Gia đình và bạn bè luôn cảm thấy khó hiểu khi thấy Trần Quang Anh (sinh năm 1995, quận Bình Thạnh, TP.HCM) mang theo laptop trong mỗi chuyến du lịch.
Nhưng với nhân viên thiết kế này, đó không phải điều gì lạ lẫm. Nhiều năm qua, dù trong ngày nghỉ phép, anh đều chuẩn bị tinh thần sẽ bị sếp giao việc.
"Tôi vừa ngồi trên xe khách, bãi biển, quán ăn, vừa mở máy tính chỉnh file là chuyện bình thường", anh chia sẻ với Zing.
"Em ơi"
Quang Anh làm việc cho một agency quảng cáo, thuộc bộ phận thiết kế hình ảnh. Anh cho biết công ty mình có chế độ nghỉ phép 14 ngày/năm, sếp cam kết không phân công nhiệm vụ trong những ngày này.
Nhưng trên thực tế, những tin nhắn “em ơi”, “gấp, gấp”, “chịu khó giúp anh” vẫn liên tục được sếp gửi đến.
“Đó thường là yêu cầu sửa file hoặc làm nốt phần việc dang dở. Mỗi phần việc này không tốn quá nhiều thời gian nên tôi chấp nhận làm nhanh để không ảnh hưởng đến tiến độ chung”, anh nói.
Cũng theo Quang Anh, không phải lúc nào mình cũng bị “dí” deadline vào các kỳ nghỉ. Hầu hết nhiệm vụ chỉ phát sinh anh chưa hoàn thành hết công việc hoặc khách hàng yêu cầu hỗ trợ gấp. Như chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm vừa qua đến Phú Quốc, anh không nhận tin nhắn công việc nào từ sếp và đồng nghiệp.
Tuy vậy, lời dặn “Nhớ online, đừng để lỡ tin nhắn!” của sếp trước chuyến đi vẫn làm anh căng thẳng, thấp thỏm.
“Đi đâu, tôi cũng mang theo laptop và bộ phát wifi trong balo, bố mẹ tôi thường phàn nàn tại sao xin nghỉ phép rồi mà công ty vẫn bắt làm việc. Tôi giải thích nhưng không ai hiểu”, Quang Anh nói.
Tương tự, Duy Khánh (25 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) mô tả cuộc sống của mình không bao giờ rời các bản vẽ và laptop cá nhân.
Cuối tuần, ngày nghỉ, gia đình có việc riêng, thậm chí ốm bệnh, anh luôn phải sẵn sàng nhận và trả deadline cho sếp.
"Cả nhà đi Huế, thưởng thức món bánh bèo, bánh nậm ở một quán địa phương. Tôi cũng đi cùng, ăn cùng, nhưng ngồi một góc để rep mail, chỉnh bản vẽ sếp gửi. Chị nhắn cần gấp, khách feedback trễ nên nhờ tôi cố gắng giúp", Khánh kể.
Đến ngày cả nhà đi tour Đại Nội, lăng tẩm, để bố mẹ và em gái đi, anh kiếm một quán cà phê, dựng nốt bản vẽ theo yêu cầu "gửi lại trong ngày".
Khi gia đình chuyển địa điểm sang bãi biển Lăng Cô, Duy Khánh chỉ tham gia được bữa ăn tối, còn giờ tắm biển, anh ngồi trong phòng gõ laptop.
"Nghỉ phép nhưng sếp dí deadline tôi đến tận bãi biển, quán ăn. Người yêu, gia đình, bạn bè, thậm chí chính tôi cũng đã quen với việc này. Nhưng lâu ngày, cảm giác mệt mỏi và quá tải khiến tôi tự hỏi mình có cần thiết phải hy sinh mọi thứ vì công việc đến thế không", Khánh nói.
Luôn phải online
Tương tự Quang Anh, Vũ Hồng Nhung (sinh năm 1994, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng luôn được sếp dặn phải online, không được tắt thông báo ứng dụng chat khi đi du lịch, có việc gia đình.
“Vừa xuống khỏi máy bay, điện thoại của tôi đã rung liên tục với các thông báo tin nhắn và tag tên. Tôi suy nghĩ liệu mình có quên xin nghỉ phép hay không”, cô nói.
Hồng Nhung là quản lý cấp trung của một công ty truyền thông. Trên thực tế, cô không có ngày nghỉ phép hoàn toàn bởi phải theo sát bộ phận, nhân sự của mình. Nếu muốn du lịch vài ngày hoặc có việc cần nghỉ, cô phải nhờ đồng nghiệp cùng cấp trực thay, sau đó về “trả nợ”.
Nhưng kể cả đã xin đổi lịch làm việc, Hồng Nhung vẫn phải chịu trách nhiệm với cấp quản lý cao hơn. Bạn bè quen với hình ảnh cô vừa mặc bikini, vừa nhắn tin trình bày công việc với sếp hoặc diện chiếc váy xinh nhưng vẫn đeo thêm balo laptop của mình.
“Sếp biết tôi xin nghỉ nhưng vẫn yêu cầu phải họp, báo cáo công việc như bình thường. Có lần, sếp còn gợi ý tôi vừa đi du lịch, vừa tranh thủ giúp sếp gặp gỡ đối tác ở địa phương. Tất nhiên, tôi từ chối”, cô cho hay.
Theo Hồng Nhung, cấp quản lý như mình càng khó nghỉ phép hơn so với nhân viên. Sau 7 năm đi làm, cô chỉ có 2 chuyến du lịch được nghỉ ngơi trọn vẹn, không cần quan tâm đến công việc. Và đó chỉ vào mỗi lần cô xin nghỉ việc.
“Nhiều lúc tôi cảm thấy đi du lịch chỉ là thay đổi nơi làm việc mà thôi vì sếp liên tục tag tên, nhắn tin, gọi điện. Khi tôi nói đang trong ngày nghỉ phép, sếp cho biết cấp quản lý không nên dồn phép 2-3 ngày liên tiếp như vậy”, cô kể lại.
Nhiều bạn trẻ phải quen thuộc với cảnh làm việc trong khách sạn, quán ăn, bãi biển... khi đi du lịch. |
Sếp không có kỳ nghỉ, và nhân viên cũng vậy
Bị sếp yêu cầu phải hoàn thành khối lượng công việc gấp đôi trước khi nghỉ phép chính là giọt nước tràn ly khiến Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1997, quận 7, TP.HCM) quyết định xin nghỉ việc.
Theo đó, cuối năm 2021, cô xin nghỉ phép 7 ngày để về quê và đi du lịch, giải tỏa tâm lý sau nhiều tháng giãn cách xã hội do dịch bệnh. Phương cam kết sẽ hoàn thành hết các nhiệm vụ trước khi nghỉ, bàn giao phần việc của mình cho đồng nghiệp cùng nhóm.
Nhưng với sếp, như vậy là không đủ.
“Tôi xin nghỉ phép trước một tháng. Ban đầu, sếp nói cần phải suy nghĩ, chưa thể đồng ý ngay. Sau đó, chị cho biết tôi phải làm thêm việc rồi mới được nghỉ vì ‘ai cũng có việc để làm, đâu rảnh mà làm thay cho em’.
Tôi nói về quy định nghỉ phép 12 ngày/năm, sếp liền trả lời: ‘Trước giờ chị chưa duyệt cho ai nghỉ phép liền 7 ngày để đi chơi như em cả. Ngay cả chị cũng không dám nghỉ như thế’”, cô kể lại.
Lời nói của sếp khiến Phương hoang mang bởi hợp đồng không hề có quy định như vậy. Ngày hôm sau, cô gọi điện cho sếp xin nghỉ việc.
“Tôi xin nghỉ vì nhận thấy quyền lợi của mình không được đảm bảo và cách xử lý vấn đề của sếp không phù hợp. Xin nghỉ là quyền lợi của nhân viên nhưng tại sao tôi không được quyền dùng ngày nghỉ của mình?”, cô nói.
Chuẩn bị cho ngày nghỉ ngơi
Theo Harvard Business Review, cứ 10 nhân viên văn phòng lại có 3 người đang làm việc 12-15 tiếng mỗi ngày, không phân biệt cuối tuần, ngày lễ, ngày nghỉ phép. Ranh giới này càng trở nên mỏng manh hơn khi Covid-19 tập cho chúng ta thói quen làm việc từ xa.
Nghỉ phép là quyền lợi chính đáng của mỗi người. Và để có được một kỳ nghỉ thoải mái, thư giãn hoàn toàn và không làm ảnh hưởng đến công việc chung, mỗi nhân sự nên sắp xếp công việc hợp lý, rõ ràng trước khi lên đường, theo CBS News.
Đầu tiên, hãy chuẩn bị cho kỳ nghỉ trước ít nhất 3 tuần, báo cáo với sếp từ sớm để có sự chuẩn bị, thay thế nhân sự.
Thứ hai, nới deadline tránh xa ngày nghỉ. Trước khi nghỉ, bạn nên dành thời gian xem qua các đầu việc đang đảm nhiệm. Nếu việc nào có thời hạn trước ngày nghỉ phép dự định, hãy ưu tiên hoàn thành.
Sự chuẩn bị, sắp xếp giúp nhân sự tận hưởng kỳ nghỉ thoải mái. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
Thứ ba, bàn giao, trao đổi công việc với đồng nghiệp và khách hàng. Một trong những điều thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đi làm là biết sắp xếp để sự vắng mặt của mình không ảnh hưởng đến công việc chung.
Và cuối cùng, hãy giữ liên lạc với đồng nghiệp khi cần thiết. Nên hiểu rằng dù muốn dù không, bạn vẫn luôn có một công việc ở nhà với nhiều vấn đề cần giải quyết kịp thời. Vì vậy, bạn nên cho đồng nghiệp biết cách thức liên lạc phòng khi có chuyện khẩn cấp.
Nếu sắp xếp hợp lý, có sự trao đổi với người liên quan và ưu tiên cho chất lượng chuyến đi, bạn hoàn toàn có thể có những phút nghỉ ngơi của riêng mình.