Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nhiều công dân laptop ngồi 8 tiếng, gọi một ly nước tại quán cà phê

Mỗi tháng, Lan Chi dành khoảng 8% thu nhập cho các quán cà phê. Nhiều lần, cô e ngại thái độ của nhân viên quán nên gọi 2 ly nước kèm bánh ngọt.

cong dan laptop anh 1

Bước ra khỏi quán cà phê trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM), Nguyễn Ngọc Lan Chi (22 tuổi, TP.HCM) cho biết nhất định không bao giờ quay trở lại. Thái độ "đuổi khéo" của nhân viên cộng với tốc độ Wi-Fi chậm chạp khiến trải nghiệm của nữ nhân viên thiết kế không như mong đợi.

"Theo tôi, mức giá 45.000 đồng/món trở lên đã bao gồm cả kinh doanh nước uống và không gian. Có nhiều quán, tôi ‘một đi không trở lại’ vì nhân viên dường như rất khó chịu với khách hàng mang theo laptop", Chi chia sẻ cùng Zing.

Tìm nơi làm việc

Nếu bạn bè phải đi làm tại công sở 6 ngày/tuần, Chi chỉ cần đến công ty 2 ngày để họp và tiếp nhận nhiệm vụ. Thời gian còn lại, cô và chiếc laptop có mặt tại quán cà phê.

cong dan laptop anh 2

Lan Chi làm việc ở quán cà phê 4 ngày/tuần.

Làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, cô thường chọn những nơi có không gian mở, rộng rãi, ghế êm, nhiều cửa sổ và ánh sáng tự nhiên.

Ngoài ra, nhiệt độ của máy lạnh và cách bố trí ổ cắm điện cũng là 2 tiêu chí mà cô quan tâm.

Mỗi tháng, "công dân laptop" này dành ra trung bình 600.000-800.000 đồng cho tiền cà phê, chiếm khoảng 8% thu nhập.

"Làm việc tại nhà, tôi cảm thấy hơi ngột ngạt và bí bách nên tìm ra những không gian thoáng để sáng tạo. Khi có dự định ngồi lâu tại quán, tôi thường gọi thêm một phần nước hoặc bánh. Tôi ngần ngại phản ứng không vui của nhân viên khi tôi ngồi quá lâu mà chỉ gọi một món đồ", cô thở dài.

Tương tự Lan Chi, Võ Kim Anh (25 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng khá ngần ngại nếu vô tình chọn nhầm quán cà phê không phù hợp với người làm việc. Trong đó, thái độ của nhân viên chính là điều cô bận tâm nhất.

Ít nhất 2 lần, cô từng bắt gặp thái độ không thiện chí từ nhân viên khi mình đến quán cùng chiếc laptop.

"Nhìn xung quanh, tôi thấy bạn nhân viên của quán đi rót nước lọc tại từng bàn, nhưng lại bỏ qua bàn tôi. Đến khi tôi lên tiếng xin thêm nước, bạn ấy mới đến và nói 'Em tưởng chị sắp về'", cô kể lại.

Theo Kim Anh, cô biết rằng không phải tất cả quán cà phê đều hướng tới nhóm khách hàng làm việc như mình. Vì vậy, cô không phản ứng hoặc chê trách thái độ phục vụ của nhân viên, chỉ âm thầm cho tên quán vào "black list" và không quay lại về sau.

cong dan laptop anh 3

Kim Anh e ngại thái độ của nhân viên khi mình làm việc lâu tại quán mà chỉ gọi một món đồ.

Trong khi đó, điều khiến Vũ Trung Anh (27 tuổi, TP.HCM) e ngại khi làm việc tại quán cà phê chính là không có người giúp coi đồ khi mình phải vào phòng vệ sinh.

Trước đây, anh từng đọc thông tin về một khách hàng mất laptop tại quán cà phê cao cấp sau vài phút đi vệ sinh. Từ đó, anh có tâm lý đề phòng mất mát tài sản mỗi khi làm việc một mình tại quán.

Gần đây, anh thường ngồi tại quán cà phê bên trong khách sạn 4 hoặc 5 sao. Theo anh, giá tiền cho mỗi ly đồ uống ở đây cao hơn so với quán thông thường, nhưng đổi lại được không gian yên tĩnh cùng dịch vụ chu đáo.

"Mỗi khi có việc cần rời khỏi chỗ ngồi, tôi đều có nhân viên giúp để ý đồ đạc. Ở các quán ngoài, nhân viên cũng hỗ trợ như vậy nhưng đôi khi không thể chú ý toàn bộ vì đông khách. Giá tiền cà phê tại khách sạn cũng nhỉnh hơn, dao động từ 120.000/ly", anh nói.

Chủ quán hy vọng sự thông cảm

Bước vào giai đoạn mùa hè nắng nóng, các quán cà phê đón số lượng người ôm laptop đông hơn. Nhiều người mong muốn làm việc trong không gian thoáng đãng, đẹp mắt và có điều hòa mát mẻ.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều người nhắc lại vấn đề gây tranh cãi: Khách hàng ngồi nửa ngày trong quán nhưng chỉ gọi một món đồ.

Trên mạng xã hội, một số chủ quán than thở về câu chuyện nêu trên. Họ cho biết không ít khách hàng đến quán với chiếc bánh mì mua sẵn, gọi ly cà phê 30.000-50.000 đồng và ngồi 8 giờ liên tục.

Vài chủ quán khác lại nói về việc khách làm ồn vì gọi điện hoặc họp online. Không ít người còn thản nhiên gọi đồ ăn từ bên ngoài và nằm ngủ trưa.

Phạm Hoàng Tùng, đại diện chuỗi cà phê Hầm Trú Ẩn (Hà Nội), cho biết "công dân laptop" là một trong những tệp khách hàng quan trọng mà quán mình hướng đến. Do thời tiết nắng nóng và xu hướng làm việc từ xa sau dịch, nhóm khách ngồi lâu 7-8 tiếng tại chuỗi của anh tăng lên đáng kể.

"Khi bắt đầu mở quán, chúng tôi đã xác định rằng có vị khách ngồi nhanh, nhưng cũng sẽ có người ngồi lâu đến nửa ngày. Nếu khi một ai đó ngồi lại quán rất lâu, chúng tôi lại lấy đó làm niềm vui bởi mình có thể mang tới cho họ không gian phù hợp cùng cảm giác thoải mái", anh nói.

Tuy nhiên, Tùng cho rằng nếu khách hàng có việc cần xử lý và ngồi lâu tại quán của anh, họ có thể cân nhắc gọi thêm đồ uống hoặc đồ ăn. Việc này giúp họ có thêm năng lượng, tinh thần làm việc, đồng thời hỗ trợ quán có thêm doanh thu.

"Thực tế, nhóm khách hàng làm việc tại quán đều rất lịch sự, văn minh. Đôi lúc, có một số bạn gây mất trật tự, tự ý di chuyển đồ đạc hoặc ổ điện của quán, nhưng đều tỏ ra thiện chí khi được nhân viên nhắc nhở", anh cho hay.

cong dan laptop anh 6

Quán cà phê Early Morning - Tea & Coffee dự kiến tăng giá sản phẩm do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Lê Thụy Vy, chủ tiệm cà phê Early Morning - Tea & Coffee (quận Phú Nhuận, TP.HCM), cũng cho biết quán của mình có riêng không gian trên lầu 2 để phục vụ đối tượng khách hàng làm việc. Khu vực này được bố trí nhiều ổ điện, có Wi-Fi mạnh cùng nhiệt độ máy lạnh hợp lý.

Quán không có quy định về thời gian sử dụng dịch vụ hoặc phụ thu đối với khách hàng ngồi lâu. Tuy nhiên, theo quan sát của cô, khách hàng làm việc thường chủ động gọi thêm nước hoặc bánh ngọt sau vài tiếng.

"Thời tiết gần đây khá nóng nên ai cũng ngại di chuyển. Một số bạn đến quán tôi ngồi để hẹn gặp nhiều đối tác. Tôi không khó chịu trước việc này", cô nói.

Song Vy cũng cho biết khó khăn hiện tại của quán là nguyên liệu tăng giá khá cao, khó nhập khẩu, đứt hàng vì lạm phát. Đối mặt với tình hình này, quán dự định nâng giá một vài món để giữ nguyên chất lượng hiện tại.

Cô gái ngày làm kiến trúc sư, tối nhảy hip hop

Đối với Vũ Thị Thuỳ (sinh năm 1996) mỗi ngày trôi qua đều chứa đựng nhiều màu sắc khi cô có thể sống với hai đam mê lớn: kiến trúc và nhảy múa.

Thục Hạnh - Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm