Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho rằng nói thế không đúng luật, sai bản chất kỳ thi. Tuy nhiên, dù muốn hay không, đây vẫn là kỳ thi vừa xét tốt nghiệp THPT quốc gia, vừa phục vụ các trường đại học (ÐH) xét tuyển sinh.
Không quá kỳ vọng thi đánh giá năng lực?
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia bằng đánh giá năng lực người học theo hướng chương trình giáo dục phổ thông mới gặp một trong những khó khăn là các trường ĐH dựa vào kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Quan điểm của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các trường ĐH “lười”, quen sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, nên không tổ chức kỳ thi riêng.
Để hạn chế tình trạng dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, cần có sức ép với các trường và xem phương án tuyển sinh của các trường như một tiêu chí để xếp loại trường ĐH.
Thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Như Ý/Tiền Phong. |
Trong khi đó, GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam, cho rằng chuyển sang dạy theo năng lực là đúng nhưng thi theo năng lực lại hơi mơ hồ.
Ông lấy ví dụ thí sinh thi Văn được 10 nhưng lại làm kinh doanh giỏi hơn viết văn thì sao, hoặc có những năng lực khác mà nền giáo dục chưa phát huy được. Vì thế, thi thế nào để đánh giá tương đối chính xác.
Ông Quách Tuấn Ngọc, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục, cho rằng cần hạn chế nói kỳ thi đánh giá năng lực. Ví dụ như môn Ngoại ngữ là điển hình của việc đánh giá “không năng lực” nhất.
Đề thi như hiện nay chỉ yêu cầu kỹ năng lực chọn đáp án đúng của thí sinh. Còn nghe, nói, đọc, viết mới là năng lực chính của người học ngoại ngữ, lại không đánh giá được.
“Tôi rất tâm đắc với câu chuyện 'thí sinh cá' đi thi năng lực leo cây. 'Thí sinh' này đã không dại gì tham gia kỳ thi leo cây. Vì vậy, thi đánh giá năng lực không phải là cái gì đó toàn bích mà lúc nào chúng ta cũng 'nhăm nhăm hướng tới”, ông Quách Tuấn Ngọc nói.
Ðổi mới thế nào?
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục bàn về đổi mới thi THPT quốc gia sau 2020 vừa được tổ chức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các trường ĐH hiện đã được tự chủ tuyển sinh nhưng chỉ chọn cách đánh giá học sinh có học giỏi hay không, trong khi đó quyền của các trường rộng hơn rất nhiều.
Phó thủ tướng cho biết các trường nước ngoài tuyển những thí sinh chơi thể thao tốt, còn các trường ĐH của Việt Nam chưa ý thức được hết trách nhiệm xã hội của mình.
Đứng từ góc độ trường ĐH, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh không phải vì “lười”, mà vì dựa trên kỳ thi hiện nay, với các kiến thức mà đề thi đánh giá đã đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu tuyển sinh của trường.
Ông Sơn giải thích đầu vào tuyển sinh với các trường ĐH chỉ cần thí sinh có năng lực tiếp thu, tư duy, học và nghiên cứu, chứ không phải năng lực để làm một việc hay một nghề nào đó cụ thể.
Tuy nhiên, “với kỳ thi hiện nay, nếu cải tiến được việc ra đề, đặc biệt là đề thi Toán, sẽ đáp ứng tốt yêu cầu tuyển sinh ĐH”, ông Sơn nói.
Hiệu trưởng ĐH Bách khoa chỉ ra thế khó của các trường khi lựa chọn một phương thức tuyển sinh khác. Ông lấy ví dụ chỉ là kỳ thi tài năng do trường tổ chức, có sinh viên học rất giỏi nhưng không qua được vòng phỏng vấn. Điều này cho thấy các trường rất khó để đưa phương thức tuyển sinh mới khi chưa có hành lang pháp lý, nhất là đối với những phương thức không thể định lượng như phỏng vấn.
PGS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, lại đưa ra khó khăn khác khi các trường tổ chức tuyển sinh riêng. Đó là làm thế nào để nạn luyện thi không quay trở lại khi mỗi trường có một phương thức tuyển sinh mới.
PGS Dũng cho biết thực tế, khi tổ chức thi môn năng khiếu ở trường để tuyển sinh, ông đã cố gắng mời giảng viên các trường ĐH khác ra đề để tránh tình trạng giảng viên của mình vừa ra đề vừa luyện thi.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nêu quan điểm, về lâu dài ủng hộ ĐH tự chủ tuyển sinh, địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Nhưng hiện nay, theo bà An, chưa thể để các trường tự tuyển sinh.
“Vì nhiều trường chất lượng đào tạo không đảm bảo, nhiều trường không đủ điều kiện đào tạo nên mới sinh ra bao chuyện bằng rởm, bằng nọ bằng kia. Khi nào ĐH tự chủ được trên một nền chất lượng mà Bộ GD&ĐT giám sát khẳng định chất lượng tốt thì lúc đó mới chính thức “buông”, đại biểu Bùi Thị An nói.