Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nam giới chơi Âu phục, phụ kiện cổ điển

Khôi Nguyên (29 tuổi) sở hữu hàng chục bộ Âu phục cổ điển được may đo kỹ lưỡng. Theo anh, đây là thú chơi cần đầu tư tiền bạc, công sức nghiên cứu cùng sự kiên trì.

thoi trang co dien anh 1

Khôi Nguyên (29 tuổi, sinh sống tại California, Mỹ) nhớ như in cảm giác cầm trên tay bộ Âu phục may đo đầu tiên của mình.

Đó là bộ bespoke suit màu trắng ngà bằng vải Palm Beach, mang hơi hướm cổ điển Mỹ. Anh ao ước bộ trang phục này từ rất lâu, sau khi xem những thước phim của tài tử điện ảnh Hollywood thập niên 1930, 1940 như Clark Gable hay Cary Grant.

Điểm đặc biệt, toàn bộ quy trình đặt may đều được thực hiện online, tức là Khôi Nguyên ở Mỹ, còn nhà may lại ở Việt Nam.

"Tôi quyết định may đo từ xa bởi chi phí tiết kiệm hơn. Ngoài ra, tôi rất tin tưởng tay nghề của người thợ Việt", anh chia sẻ cùng Zing.

Cảm hứng từ nghệ thuật, phim ảnh

Với Khôi Nguyên, niềm đam mê đối với Âu phục may đo (Sartorial) bắt đầu từ năm 2016, khi anh xem được những bức ảnh của sinh viên thuộc hệ Ivy League thập niên 1960 và những bộ phim cổ điển của châu Âu, Mỹ.

Anh còn mê mẩn bộ ảnh từ những thương hiệu thời trang nam như Drake’s, The Armoury hay Bryceland’s.

Ban đầu, khi kinh phí còn hạn chế, Khôi Nguyên tìm kiếm quần áo vintage tại những phiên chợ trời ở Mỹ. Mất khá nhiều thời gian cùng công sức, anh mới lục tìm được những chiếc quần Âu, áo khoác thể thao hay cà vạt cũ.

Tất nhiên, những món đồ này hiếm khi vừa vặn. Anh lại mất thêm chi phí mang quần, áo đi sửa để phù hợp hơn với khung người.

"Sau gần 2 năm, tôi nắm rõ chi tiết số đo cơ thể và cả những đặc điểm cần lưu ý khi may đo. Những kinh nghiệm này giúp tôi rất nhiều khi đặt may suit từ Việt Nam", anh chia sẻ.

Nhật Tâm (28 tuổi, sinh sống tại Paris, Pháp) cũng là một tín đồ của Sartorial. Anh theo đuổi phong cách này từ năm 2015. Cho đến nay, anh sở hữu hàng chục bộ suit may đo với nhiều kiểu dáng, chất liệu và màu sắc.

"Niềm đam mê của tôi với Sartorial bắt nguồn từ những thước phim của Italy thập niên 1960, đặc biệt là bộ phim La Dolce Vita (1960) của đạo diễn Federico Fellini. Tuy chỉ là phim trắng đen, nhưng cách nam minh tinh Marcello Mastroianni ‘diễn như chơi’ trong bộ suit hoàn hảo in sâu trong tiềm thức và thôi thúc tôi theo đuổi phong cách này. Ngoài ra, tôi cũng lấy cảm hứng từ những bộ phim khác như 2046 của đạo diễn Vương Gia Vệ hoặc A Single Man của Tom Ford", anh tâm sự.

Những quy luật khắt khe

Đối với Khôi Nguyên, Sartorial bao gồm nhiều nhánh nhỏ lẻ như Vintage Sartorial (cổ điển), Contemporary (đương đại), Neapolitan (kiểu Napoli, Italy), Americana (kiểu Mỹ), Ivy League (sinh viên)...

Vì vậy, người theo đuổi Sartorial có thể lựa chọn một nhánh phù hợp với cá tính, tỷ lệ cơ thể nhằm áp dụng hiệu quả.

"Không ít người nhầm tưởng rằng Sartorial bắt buộc phải là những bộ Âu phục cứng cáp. Họ đặt ra những tiêu chí quá khắt khe mà đâu biết rằng không phải mọi nhánh của Sartorial đều như vậy", anh bày tỏ.

Khôi Nguyên đề cao hình thái và tỷ lệ đối với một bộ đồ Âu phục may đo.

Trong đó, hình thái là những đặc điểm, hơi thở mà bộ đồ thể hiện. Đó có thể là chiếc áo vai rộng, eo siết của Vintage những năm 1930 hoặc áo vai suông, ngực khối tròn, quần ống rộng mềm mại, phóng khoáng của Neapolitan...

"Bạn có thể mặc nhiều kiểu Sartorial. Nhưng khi lựa chọn một nhánh nào, hãy tuân thủ đúng những tiêu chí của nó như chi tiết cắt may, màu sắc hoặc phụ kiện. Đó là cách chúng ta tạo ra một bộ trang phục Sartorial hoàn chỉnh", anh chia sẻ.

"Tôi mất khoảng 3 năm để hiểu rõ mình thích điều gì ở Sartorial. Sau đó, tôi tìm đọc tài liệu, sưu tầm những tấm hình hoặc catalog để nghiên cứu về phong cách mình yêu thích", anh nói thêm.

Còn theo Lê Thành Hưng (29 tuổi, Hà Nội), anh đề ra cho mình những tiêu chí chặt chẽ khi theo phong cách Sartorial. Không chỉ yêu cầu tiêu chuẩn cao về dáng cắt vải, chất liệu vải chính và vải lót, anh còn đòi hỏi sự chỉn chu đối với các phụ liệu như khuy, cúc, chỉ, dạ cổ, thậm chí cả hiệu ứng về bề mặt vải...

Anh cho rằng nhiều người mới bắt đầu theo đuổi phong cách này thường chưa chú tâm vào tỷ lệ và thiếu coi trọng chất liệu trang phục.

"Tôi nghĩ các bạn cần lựa chọn trang phục phù hợp với cơ thể, với hoàn cảnh, chú ý đến chất liệu và cách bảo quản món đồ của mình", Thành Hưng chia sẻ.

Thú chơi cần điều kiện tài chính

6 năm qua, Thành Hưng chi vài trăm triệu đồng cho những trang phục may đo cổ điển.

Ban đầu, anh chỉ tìm hiểu về phong cách này vì yêu thích vẻ ngoài lịch lãm, trang trọng. Đến hiện tại, phần lớn tủ đồ của anh là những bộ Âu phục may đo cùng phụ kiện retro (hoài cổ).

"Theo đuổi Sartorial càng lâu, người chơi càng tốn kém vì phải nâng cấp tủ đồ về số lượng, chất liệu và thương hiệu. Số tiền đầu tư cũng sẽ nhiều dần theo thời gian", anh chia sẻ.

Năm 2016, khi bắt đầu theo đuổi Sartorial, Thành Hưng đặt may bộ suit đầu tiên với giá 8 triệu đồng.

Sau đó, anh chi mạnh tay hơn với những bộ đồ được may đo kỹ lưỡng. Trung bình, anh tiêu tốn 20-50 triệu đồng để sở hữu một bộ suit chất liệu wool 100% (sợi dệt từ lông cừu).

"Nếu chỉ sử dụng chất liệu tổng hợp như wool pha polyester, giá thành của một bộ suit dao động 5-10 triệu đồng. Nhưng suit thôi là chưa đủ, tôi cũng phải mua thêm các phụ kiện đi kèm như giày, cà vạt, thắt lưng... Đây cũng là điều khiến nhiều người e ngại khi bắt đầu mặc Âu phục", anh cho biết thêm.

Trong khi đó, Nhật Tâm khẳng định mình tiêu tốn không ít "học phí" cho bộ môn thời trang Sartorial.

Theo đó, khi bắt đầu mặc Âu phục, anh không đầu tư cho đồ may đo mà thử sức với quần tây, áo sơ mi may sẵn. Một số món đồ không vừa vặn với cơ thể, anh đem đi chỉnh sửa. Đối với anh, đây là cách để "nhập môn" tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, rất nhiều món quần, áo sửa chữa vẫn không phù hợp với số đo cùng phong cách mà anh theo đuổi. Mỗi lần về nước, anh quyết định đầu tư cho những bộ suit may đo kỹ lưỡng nhằm có được diện mạo cổ điển chỉn chu, hoàn chỉnh nhất.

"Đến nay, tôi tiêu tốn đến vài trăm triệu đồng cho phong cách Sartorial. Trong đó, những bộ suit có giá đắt đỏ hơn cả, trung bình 30 triệu đồng/bộ. Tôi cũng có hơn 15 đôi giày tây để tiện phối đồ, đôi đắt nhất có giá 46 triệu đồng. Ngoài ra, các phụ kiện khác như thắt lưng, cà vạt, khăn tay..., tôi có nhiều không đếm xuể", Nhật Tâm bộc bạch.

Làm sao để đỡ ngại ngùng?

Tại Việt Nam, người trẻ mặc trang phục cổ điển với vest, suit, coat, giày Âu… trong công việc, cuộc sống đều không tránh khỏi tâm lý ngại ngùng trước đám đông.

Không ít người đặt câu hỏi phải làm sao để theo đuổi phong cách Sartorial mà vẫn phù hợp với hoạt động thường nhật.

Nhật Tâm từng trải qua tâm lý này. Anh cho biết một vài bạn trẻ khi mới tìm hiểu Âu phục cổ điển thường gồng mình với khuôn mẫu nhất định. Các bạn tìm đến xì gà, rượu Whisky để phù hợp với hình tượng mong muốn. Nhưng đây là điều không cần thiết.

"Nếu suit không phải là trang phục phù hợp cho đời sống hàng ngày, người chơi có thể mặc vào những dịp gặp mặt bạn bè, dự tiệc. Hãy cố gắng bắt đầu với áo khoác, quần tây, hoặc sơ mi xắn tay cùng quần âu và giày tây…", anh gợi ý.

Anh cũng đánh giá việc mặc suit hoàn toàn phù hợp vào những buổi hẹn hò sang trọng và thân mật, đây sẽ là một điểm cộng giúp bạn ghi điểm trong mắt đối phương.

thoi trang co dien anh 11

Nhật Tâm cho rằng người trẻ có thể mặc phong cách Sartorial đến những buổi tiệc hoặc buổi hẹn hò nhằm tránh tâm lý ngại ngùng.

Riêng Thành Hưng, anh cho rằng tại Việt Nam mọi người còn khá e dè với Âu phục, cho đây là những món đồ quá trang trọng, chỉ phù hợp cho lễ, Tết.

Tuy nhiên, không vì thế mà cộng đồng nam giới theo đuổi xu hướng thời trang này giảm đi. Họ bắt đầu tìm cách để khiến những trang phục như vest, suit, áo sơ mi, quần Âu trở nên phù hợp hơn trong cuộc sống thường ngày.

Khi đi chơi, Thành Hưng lựa chọn thay thế quần Âu bằng quần jean, thay sơ mi bằng áo polo, áo len, mặc áo khoác có những gam màu nổi bật, hoạ tiết kẻ ô…

Khi hẹn hò, anh dựa vào thời gian và địa điểm để lựa chọn trang phục phù hợp. Thông thường, anh chọn bỏ cà vạt, thay thế bằng khăn bỏ túi ngực jacket…

Tại Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, xu hướng nam giới đầu tư cho Âu phục cổ điển đang phát triển mạnh mẽ. Để đáp ứng nhu cầu đó, hàng loạt thương hiệu may đo cho đàn ông châu Á cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Các quốc gia này cũng lấy nguồn cảm hứng thời trang từ hai nước Anh và Italy, sau đó thay đổi một số chi tiết để phù hợp hơn với người phương Đông.

Theo đuổi trào lưu tự may quần áo tại nhà

Quần áo, túi xách hay phụ kiện đều có thể được người trẻ may tại nhà theo sở thích. Trào lưu này được ưa chuộng trên toàn thế giới trong thời gian qua.

Mỹ Trinh - Thiên Trang

Bạn có thể quan tâm