Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Người trẻ TP.HCM dành kỳ nghỉ lễ để chạy deadline

Không có kế hoạch đi chơi xa dịp lễ 30/4-1/5, Hải My (27 tuổi) chủ động nhận thêm các dự án bên ngoài để làm suốt 4 ngày nghỉ.

lam viec trong le anh 1

Nhiều người chọn làm việc trong kỳ nghỉ lễ.

Hơn 3 năm nay, Phan Vũ Hải My (27 tuổi), content creator làm việc tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), không có khái niệm du lịch dịp lễ. Sau nhiều lần trải nghiệm cảnh chen chúc, chặt chém ở những điểm du lịch nổi tiếng, cô quyết định ở lại thành phố trong các dịp lễ lớn.

"Công việc khá linh động thời gian nên ngoài các dự án trong công ty, tôi còn nhận thêm job ở ngoài. Không có kế hoạch đi chơi dịp lễ, tôi thường tranh thủ những ngày không bị sếp réo tên để làm các dự án riêng. Chạy deadline trong kỳ nghỉ, tôi có thể tập trung hơn và dư dả thời gian lên kế hoạch đi chơi sau lễ", Hải My nói.

Không chỉ riêng Hải My, nhiều người trẻ ở TP.HCM cũng lựa chọn làm việc xuyên kỳ nghỉ để có mức thu nhập cao hơn, hoặc tranh thủ hoàn thành các deadline còn dang dở. Một số người do đặc thù ngành dịch vụ phải hoạt động trong các ngày lễ nên chọn nghỉ ngơi sau đợt cao điểm.


Chạy deadline

Hải My cho biết đợt 30/4-1/5 năm nay được nghỉ khá nhiều ngày nhưng có nhiều lý do khác nhau khiến cô muốn làm việc xuyên lễ. Quê ở khá xa, các điểm du lịch gần như Đà Lạt hay Vũng Tàu đều được dự báo sẽ quá tải nên cô không mặn mà rời thành phố.

Nhóm bạn thân và đồng nghiệp của cô gái 27 tuổi cũng nhiều người không đi du lịch xa mà chỉ vui chơi trong thành phố, hoặc cũng chọn "cày cuốc" như cô.


Vào dịp lễ, nhiều bạn trẻ tới các quán cà phê để làm việc.

"Các đợt lễ, văn phòng đóng cửa nên tôi thường chọn ra quán cà phê ngồi làm việc. Tôi thường hẹn bạn ra đó cùng ngồi làm, vừa có người nói chuyện và cùng nhau đi ăn sau đó".

Tuy vậy, vào dịp lễ, các quán cà phê sẽ đông khách và có phần ồn ào hơn. Một điểm bất tiện khác là đa số quán cà phê gần nhà chỉ mở tới 22h30-23h nên cô phải đi xa hơn để tìm các quán mở tới sáng cho những người chuyên ngồi chạy deadline.

"Nghỉ lễ 4 ngày, tôi dự định sẽ làm việc 3 ngày, còn ngày cuối cùng của kỳ nghỉ sẽ hẹn bạn bè đi ăn uống và dạo chơi, check-in ở một số điểm nổi tiếng trong thành phố. Đó như một cách để 'sạc' lại tinh thần, sẵn sàng quay lại guồng cuộc sống thường ngày".

"Nộp hết deadline trước lễ nhé" là câu thông báo của sếp Mai Quỳnh Thư (26 tuổi, làm tại công ty bất động sản). Một tuần trước kỳ nghỉ, nhóm của cô được giao cho một loạt task cùng yêu cầu "gấp", "cần ngay", "yêu cầu có sớm".

Làm trong ngành đang tăng trưởng nóng, công việc của Quỳnh Thư gần như không có ngày nghỉ. Không chỉ cô và đồng nghiệp, sếp cũng làm thêm giờ liên tục, deadline nối tiếp nhau để phục vụ đối tác.

"Không bao giờ có nghỉ lễ. Thậm chí Tết vừa rồi, vì làm việc với công ty ở Mỹ, cả nhóm chỉ có đêm 30 và sáng mùng 1 là không ôm laptop. Đôi khi, tôi thấy ngượng với gia đình, người yêu. Dịp 30/4 này cũng vậy, tôi tính sẽ làm việc xuyên lễ. Chỉ cần 1-2 ngày dừng làm việc, khối lượng deadline sẽ dồn lại, ảnh hưởng tới những nhóm khác", Quỳnh Thư giải thích.

lam viec trong le anh 2

Trang Hoàng dành kỳ nghỉ lần này để hoàn thành các dự án còn dang dở. Ảnh: NVCC.

Dịp lễ này, Bùi Trang Hoàng (23 tuổi), nhân viên tại một đơn vị truyền thông, cũng chọn tiếp tục theo đuổi dự án còn dang dở thay vì nghỉ ngơi.

Cô cho biết công ty không yêu cầu làm việc nhưng bản thân muốn tranh thủ giải quyết các đầu việc, tránh tồn đọng lâu ngày.

“Trước đây, đợt lễ 30/4-1/5 nào tôi cũng đi chơi cùng gia đình, bạn bè. Giờ tôi đã thành nhân viên chính thức nên cắt giảm thời gian giải trí để chuyên tâm làm việc. Tôi và các đồng nghiệp thường tham gia làm kịch bản, đi quay phim nên toàn phải chạy deadline trong dịp cuối tuần cũng như ngày lễ. Ban đầu cũng có chút vất vả nhưng giờ tôi đã quen với cường độ này rồi”, Trang Hoàng nói.

Dù vậy, Hoàng thừa nhận vẫn thấy hơi buồn khi thấy hình ảnh check-in, vui chơi của bạn bè trong những ngày nghỉ. Cô chọn “vùi đầu” vào công việc nhằm giảm sự chú ý vào các hoạt động giải trí khác.

“Ba mẹ vẫn nhắc tôi đừng quá tập trung làm việc, dành thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Chắc sau đợt deadline này tôi sẽ dành 1-2 ngày nghỉ ngơi để đi chơi bù với cả nhà”, Hoàng nói thêm.


Làm việc xuyên kỳ nghỉ

Làm việc tại một quán cà phê 24h, Hạnh Hoàng (22 tuổi) cho biết nghỉ lễ luôn là dịp cao điểm, khách rất đông nên cô và các đồng nghiệp thường không xin nghỉ. Mức lương gấp 3 lần cộng với hoa hồng dựa trên doanh thu cũng là động lực khiến cô cố gắng làm việc xuyên lễ.

"Trước lễ vài tuần, quản lý và các nhân viên đã họp để xem những ai sẽ làm việc, ai muốn nghỉ để có thể bố trí lịch hợp lý nhất. Vì quán mở xuyên đêm nên nhân viên chia làm 3 ca trực. Đợt này, chỉ có 2 bạn xin nghỉ để đi chơi, còn lại đều sẵn sàng làm việc".

Hạnh Hoàng cho hay vì nhà ở Vĩnh Long, đi về khá gần nên cô thường tranh thủ về chơi vào những ngày thường. Đổi lại, cô làm việc suốt các kỳ nghỉ lễ để có mức thu nhập tốt hơn.

lam viec trong le anh 3

Nhân viên các ngành dịch vụ ăn uống thường làm việc hết công suất vào các dịp lễ.

Tương tự, Trần An Hải Đăng (29 tuổi), nhân viên y tế, thường chạy hết công suất với lịch làm việc dày đặc, bất kể lễ Tết. Dù đợt nghỉ lễ 30/4 năm nay kéo dài nhiều ngày, anh vẫn túc trực thường xuyên tại bệnh viện.

“Mình vốn hạn chế ra ngoài vào những ngày này vì sợ cảnh đông đúc. Bên cạnh đó, công việc trong các dịp lễ cũng có phần vất vả hơn bình thường do số ca tai nạn sinh hoạt, va chạm giao thông tăng cao. Vì lí do này mà nhiều năm rồi mình không nghỉ ngơi, giải trí dịp lễ”, Đăng bộc bạch.

Anh cho biết đặc thù của ngành y tế là ít có tiền thưởng cho người đi làm tăng cường trong ngày nghỉ. Song, nhiều nhân viên vẫn đăng ký lịch công tác, trực gác bệnh viện vì nhiều lí do.

“Có người ngại về quê vì giá vé xe đắt đỏ, dễ gặp tình trạng kẹt xe. Hoặc như tôi sống cùng gia đình tại TP.HCM nên nhường cơ hội nghỉ ngơi, quây quần bên người nhà cho đồng nghiệp quê ở các tỉnh xa trung tâm. Thú thật, tôi đã quen phải làm việc khi người khác được nghỉ ngơi nên không còn thấy buồn nữa. Hy vọng sắp tới mọi người sẽ vui chơi an toàn, tránh gặp những tai nạn để có kỳ nghỉ lễ trọn vẹn”, Đăng bày tỏ.

Những quán ở TP.HCM phục vụ khách làm việc, chạy deadline

Bố trí đèn bàn, ổ cắm điện, máy in, có nội quy về việc giữ im lặng, giá tiền tính theo tiếng là cách nhiều quán cà phê bán không gian làm việc cho khách hàng trẻ.

Đào Phương - Hồng Anh

Bạn có thể quan tâm