Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mô hình trường học tiên tiến còn nhiều rào cản

Công tác tuyển sinh, tuyển dụng giáo viên, cơ sở vật chất, chuẩn đầu ra là những vấn đề được các đại biểu đưa ra tại hội nghị.

Sáng 25/9, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng trường tiểu học thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế năm học 2018-2019.

Kiến nghị được tự chủ tuyển sinh

Mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế được thực hiện theo Quyết định 3036 của UBND TP.HCM. Cơ chế tài chính để thực hiện trường tiên tiến là các đơn vị thực hiện được bố trí ngân sách theo định mức đầu tư/học sinh và được chủ động xây dựng mức thu theo thỏa thuận với phụ huynh, không quá 1,5 triệu đồng/học sinh.

Đây là mô hình mới, mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ phòng GD&ĐT cũng như UBND các quận, huyện nhưng trong quá trình triển khai các trường còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Phạm Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 12, cho hay dù nhà trường đã rất cố gắng nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, ông Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, chia sẻ để thực hiện mô hình trường học tiên tiến, nhà trường đã rất nỗ lực trong việc mua sắm các thiết bị dạy học.

“Tuy nhiên, hiện nay do trường đã qua 17 năm sử dụng nên cơ sở vật chất đã bắt đầu xuống cấp, khó đáp ứng chương trình học. Trước tình hình đó, lãnh đạo quận 10 đã hứa năm học 2020-2021 sẽ đầu tư xây mới lại trường”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, bà Trương Diệu Thừa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bàu Sen, quận 5, lại cho hay trong năm đầu tiên trường tuyển sinh theo mô hình tiên tiến với sĩ số 32-34 học sinh/lớp. Tuy nhiên, năm học 2018-2019, dân số tăng đột biến nên đẩy sĩ số lớp học lên 37 học sinh/lớp. Trước tình hình đó, phòng GD&ĐT đã có chỉ đạo nên năm nay sĩ số ở mức 32 học sinh/lớp.

Bà Thừa cho biết thực hiện mô hình mới nên các trường vừa tự mày mò, tự học, khó khăn rất nhiều.

“Trường tôi gặp khó trong công tác tuyển sinh. Do chúng tôi tuyển sinh đại trà giống các trường là theo phân tuyến của quận cho nên khi học sinh vào học nhà trường không có sự chọn lựa. Vì thế, mới có tình trạng trường tiên tiến nhưng vẫn có học sinh khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ vẫn phải đáp ứng chuẩn đầu ra về tiếng Anh và tin học, thậm chí có nhiều học sinh nợ học phí. Do đó, chúng tôi kiến nghị phòng GD&ĐT, kiến nghị với UBND quận trong năm tới đây nhà trường được tự chủ tuyển sinh để có thể chọn lựa được những học sinh có đầy đủ điều kiện theo học chương trình trên”, bà Thừa nhấn mạnh.

Mo hinh truong hoc tien tien anh 1
Một tiết học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TP.HCM). Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Từng bước tháo gỡ

Sau khi được UBND các quận, huyện phê duyệt đề án xây dựng trường tiểu học thực hiện mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, đến nay, 12 trường tiểu học theo mô hình tiên tiến. Trong năm học 2019-2020, thêm một trường đăng ký mới là Tiểu học Linh Chiểu (quận Thủ Đức).

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết đến nay mới chỉ có 12 đơn vị trong tổng số 11 quận có mô hình trường tiên tiến. Chính áp lực về sĩ số, áp lực về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học nên sở tham mưu với ủy ban chọn trên địa bàn quận, huyện một số trường để thực hiện thí điểm mô hình.

Theo nghị quyết đảng bộ sở GD&ĐT, phấn đấu xây dựng ở mỗi quận, huyện có ít nhất ba trường ở mỗi cấp học thực hiện mô hình trên. Với tình hình này, mục tiêu trên có nhiều nguy cơ không thể hoàn thành.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, trường tiên tiến là tổ chức dạy học hai buổi/ngày; tổ chức dạy học tăng cường ngoại ngữ; tổ chức học ngoại ngữ với giáo viên người nước ngoài; tổ chức dạy các bộ môn năng khiếu, môn tự chọn; thực hiện chương trình kỹ năng sống; các hoạt động ngoại khóa; trang bị cơ sở vật chất; sĩ số không quá 30 học sinh/lớp…

Ông Hiếu cho biết đối với những trường đã xây dựng được mô hình trường tiên tiến hiện đại thì phải cố gắng duy trì sĩ số ở mức 30 học sinh/lớp. Bởi nếu để sĩ số tăng lên 36 đến 37 học sinh/lớp sẽ ảnh hưởng chất lượng dạy học.

Liên quan vấn đề tự chủ trong tuyển sinh, ông Hiếu nói: “Vấn đề này tôi nghĩ các phòng GD&ĐT đã có sự chia sẻ đối với các trường. Các trường theo mô hình này có thể tuyển sinh trên địa bàn quận chứ không nhất thiết theo phân tuyến vì như thế sẽ không thể tuyển đủ và hơn nữa không đảm bảo được chất lượng của mô hình. Bởi thực tế hiện nay trường tiên tiến hiện đại nhưng vẫn có học sinh chậm tiến, nợ học phí. Vấn đề này cần tính toán lại và cần lưu ý phải đảm bảo đủ chỗ học cho con em trên địa bàn”.

Trước kiến nghị về việc dùng nguồn thu để xây khu liên hợp nhà ăn - hồ bơi của hiệu trưởng trường Võ Trường Toản, ông Hiếu bày tỏ: “Đây là kiến nghị rất chính đáng. Tôi đề nghị phòng Tài chính, Sở GD&ĐT TP.HCM cân nhắc đó là tự chủ trong kích cầu dùng tiền từ nguồn thu tiên tiến hiện đại để xây khu liên hợp phục vụ chính học sinh. Tôi nghĩ đây là điều kiện cần thiết”.

Về việc nâng mức thu từ 1,5 triệu đồng lên 1,65 triệu đồng/tháng, chuyên viên Phòng tài chính, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết khoản thu thỏa thuận để đảm bảo các yêu cầu hoạt động thực hiện trường tiên tiến với tổng mức thu thỏa thuận không quá 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng. Vì thế, mong các trường lưu ý và thực hiện đúng.

Ngoài ra, những vấn đề vướng mắc mà các trường gặp phải, ông Hiếu đề nghị trưởng Phòng giáo dục tiểu học cũng như phòng Tài chính nắm bắt để có hướng tháo gỡ.

Các trường tiểu học thực hiện mô hình trường tiên tiến

Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), Tiểu học An Bình (quận 2), Tiểu học Châu Văn Liêm (quận 6), Tiểu học Võ Văn Tần (quận 6), Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (quận 6), Tiểu học Võ Trường Toản (quận 10), Tiểu học An Lạc 3 (quận Bình Tân), Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình), Tiểu học Bàu Sen (quận 5), Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 12), Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú).

Năm học 2019-2020 thêm một trường đăng ký mới: Tiểu học Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ thanh tra đột xuất trường Dân lập Quốc tế Việt Úc

Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ thanh tra đột xuất trường Dân lập Quốc tế Việt Úc sau khi phụ huynh phản ánh về suất ăn của học sinh và chất lượng giáo viên không đảm bảo.

https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/mo-hinh-truong-hoc-tien-tien-con-nhieu-rao-can-860351.html

Theo Nguyễn Quyên / Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm