Thời gian cao điểm du lịch hè, cửa hàng xe đạp thể thao Bike Station (đường Trần Não, TP Thủ Đức) có lượng khách thuê, đăng ký bảo dưỡng, nâng cấp phụ kiện cao hơn bình thường 30-40%.
Quốc Quân (22 tuổi, nhân viên cửa hàng) cho hay từ sau giãn cách xã hội, chạy xe đạp trở thành trào lưu phổ biến.
Trước đây, các cửa hàng thường tập trung vào nhóm thích chơi xe đạp thể thao. Song thời điểm hiện tại, tệp khách được mở rộng, không phân biệt giới tính, độ tuổi.
"Dạo gần đây, chúng tôi làm việc cường độ cao hơn để phục vụ nhóm khách thích đạp xe dã ngoại mùa hè. Họ chọn dịch vụ 'độ' ngoại hình xe hoặc bảo trì các bộ phận nhằm đảm bảo an toàn trong suốt hành trình. Các đoàn tổ chức tour cũng thường thuê với số lượng lớn. Nhiều khách du lịch còn thích đạp xe khám phá thành phố", Quân nói với Zing.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm hiện tại, nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ cho người chơi xe đạp thể thao tại TP.HCM có lượng khách tăng cao.
Bên cạnh cho thuê, bảo dưỡng, một số tiệm còn chuyên tư vấn lắp ráp xe đạp thể thao. Không ít khách sẵn sàng chi vài chục tới vài trăm triệu để mua được chiếc xe độc, mang phong cách riêng.
Mạnh tay chi tiền
Để phục vụ nhu cầu đạp xe du lịch, tiệm nơi Quốc Quân làm việc cũng có dịch vụ cho thuê xe ngắn và dài hạn, tùy mong muốn của từng nhóm đối tượng. Phí thuê là 150.000 đồng cho 12 tiếng.
Những khách có nhu cầu sử dụng thường xuyên có thể chọn thuê theo tháng với giá 2,5 triệu đồng.
“Tôi nhận thấy khách sẵn sàng chi mạnh tay cho sở thích đạp xe. Doanh thu của các cửa tiệm như chúng tôi tăng cao nhờ các combo thuê, 'độ' thiết bị và bán phụ kiện như mũ, áo thể thao. Trong tuần này, chúng tôi có 10 đơn hàng lớn, mức giá khoảng 1-3 triệu đồng, khách sử dụng kết hợp nhiều dịch vụ”, Quân nói thêm.
Tiệm xe thể thao nơi Quốc Quân làm việc ghi nhận lượng khách thuê và bảo dưỡng xe tăng cao trong dịp hè. |
Ngoài khách địa phương, tiệm của Quân còn phục vụ nhu cầu của nhiều người nước ngoài sống tại khu vực Thảo Điền (TP Thủ Đức). Theo Quân, đa số khách ngoại quốc đến Việt Nam làm việc thường chủ động mang theo xe đạp cá nhân nên nhu cầu của họ chủ yếu là sửa chữa, nâng cấp phụ kiện.
Anh Phùng Nam Thắng (50 tuổi), chủ tiệm Độp Workshop (quận 5, TP.HCM), đã có 14 năm chơi xe đạp thể thao và 12 năm kinh doanh dịch vụ sửa chữa, custom (Tạm dịch: tư vấn và lắp ráp xe) theo nhu cầu của khách.
Anh cho biết suốt hơn 10 năm mở cửa, tiệm chưa bao giờ có bảng hiệu song lượng khách hàng vẫn tăng ổn định qua các năm và chủ yếu là khách quen.
"Tôi chơi xe đạp thể thao từ hồi trào lưu đi phượt mới nổ ra, chưa có nhiều người biết tới, phải tự mày mò ráp xe để chạy. Giờ nhu cầu tăng cao hơn rất nhiều và những người chơi lâu năm sẵn sàng bỏ số tiền lớn để 'độ' một chiếc xe 'độc', mang phong cách cá nhân", vị chủ tiệm nói.
Anh Nam Thắng cho hay để lắp ráp được một chiếc xe có cấu hình cơ bản phải tốn ít nhất 16-17 triệu đồng. Tiệm của anh từng custom những mẫu có giá trên dưới 50 triệu đến vài trăm triệu.
"Cách đây vài tuần, tôi có custom cho khách một chiếc xe có tổng chi phí trên 500 triệu đồng. Nó không chỉ đắt vì độ cao cấp mà còn bởi là hàng 'độc'. Sườn xe là phiên bản giới hạn, một năm hãng chỉ sản xuất 10 chiếc và rất khó đặt hàng. Các bộ phận xe là do khách tự đặt mua, chúng tôi chỉ tư vấn về kỹ thuật và lắp ráp", anh Nam Thắng kể.
Có những khách hàng của tiệm anh Nam Thắng chi hàng trăm triệu để sở hữu một chiếc xe "độc". |
Anh Nam Thắng nhận định hiện tại nhu cầu của khách chơi xe đạp thể thao ngày càng tăng, song nguồn cung không đủ đáp ứng do đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch bệnh.
Ngày trước, trung bình một chiếc xe khách đặt khoảng 3-4 ngày đã có hàng, hiện tại phải đợi cả tháng. Trước dịch, những phụ tùng đặc biệt cũng chỉ mất khoảng 3 tuần hàng sẽ về, còn bây giờ nhiều khi bên cung ứng thông báo xưởng đang tạm ngừng sản xuất, không thể đặt.
"Các cửa hàng cùng ngành cũng có sự liên kết với nhau, nếu thiếu hàng sẽ san sẻ và hỗ trợ cả về kỹ thuật. Đó cũng là một văn hóa khá hay giữa các bạn nghề", anh Thắng chia sẻ.
Khách "nhập môn" ngần ngại vì chi phí tăng
Với mỗi khách hàng, anh Thắng sẽ tư vấn lắp ráp theo nhu cầu và tài chính, mức tiền mà họ muốn đầu tư. Anh luôn khuyến khích khách chi số tiền tối thiểu để có được một chiếc xe với cấu hình cơ bản nhằm đảm bảo an toàn, sự thoải mái và có thể sử dụng lâu dài.
Theo anh Thắng, trong khi những khách chơi lâu năm vẫn giữ nhu cầu ổn định, lượng khách "nhập môn" chơi xe đạp thể thao đã giảm so với trong dịch.
"Thời gian giãn cách, đạp xe thể dục trở thành 'trend'. Nhưng đến khi mọi người trở lại guồng công việc, nhu cầu mua xe giảm mạnh. Một lý do nữa khiến người bắt đầu chơi môn này ngần ngại là bởi chi phí tăng cao", anh Thắng nói.
Anh giải thích nếu trước dịch, chi phí cho một chiếc xe cơ bản dành cho người mới chỉ khoảng 10 triệu đồng, nay con số đã tăng gần gấp đôi. Giá thành đắt đỏ hơn giống như một bước cản khiến nhiều người mới ngần ngại chi tiền, đặc biệt trong bối cảnh bão giá.
Những người mới đến với môn này thường chọn thuê xe theo giờ để trải nghiệm và tiết kiệm chi phí. Ảnh: Trang Minh. |
Với những người thích đạp xe thể thao để giải trí hay rèn luyện sức khỏe nhưng không có tài chính dư dả, thuê xe là lựa chọn phù hợp.
Từ sau giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng chuyên cho thuê xe đạp tại TP.HCM đều có lượng khách tăng đột biến. Giá thuê trung bình rơi vào khoảng 50.000-120.000 đồng cho 3 tiếng sử dụng.
Ngọc Thúy, quản lý tiệm cho thuê xe đạp The Bike Coffee (đường Trường Sa, quận 3), cho biết tiệm đã phải tăng số lượng xe để đáp ứng nhu cầu lớn. Đa số người chơi môn này là sinh viên, dân văn phòng và các gia đình muốn đạp xe giải trí hoặc rèn luyện sức khỏe.
Tiệm Cào Cào Adventures (đường Trần Nhật Duật, quận 1) cũng đã phải nhập thêm xe để phục vụ lượng khách tăng gấp nhiều lần so với trước.
Anh Huỳnh Quyết Thắng, admin CLB Cào Cào Adventure, cho biết phần lớn khách thuê là các bạn trẻ, mới làm quen với môn đạp xe.
"Khung giờ cao điểm thuê xe thường là khung 6-8h và 16-17h. Các bạn chủ yếu đạp xe xung quanh các quận trung tâm để ngắm nhìn thành phố hay chụp ảnh check-in", anh Quyết Thắng cho hay.