Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Công dân laptop đến bar, pub làm việc

Mô hình quán cà phê làm việc vốn phát triển mạnh mẽ nhiều năm qua, nhưng đến nay không còn hấp dẫn đối với nhiều "công dân laptop".

di bar lam viec anh 1

21h tối thứ 6, Hoàng Tuấn (23 tuổi, TP.HCM) miệt mài với chiếc laptop bên trong một quán pub tại trung tâm quận 1. Tiếng nhạc jazz vang lên nhè nhẹ, trên bàn là một ly cocktail còn chưa nhấp môi, anh vừa làm việc, vừa đợi bạn đến như đã hẹn.

Hoàng Tuấn tự nhận mình là người thích đồ uống có cồn thay vì cà phê, nước ép. Đó là lý do anh lui tới quán rượu này thường xuyên. Tính chất công việc luôn phát sinh sự cố cần xử lý gấp, nơi này cũng trở thành không gian để anh làm việc.

Đắt gấp 10 lần ngồi làm việc ở quán cà phê

Không gian thoáng, âm nhạc mở vừa phải là những tiêu chí hàng đầu khi Hoàng Tuấn lựa chọn quán bar, nhà hàng để làm việc. Trung bình mỗi lần lui tới, anh tiêu tốn khoảng 400.000 đồng cho một ly đồ uống và thêm 300.000 đồng cho phần ăn tối.

di bar lam viec anh 2

Hoàng Tuấn thường chi trả 400.000-700.000 đồng cho mỗi lần làm việc tại bar.

"Số tiền này thậm chí gấp 10 lần so với ngồi làm việc tại quán cà phê, nhưng tôi muốn thay đổi không khí nên chấp nhận", anh giải thích.

Chia sẻ với Zing, Tuấn cho biết nếu có nhiều việc cần làm, anh thường đến quán bar, pub một mình hoặc chỉ rủ thêm một người bạn.

Còn những ngày chỉ muốn vui chơi, anh sẽ không mang theo laptop, "mặc kệ" công việc để tránh ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn bè.

Tương tự Hoàng Tuấn, Phương Trúc (24 tuổi, TP.HCM) cũng làm việc ở quán bar, pub với tần suất khá dày đặc, khoảng 10 lần mỗi tháng.

"Quán cà phê quá đông đúc, nhiều khi người xung quanh trò chuyện, cười đùa lớn tiếng khiến tôi không thể tập trung làm việc. Quán pub quen thuộc với không gian yên tĩnh, nhạc nhẹ là địa điểm hợp lý hơn đối với tôi", cô nói.

Phương Trúc thường dành trọn buổi tối, từ khoảng 20h đến 0h, để làm việc và vui chơi tại quán.

"Đi một mình, tôi nói chuyện cùng bartender. Còn nếu đi cùng bạn, tôi vừa làm, vừa tán gẫu. Mỗi buổi tối như vậy, tôi tiêu tốn khoảng 400.000-800.000 đồng".

Nữ nhân viên cho rằng làm việc tại quán pub không hề khiến cô phân tâm.

di bar lam viec anh 3

Mỗi tháng, Phương Trúc làm việc tại quán bar khoảng 10 lần.

Thay vào đó, cô có "mood" làm việc hơn nhờ một chút cồn. Tuy nhiên, nếu nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối, cô sẽ chọn một món mocktail không cồn nhằm giữ đầu óc tỉnh táo.

Cả Phương Trúc và Hoàng Tuấn đều cho biết có một số quán bar, nhà hàng không phù hợp cho dân ôm laptop.

Để tránh những trải nghiệm không tốt so với số tiền bỏ ra, cả hai luôn tìm đến các quán quen để có thể tận hưởng đồ uống ngon, đồ ăn hợp khẩu vị và được nhân viên hỗ trợ nhiệt tình như giữ đồ, di chuyển ổ cắm sạc, sắp xếp vị trí ngồi ưu tiên…

Quán bar thay đổi để phục vụ thêm khách hàng

Đối với nhiều người, quán bar, pub hoặc lounge luôn được định nghĩa là nơi để vui chơi, giải trí thay vì phục vụ cho mục đích làm việc vì quá ồn ào, đắt đỏ.

Tuy nhiên, giờ đây, không ít "công dân laptop" lại lựa chọn những địa điểm này để chạy deadline hoặc hoàn tất những dự án dang dở. Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ với nhau các địa chỉ bar, pub để làm việc kèm theo nhận xét chi tiết về không gian, âm nhạc, giá thành và chất lượng đồ uống.

di bar lam viec anh 4

Quán Manfolk mở rộng bàn quầy bar phục vụ nhóm khách mang theo laptop.

Nắm bắt xu hướng này, nhiều quán bar, pub tại TP.HCM chấp nhận thay đổi thiết kế, mở rộng mô hình kinh doanh nhằm phục vụ đối tượng khách hàng làm việc.

Thay vì chỉ bày bán đồ uống có cồn, họ chuyển sang hình thức "Coffee - Cocktail Bar" (bán cocktail và cà phê) hoặc "Kitchen and Bar" (bar và nhà hàng).

Đa phần quán bar này đều thiết kế không gian thoáng mát, rộng rãi, cung cấp các món ăn Á, Âu cùng đồ uống đa dạng (có cồn hoặc không có cồn) tùy theo yêu cầu khách hàng.

Trao đổi với Zing, Huỳnh Hiếu, chủ quán bar Manfolk (quận 1, TP.HCM), cho biết lượng khách hàng đến quán mình làm việc là tương đối nhiều, đặc biệt vào các ngày trong tuần.

Quán mở cửa từ 8h30 đến 0h mỗi ngày. Vào khung giờ buổi sáng, chiều, anh chủ yếu phục vụ khách hàng dùng laptop. Họ có thể gọi rượu hoặc cà phê, làm việc tại bàn riêng hoặc bên cạnh quầy bar.

"Thời điểm này, chúng tôi mở nhạc ở âm lượng vừa phải. Dân laptop cũng rất có ý thức, họ sẽ ra ngoài nếu có điện thoại hoặc cần họp online, hầu như không làm ảnh hưởng đến người xung quanh", Hiếu cho hay.

Ngoài ra, để hỗ trợ tệp khách hàng làm việc ngày càng đông, Hiếu thậm chí còn cho mở rộng mặt bàn quầy bar, giúp khách thoải mái để máy tính, bút viết, iPad, sổ sách…

di bar lam viec anh 5

Quán Lost - Drink & Chill đón số lượng "công dân laptop" ngày một đông.

Tương tự, Lê Long, chủ quán bar Lost - Drink & Chill (quận 1, TP.HCM), quyết định mở cửa quán từ 15h, thay vì 18h như trước đây. Nhóm khách hàng làm việc, bận rộn gia tăng trông thấy chính là lý do khiến anh thay đổi hoạt động như vậy.

Dù chạy theo xu hướng kinh doanh này, tuy nhiên, Long cho rằng bar và pub vẫn không phải là địa điểm lý tưởng để làm việc.

"Theo tôi, nếu khách hàng gặp công việc đột xuất tại quán bar, họ có thể mở máy tính để xử lý. Nhưng bar là không gian để thư giãn, xả stress và tán gẫu, tôi khuyến khích khách hãy tận hưởng hết mình hoặc làm xong việc hãy đến bar để có một buổi tối trọn vẹn nhất", Long chia sẻ.

Nhiều công dân laptop ngồi 8 tiếng, gọi một ly nước tại quán cà phê

Mỗi tháng, Lan Chi dành khoảng 8% thu nhập cho các quán cà phê. Nhiều lần, cô e ngại thái độ của nhân viên quán nên gọi 2 ly nước kèm bánh ngọt.

Mỹ Trinh

Bạn có thể quan tâm