- Nhiều năm kinh nghiệm làm việc và quản lý trong lĩnh vực Marketing ở ngân hàng, startup công nghệ.
- Hiện là Digital Growth Marketing Manager của một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.
Trong môi trường văn phòng, senior được xem là những nhân sự dày dặn kinh nghiệm, nắm kiến thức chuyên môn, và có khả năng tự quản lý công việc của mình hay hướng dẫn người khác. Để đến giai đoạn này, thông thường, một người phải đi làm khoảng 4-5 năm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng trải qua con đường giống nhau với công thức duy nhất.
Bài viết sau trả lời một số câu hỏi xoay quanh vị trí senior, đồng thời chỉ ra 4 dấu hiệu bạn đã sẵn sàng cho nó.
Thời điểm của một senior
Thăng chức, đảm nhiệm vai trò mới hay chuyển việc - nấc thang kế tiếp sẽ chẳng xa vời nếu bạn có thể định hình mình là ai, mình ở đâu.
Người đi làm lâu năm là một senior?
Đây là một trong những hiểu lầm phổ biến của nhiều intern (thực tập sinh) hay fresher (người mới đi làm). Thực ra, điều này vừa đúng lại vừa sai.
Trong kinh nghiệm cá nhân của người viết, để được công nhận là một senior, có 3 lựa chọn thăng tiến mà người lao động có thể nghĩ đến:
- Khẳng định thực lực. Khi những gì bạn cống hiến đủ ấn tượng để chứng minh mình xứng đáng, hầu hết công ty sẽ cho bạn lên chức và nắm thêm trọng trách. Vấn đề là bạn cố gắng mỗi ngày để giỏi hơn, đồng thời để người lãnh đạo nhìn thấy nỗ lực đó.
- "Đúng năm đúng tháng". Hình thức này thường có ở những tập đoàn lớn. Theo thời gian gắn bó với tổ chức, vị trí và lương thưởng của bạn sẽ tăng dù tính chất công việc không thay đổi nhiều. Chọn con đường này, bạn cần tìm nơi có lộ trình phát triển phù hợp và làm việc đủ lâu.
- Đổi việc. Một số doanh nghiệp không có đường hướng rõ ràng cho nhân viên, hoặc không thực sự cởi mở để thảo luận về cơ hội thăng tiến, luân chuyển nội bộ. Khi đó, có lẽ vị trí bạn mong muốn nằm ở một tổ chức khác.
Với tôi, trong mọi tình huống, quan trọng là chúng ta đặt mục tiêu phát triển bản thân lên hàng đầu. Một vị trí phù hợp là nơi mà bạn và công ty có thể phát triển cùng nhau lâu dài.
Có phải cứ làm tốt là được thăng tiến?
Không ít người từng đạt điểm rất cao và luôn đứng nhất thời cấp 3, nhưng khi đi làm lại kém nổi bật hơn bạn bè.
Bởi, trong khi bạn hầu như chỉ cần chăm chỉ để có kết quả tốt lúc đi học, thì đi làm đòi hỏi ở bạn nhiều kỹ năng linh hoạt hơn.
Tập trung làm tốt chuyên môn là cần thiết. Nhưng thực tế, nếu chỉ cần cù làm đúng một việc, khả năng cao bạn chỉ dừng ở mức một "ong thợ" giỏi.
4 biểu hiện của senior tiềm năng
Ngoài năng lực, senior còn hơn người mới ở chỗ họ trưởng thành trong nhận thức về công việc. Do đó, làm việc tốt dưới áp lực là tiêu chí đầu tiên để bạn được gọi là senior.
Áp lực của vị trí senior không đơn giản là những deadline. Chúng đến từ xung đột trong môi trường làm việc, ví dụ như bất đồng quan điểm với cấp trên, đồng nghiệp, khách hàng về nội dung đã thống nhất.
Muốn là một senior, hãy chuẩn bị tâm lý đối mặt với hàng trăm áp lực khác nhau.
Nếu bạn thấy mình đủ năng lực, độ tinh tế để hóa giải xung đột và tìm ra giải pháp tối ưu, bạn phần nào đã sẵn sàng cho thử thách mới.
Bên cạnh đó, senior cần tự tin làm chủ công việc của mình.
Có thể bạn không cần ai cầm tay chỉ việc như lúc mới ra trường, nhưng liệu bạn đã đủ tự tin đề xuất phương án với người quản lý, hoặc biết cách ủy nhiệm công việc cho đội ngũ của mình?
Sự tự tin khác với ngạo mạn. Không nhân viên nào thích làm việc với sếp độc tài. Vì vậy, việc biết lắng nghe, có thái độ phù hợp và đón nhận những lời góp ý, phê bình rất quan trọng. Đây là yếu tố thứ ba mà senior cần có.
Hãy xem những lời phê bình như ý kiến khách quan mà bạn chưa được biết, sau đó sử dụng chúng để bản thân và công việc tốt lên.
Khi bạn thể hiện được thái độ chuyên nghiệp và cảm xúc vững vàng, bạn đã tự cho mình một điểm cộng sáng giá trong sự nghiệp.
Cuối cùng, senior biết nhìn vào bức tranh lớn và hiểu hết ý nghĩa những gì mình đang làm.
Một dự án có thể gồm 5-6 phòng ban phối hợp, bạn có hiểu tại sao họ ở đó hay không? Để thoát khỏi góc nhìn miệng giếng, thay vì chỉ rành rẽ việc của mình, hãy chủ động tìm hiểu cách cả tổ chức vận hành.
Sở hữu tư duy toàn cảnh, bạn dễ chứng minh độ trưởng thành trong suy nghĩ khi nói chuyện với cấp trên về thăng tiến.
Tôi làm gì để trở thành senior?
Mất một thời gian khá dài, tôi mới hiểu việc ngồi yên cầu nguyện vào đợt đánh giá cuối năm không giúp tôi lên chức dễ dàng hơn. Để có được những bước vững chắc trong sự nghiệp, tôi đi theo phương châm 3N:
- Nỗ lực. Tận dụng tất cả cơ hội có sẵn để tạo kết quả tốt nhất có thể. Nếu đã thực hiện tốt, tôi sẽ tìm cách làm tốt hơn, nhanh hơn, và vượt trên kỳ vọng đặt ra.
- Năng lực. Tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng mà thị trường đang tìm kiếm. Tôi thường chủ động cập nhật kiến thức rồi tình nguyện nhận dự án mới để thực hành. Khi sở hữu chuyên môn cần thiết, bạn dễ dàng giành được sự ưu ái của ban lãnh đạo, và cả những doanh nghiệp bên ngoài.
- Network. Chủ động giúp đỡ và nuôi dưỡng các mối quan hệ trong công việc sẽ cho bạn nhiều lời khuyên, hoặc lời giới thiệu đến cơ hội mới. Thực tế, chính những mối quan hệ đó đã giúp tôi tiếp cận những vị trí chất lượng, đồng thời tránh vết xe đổ của người đi trước.
Tất cả phương án trên đều không thể xây dựng ngày một, ngày hai. Cơ hội thăng tiến có thể bao gồm cả may mắn, nhưng may mắn không đến với người lười.
Tập trung hướng đến phiên bản tốt nhất của mình và chứng minh cho người khác thấy điều đó mới là chìa khóa để mở cánh cửa mới: senior, leader hay bất cứ chức danh nào.