Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi nàng chểnh mảng vai trò nội trợ

Liên cho rằng phụ nữ hiện đại không nhất thiết phải biết nội trợ, có tiền thì muốn ăn gì chẳng có, thậm chí còn được phục vụ chu đáo, nhiệt tình.

Khi nàng chểnh mảng vai trò nội trợ

Liên cho rằng phụ nữ hiện đại không nhất thiết phải biết nội trợ, có tiền thì muốn ăn gì chẳng có, thậm chí còn được phục vụ chu đáo, nhiệt tình.

>>Khi nàng mang họ ''thô''
>>Khi nàng hồn nhiên khoe sống thử

Ảnh minh họa

Phụ nữ dù thành công trong sự nghiệp đến đâu cũng không nên thờ ơ với vai trò nội trợ. Đáng tiếc là không phải người vợ, người mẹ nào cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc vào bếp.

Có vợ vẫn như độc thân

Mỗi lần cậu đồng nghiệp hào hứng khoe được thưởng thức món chuối ốc, sườn xào chua ngọt hay đơn giản chỉ là món bình dân: canh rau, thịt luộc, Toàn lại thấy chạnh lòng.

Yên bề gia thất đã hơn 2 năm song chưa một lần anh có được niềm hạnh phúc bình dị ấy. Liên - vợ Toàn không mặn mà với việc bếp núc. Lí do cô đưa ra là nấu ăn vừa mất nhiều thời gian lại có hại cho bộ móng tay luôn được chăm sóc, tô vẽ cẩn thận của cô.

Liên trở thành “khách ruột” của mấy quán bán đồ ăn sẵn. Ngay cả hai ngày nghỉ cuối tuần, cũng cứ đến giờ ăn là Liên phóng xe đi mua.

Nhiều lần Toàn nhỏ nhẹ góp ý cùng vợ là đi làm cả ngày, đến tối mới sum họp thì nên tổ chức nấu ăn, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tiết kiệm mà không khí gia đình cũng thêm đầm ấm, nhưng Liên gạt phắt đi. Cô cho rằng phụ nữ hiện đại không nhất thiết phải biết nội trợ, có tiền thì muốn ăn gì chẳng có, thậm chí còn được phục vụ chu đáo, nhiệt tình.

Liên vô tâm không nhận thấy những tiếng thở dài ngao ngán của chồng khi ngồi vào bàn ăn. Anh thèm khát sự tất bật, bộn bề trong gian bếp của những gia đình hàng xóm mỗi khi chiều về và cái cảm giác hít hà, trầm trồ của những ông chồng khi bưng trên tay bát canh nóng hổi vợ nấu...

Toàn hụt hẫng, chán chường và luôn bị chi phối bởi suy nghĩ kết hôn chẳng có gì hấp dẫn hơn thời độc thân. Ngay cả khát vọng chính đáng làm cha của anh cũng vấp phải sự phản đối của vợ. Vì sợ xấu vóc dáng, sợ khổ, sợ không được tự do vui chơi, Liên chẳng mấy mặn mà với thiên chức làm mẹ. Tình cảm vợ chồng trở nên thiếu gắn bó.

Cơm quán và cháo ăn liền

Khi Bằng yêu Nhàn, người thân và bạn bè của anh đã cảnh báo rằng Nhàn khó có thể trở thành một người vợ đảm đang. Nhưng tình yêu làm Bằng mê muội, anh chẳng những không khó chịu trước sự vụng về, đoảng vị của Nhàn mà còn chiều chuộng thói đỏng đảnh, lười nhác của cô. Chỉ đến khi “ván đã đóng thuyền” Bằng mới thấm thía nỗi khổ của một ông chồng có vợ chểnh mảng vai trò nội trợ.

Nhàn làm hành chính ở một cơ quan nhà nước nên khá nhàn hạ, có nhiều thời gian rảnh rỗi. Song, thay vì chăm chút cho tổ ấm bằng những bữa cơm ngon miệng, những khoảnh khắc vui vẻ bên chồng con thì Nhàn lại mải miết chạy theo nhu cầu trưng diện, làm đẹp của bản thân. Ném tiền vào các cửa hàng thời trang thì Nhàn chẳng một chút đắn đo hay suy tính, nhưng mua cái gì ăn thì cô luôn cân nhắc một cách chi li.

Thực phẩm trong bữa ăn của hai vợ chồng thường là thịt chân giò luộc, cá kho, rau muống luộc... đã nguội ngơ nguội ngắt ở mấy quán cơm bình dân.

Nhiều lần bạn bè đến chơi, Bằng rất muốn vợ mình nấu một bữa cơm tươm tất để anh được “sang vì vợ” nhưng niềm mong mỏi ấy vẫn mãi xa vời. Nhàn luôn chủ động bảo chồng tiếp đãi ai thì cứ mời ra nhà hàng chứ “bày bừa bộn ra nhà không ai có hơi sức đâu mà dọn được”...

Việc ăn uống của cậu con trai 2 tuổi cũng chủ yếu là cháo ăn liền mà theo cách nhìn nhận của Nhàn thì “vừa rẻ lại tiện dụng”.

Mọi người xung quanh thấy thằng bé lười ăn, chậm lớn, hay bị ốm thì khuyên Nhàn nên nấu cho con ăn và phải chú ý đến việc đổi món để trẻ được cung cấp đầy đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết và không có cảm giác nhàm chán nhưng Nhàn bỏ ngoài tai tất cả. Nhàn bảo thủ rằng, thức ăn đóng hộp dành cho trẻ đã được các nhà khoa học nghiên cứu chế biến đảm bảo giúp trẻ phát triển toàn diện...

Cứ thế, Nhàn ngày càng đẩy Bằng ra xa mình, xa tổ ấm hơn. Hết giờ làm việc ở cơ quan, Bằng không vội vã trở về nhà trông con để cho vợ chuẩn bị bữa tối như những người đồng nghiệp đã yên bề gia thất mà anh cứ la cà quán xá cùng mấy anh chàng độc thân. Bằng thấy cuộc sống gia đình quá tẻ nhạt, đơn điệu và sợi dây gắn kết ngày một mong manh hơn...

Với nhiều người phụ nữ, cái bếp là nơi giúp họ khẳng định thiên tính nữ của mình. Họ ý thức được nấu ăn là để xây dựng và bảo vệ cũng là một cách bảo vệ tổ ấm. Người chồng dù yêu thương, vị tha đến đâu cũng khó lòng chấp nhận suốt đời chung sống với người vợ quá vụng về với thiên chức tề gia nội trợ, lại lười biếng, bảo thủ, không chịu thay đổi bản thân...

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Bạn có thể quan tâm