Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Theo đuổi trào lưu tự may quần áo tại nhà

Quần áo, túi xách hay phụ kiện đều có thể được người trẻ may tại nhà theo sở thích. Trào lưu này được ưa chuộng trên toàn thế giới trong thời gian qua.

trao luu may do tai nha anh 1

Sau hơn 2 năm mua chiếc máy may, Diệu Linh (23 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tự may mới và sửa chữa hàng chục món quần áo, phụ kiện cho riêng mình.

Đối với cô, đây là cách để giúp hạn chế mua sắm ngoài tiệm, đồng thời định hình gu thời trang cá nhân. Cô cảm thấy hào hứng khi diện trang phục DIY (Do It Yourself - tự làm) ra đường.

"Nhờ việc tự may đồ, tôi nhìn nhận rõ khuyết điểm cơ thể mình, biết lựa chọn dáng áo, quần phù hợp. So với trước đây, tôi hạn chế được lỗi mặc đồ không đúng với tỷ lệ cơ thể", Diệu Linh chia sẻ với Zing.

Cần đầu tư

Theo Diệu Linh, việc tự may quần áo không quá khó, nhưng đòi hỏi người nghiệp dư một quá trình học tập, thực hành kiên trì.

Cô đăng ký theo học một lớp bán chuyên tại trung tâm để hiểu về các bước cắt may cơ bản. Ở nhà, cô đọc sách, tham khảo video từ Internet nhằm có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong kỹ thuật lấy số đo, làm rập, tính khổ vải, cắt vải, dựng mẫu, may ráp cũng như hoàn thiện chi tiết.

"Các lớp học may có học phí dao động 7-70 triệu đồng tùy vào mục đích người học. Tôi chỉ học để may quần áo cá nhân nên chọn lớp ngắn hạn, chi phí trung bình", cô nói.

Linh cho rằng may vá tại nhà là thú chơi không quá đắt đỏ, đặc biệt khi cô có niềm yêu thích lớn đối với hoạt động này. Ngoài chi phí học tập, cô đầu tư thêm máy may và máy vắt sổ, phục vụ việc may đồ tại nhà một cách thuận tiện nhất.

"Tôi mua chiếc máy may với giá 5 triệu đồng tại cửa hàng thanh lý nhằm tiết kiệm, máy vắt sổ có giá tương tự. Nếu mua máy mới, số tiền chênh lệch là khá lớn. Tôi muốn dành số tiền này để mua vải, phụ kiện", cô giải thích.

Tương tự Diệu Linh, Phương Dung (23 tuổi, Phủ Lý, Hà Nam) cũng "tậu" một chiếc máy may gia đình để thỏa đam mê may vá tại nhà.

"Ban đầu, tôi mua máy may chỉ để thu nhỏ eo quần. Dần dần, tôi mang đồ cũ ra sửa thành dây buộc tóc, túi xách rồi bắt đầu lên Internet học thêm kiến thức may quần áo", cô tâm sự.

Đối với Phương Dung, cô không cần đổ nhiều tiền cho sở thích may vá bởi mua máy may cũ, đồng thời thường tận dụng vải từ quần áo có sẵn.

Tuy vậy, cô phải đầu tư khá nhiều thời gian để học hỏi, tập thực hành. Thực tế, cô mất thời gian dài để có thể chuyển từ việc may phụ kiện sang bước hoàn thiện chiếc áo đầu tiên.

Theo Phương Dung, để có được một sản phẩm may đo tại nhà, người may cần có số đo cơ thể hoặc ước lệ theo size tiêu chuẩn (S,M,L), sau đó làm rập, cắt vải và may theo rập.

Trong đó, thay vì tự vẽ rập, cô thường tải về và in ấn các mẫu có sẵn để đảm bảo nhanh chóng, chính xác hơn. Trên Internet, chỉ với thao tác tìm kiếm đơn giản, cô nhanh chóng tìm thấy nhiều mẫu mã rập đa dạng, thời thượng với các size khác nhau.

"Tôi theo đuổi phong cách tối giản, yêu thích những món đồ bằng vải linen hoặc cotton. Với mẫu rập có sẵn, tôi dễ dàng may được chiếc áo, váy đúng ý", cô bày tỏ.

Tiết kiệm và thể hiện cá tính

Việc tự may vá đối với Phương Dung không chỉ để thỏa sở thích mà còn giúp cô tiết kiệm khá nhiều tiền cho mua sắm.

"Trên thị trường, các sản phẩm làm từ chất liệu tốt như cotton 100% hoặc linen đều có giá đắt đỏ. Nhưng nếu tự mua vải và may đồ, chi phí chỉ rơi vào khoảng 40-50% so với giá tiệm, tôi để dành ra được khá nhiều tiền nhờ điều này", cô nói.

Ngoài ra, với những trang phục tự may hoặc sửa chữa từ đồ cũ, Phương Dung tự hào vì mình có thể tham gia vào xu hướng thời trang bền vững, góp phần bảo vệ môi trường. Cô không ngần ngại khẳng định mình là cá nhân mạnh mẽ phản đối nền công nghiệp thời trang nhanh.

Trong khi đó, đối với Bảo Nghi (22 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM), việc tự may quần áo là tiếng nói phản đối thời trang nhanh, đồng thời giúp cô định hình, thể hiện phong cách riêng.

Là sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang, cô có nhiều kiến thức để tự thiết kế, sáng tạo những trang phục độc đáo tại nhà. Những sản phẩm của cô có tính ứng dụng cao, được sử dụng trong các buổi dạo phố thường nhật hoặc dịp đặc biệt.

"Tự may đồ, tôi không còn sợ đụng hàng", cô hào hứng chia sẻ.

Bảo Nghi cho biết thêm cô không tuyệt đối bài trừ việc mua đồ tại cửa tiệm, nhưng sẽ chỉ đầu tư cho những sản phẩm xứng đáng, có thẩm mỹ và giá trị sử dụng lâu dài. Trong tương lai, cô sẽ tiếp tục gắn bó cùng chiếc máy may tại gia cùng những trang phục tự chế.

Cô thường xuyên đăng tải những thiết kế của mình lên mạng xã hội, mong muốn lan tỏa tinh thần tái chế thời trang và sáng tạo không ngừng.

trao luu may do tai nha anh 11

Đối với Bảo Nghi, việc tự may đồ giúp cô định hình phong cách cá nhân.

Không chỉ có thuận lợi

Sau khoảng 3 năm tìm hiểu và gắn bó với việc tự may quần áo tại nhà, Diệu Linh khá tự tin trước kiến thức cắt may bán chuyên của mình. Nhưng trước đó, cô cho biết mình gặp không ít sự cố ngoài ý muốn, phải đánh đổi bằng thời gian, công sức và tiền bạc.

Theo đó, trước khi sở hữu chiếc máy may hiện tại (từ năm 2020), cô từng mua nhiều loại máy may khác nhau với giá thành từ rẻ đến đắt. Tuy nhiên, không phải cứ loại máy giá thành cao là dễ sử dụng và mang đến chất lượng tốt nhất.

Máy móc, thiết bị cần phù hợp với nhu cầu sử dụng và khả năng vận hành của người may. Nếu không nắm được kỹ thuật và có kinh nghiệm chắc chắn, mọi người sẽ dễ làm hỏng vải, máy, dẫn đến việc khắc phục tốn kém.

Hơn hết, theo Diệu Linh, may vá thực sự là cuộc chơi của những người kiên nhẫn. Việc may một sản phẩm tại nhà không chỉ tốn công sức mà còn thời gian. Không ít lần, cô mệt mỏi vì quá trình làm rập, may ráp quá phức tạp.

"Nhiều bộ đồ, tôi phải đo đạc, chỉnh sửa rập hết lần này đến lần khác. Trong may vá, chỉ cần sai lệch một li, thành quả sẽ không thể như ý muốn. Mỗi công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ gần như tuyệt đối", Diệu Linh chia sẻ.

trao luu may do tai nha anh 12

Diệu Linh cho biết từng phải thay đổi nhiều máy may để tìm ra loại phù hợp.

Trong khi đó, theo Phương Dung, việc chọn vải cũng là khâu quan trọng khi "tay mơ" bắt đầu làm quen cùng may vá.

Mỗi loại vải có độ co giãn khác nhau. Một số loại có chất lượng kém hoặc chưa được xử lý đúng cách dễ gây co ngót hoặc nở giãn sau quá trình cắt may, là ủi. Điều này sẽ khiến kích thước bộ đồ biến dạng, không như tính toán ban đầu.

"Bên cạnh những kỹ thuật cắt may chính, chúng ta cũng cần biết cách sử dụng máy may thành thục và lựa vải. Đối với những ai mới học may, tôi nghĩ các bạn nên làm quen với các loại vải ít co giãn", cô nói.

Đồng thời, thêm một kinh nghiệm của Phương Dung là hãy tìm mua vải tại những khu chợ đầu mối để có được giá cả phù hợp. Trước khi mua, người may cần đo đạc kỹ lưỡng để mua kích thước vải hợp lý.

Còn đối với các phụ kiện đính kết, theo cô, các sàn thương mại điện tử là nơi có mẫu mã cùng giá thành tốt hơn.

Trào lưu toàn cầu

Không chỉ phổ biến tại Việt Nam, may quần áo tại nhà là trào lưu thời trang tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đối với nhiều bạn trẻ, việc đồng hành cùng chiếc máy may là một cách mới để "khuấy động" tủ đồ với những thiết kế mang đậm dấu ấn cá nhân.

Đầu năm 2022, làng thời trang thế giới chứng kiến từ sự trở lại của chất liệu len đan móc crochet. Đây hầu như là sản phẩm DIY, phần lớn được mọi người tự làm tại nhà trong đại dịch.

Theo tạp chí thời trang Vogue, DIY được lòng giới trẻ bởi những bộ đồ tạo ra là thành phẩm độc nhất, không đụng hàng. Trên các nền tảng, #handmadewardrobe (tạm dịch: trang phục tự may) có hơn 900.000 bài đăng.

Trang thương mại điện tử Amazon cũng ghi nhận doanh số bán ra các mặt hàng như dụng cụ, vật liệu tự nhuộm quần áo, thiết bị may tăng cao, bắt đầu từ tháng 3/2020.

Tại Anh, một đơn vị chuyên sản xuất đồ thủ công thống kê rằng họ đã bổ sung hơn 20 triệu mặt hàng mới về lĩnh vực may vá. Điều này minh chứng cho sự quan tâm ngày càng lớn của người trẻ Anh đối với DIY nói chung và may vá tại nhà nói riêng.

Người trẻ chi hàng chục triệu đồng học lặn biển, lướt sóng, dù lượn

Cuối tuần, bạn bè rất khó gặp được Kim Linh (TP.HCM). Cô gái 27 tuổi này dành toàn bộ thời gian nghỉ ngơi để tìm đến bãi biển, tham gia các môn thể thao như lặn biển, lướt sóng.

Mỹ Trinh - Uyên Vũ

Bạn có thể quan tâm