ, người được mệnh danh là "ông hoàng son môi Trung Quốc", có thể livestream bán từ mỹ phẩm đến túi xách, quần áo. Khách hàng của anh đa số là những cô gái trẻ.
Theo Daily Economic News, hơn 18 thương hiệu bao gồm Lancôme, YSL và MAC, chọn các nghệ sĩ nam làm đại sứ trong năm 2018.
Tại Việt Nam, những reviewer là nam giới cũng nhận được sự quan tâm lớn trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Không ít người có được thu nhập không tồi từ công việc này.
Trần Lâm làm nghề review mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp từ vài năm qua, khá quen mặt đối với người dùng mạng. |
Khi tài khoản mạng xã hội đạt mốc 100.000 người theo dõi, Trần Lâm (23 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) bắt đầu nhận quảng cáo từ các nhãn hàng mỹ phẩm. Mỗi tháng, anh nhận thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng từ những dự án này.
Theo Lâm, đây không phải con số đáng ngưỡng mộ với nhiều người, nhưng thực sự giúp anh chi trả sinh hoạt phí, tiêu dùng thoải mái, đồng thời có một khoản tiết kiệm.
Trên thực tế, anh có thể kiếm được nhiều hơn nếu cùng lúc hợp tác nhiều nhãn hàng. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng nội dung và và giữ gìn sức khỏe làn da, anh chỉ nhận số dự án hạn chế, trung bình 2-3 sản phẩm/tháng.
"Trước khi giới thiệu mỹ phẩm cho người xem, tôi phải sử dụng một thời gian nhằm nhận xét chính xác nhất. Thông thường, tôi dành 30 ngày đối với các hóa phẩm điều trị da. Còn với mỹ phẩm chăm sóc da hàng ngày như mặt nạ, sữa rửa mặt, kem chống nắng..., tôi chỉ cần khoảng 15 ngày", anh nói.
Tương tự, Minh Tuyền (19 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng công việc review mỹ phẩm mang lại cho mình thu nhập khá hậu hĩnh so với độ tuổi.
Trên trang cá nhân có 200.000 người theo dõi, anh thường xuyên giới thiệu một số loại son môi. Những video gợi ý màu son dành cho nam giới của anh thu hút hàng triệu lượt xem. Trong đó, tỷ lệ người bấm mua son khá cao, mang lại cho anh hoa hồng tương đương vài chục triệu đồng/tháng.
"Tôi rất vui khi nhiều bạn nữ mua son do tôi quảng cáo để tặng cho người yêu. Đó đều là những tông màu phù hợp cho phái mạnh, màu sắc tự nhiên, không lòe loẹt", anh cho hay.
Định kiến
Trước khi tự tin xuất hiện trên mạng xã hội để thử tô son, dưỡng da, những reviewer nam này từng vướng sự hoài nghi từ gia đình hoặc cộng đồng mạng. Nhiều người lắc đầu, thậm chí chỉ trích khi thấy những chàng trai làm đẹp cho mình.
Như Minh Tuyền, anh yêu thích việc trang điểm và chăm sóc da từ những năm học THPT. Anh cho đây là thói quen lành mạnh, giúp mình ra đường với diện mạo tự tin hơn.
Tuy nhiên, cha mẹ anh lại không mấy đồng tình. Họ nhiều lần mâu thuẫn, tranh cãi chỉ vì anh làm đẹp.
"Thấy tôi thoa kem nền hoặc tô lớp son nhạt ra đường, hàng xóm nhiều lần lời ra tiếng vào, đồn đoán về giới tính của tôi. Điều này khiến gia đình tôi phiền lòng. Đến giờ, người thân không còn can ngăn tôi trang điểm nữa, nhưng thỉnh thoảng vẫn dặn dò đừng mua sắm quá nhiều mỹ phẩm, cần dành tiền ăn uống, sinh hoạt", anh kể lại.
Minh Tuyền từng nhiều lần kích ứng da do dùng quá nhiều sản phẩm. |
Còn với Trần Lâm, gần 2 năm review mỹ phẩm cũng là từng đó thời gian anh nhận không ít lời đàm tiếu về mình.
"Đàn ông mà lại dưỡng da như đàn bà", "Nhìn không ra làm sao"... - đó là 2 trong nhiều bình luận mà cư dân mạng gửi đến reviewer này.
Những lời chỉ trích như trên từng khiến anh khủng hoảng tinh thần, không thể ăn uống.
"Rất nhiều người mang nặng định kiến rằng nam giới không được dùng mỹ phẩm. Họ chửi bới tôi, miệt thị giới tính, viết những từ độc hại không tưởng tượng nổi", anh thở dài.
Ngay cả gia đình cũng không thể chấp nhận ngay việc anh làm công việc liên quan đến sắc đẹp. Kiên trì suốt một năm dài, anh mới có thể thuyết phục người thân tin tưởng vào sở thích, việc làm của mình.
Rủi ro
Quay trở lại với Harry, sau khi đăng những video làm đẹp đầu tiên lên mạng xã hội, anh nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người xem. Anh vui mừng xen lẫn thích thú, thế nhưng cũng áp lực phải ra video nhiều hơn nhằm chiều lòng người hâm mộ.
Mỗi ngày, Harry đặt mục tiêu phải quay 2 video sử dụng sản phẩm mới. Anh trải nghiệm cả những sản phẩm không phù hợp với làn da, tạo nội dung thu hút và kịch tính.
Nhưng anh nhanh chóng nhận ra việc làm này gây hậu quả đáng tiếc. Hơn một năm dùng thử hàng trăm sản phẩm khác nhau lên da mặt, anh bị kích ứng da, dư thừa dưỡng chất và phản ứng ngược.
Harry từng chi hơn 200 triệu đồng để điều trị da tổn thương do kem trộn. |
"Có một thời gian, tôi thử quá nhiều sản phẩm đặc trị dạng nặng khiến cho da bong tróc, đỏ mẩn, nổi mụn. Thú thật, tiền kiếm được nhờ quảng cáo không đủ để tôi đi điều trị da liễu", anh thở dài.
Tương tự Harry, Trần Lâm cũng đang trong quá trình điều trị sẹo do sử dụng nhiều loại mỹ phẩm khác nhau.
Cách đây không lâu, da mặt anh nổi mụn nước, viêm, rát nặng.
"Ban đầu, tôi chưa có kế hoạch làm việc cụ thể nên review vô tội vạ, có tháng nhận 4-5 sản phẩm từ các nhãn hàng, chưa kể tự mua thêm. Điều này khiến da tôi vốn yếu càng thêm nhạy cảm. Tôi thu nhập được bao nhiêu lại dành một khoản lớn để chữa lành tổn thương trên da", anh cho biết, nhẩm tính mình đã tiêu tốn hơn một trăm triệu đồng cho những liệu trình phục hồi da mặt.
Theo Lâm, anh gặp áp lực buộc phải đẹp khi bước chân vào nghề review mỹ phẩm. Người xem có tâm lý yêu thích nhân vật ngoại hình sáng. Nếu không gìn giữ sức khỏe làn da, anh đối mặt lời chỉ trích, thậm chí sự quay lưng nhanh chóng từ người hâm mộ.
"Khi da mặt lên mụn, tôi xác định nghỉ làm cả tháng, không sản xuất nội dung", Lâm nói.
Minh Tuyền cũng gặp không ít tình huống đáng tiếc như vậy.
Đầu năm, anh ký hợp đồng quảng cáo với một nhãn hàng mỹ phẩm. Tuy nhiên, trước ngày quay, da anh bị dị ứng khá nặng, nổi mụn ở nhiều vị trí. Nhưng vì đã thống nhất lịch làm việc, anh vẫn phải ghi hình.
Kết quả, anh gây ảnh hưởng đến cả bản thân và nhãn hàng bởi xuất hiện với làn da sần sùi, kém sắc.
"Nhiều người xem trách mắng tôi thậm tệ, yêu cầu xóa video. Không ai muốn xem một người da mụn hướng dẫn về cách chăm sóc da cả. Tôi chỉ biết tự trách bản thân và khóc một mình, không biết chia sẻ với ai", reviewer này thở dài.
Trên các nền tảng thương mại điện tử, nam giới dần trở thành khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực làm đẹp, chăm sóc da, mỹ phẩm. Doanh số mỹ phẩm và chăm sóc da dành cho cánh mày râu ở Trung Quốc tăng 13,5% từ năm 2016 đến năm 2019, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 5,8%, theo CBN.
Nhiều người ca ngợi hiện tượng mỹ nam như một sự tôn vinh địa vị xã hội dành cho phụ nữ. Trong khi đó, một số nhà phê bình lại tin rằng điều này chỉ đơn giản là khiến nam giới phải tuân theo các tiêu chuẩn sắc đẹp được áp dụng cho phụ nữ trước đây.
Tuy nhiên vì xu hướng làm đẹp dành cho nam giới vẫn còn là một hiện tượng tương đối mới, nên hiệu quả lâu dài của việc thay đổi các chuẩn mực xã hội là điều còn phải bàn cãi.
Nhưng ít nhất thì giờ đây, phụ nữ có thể vui mừng vì họ không còn là những người duy nhất phải nỗ lực để trông chỉn chu trước một buổi hẹn hò.