Khi bạn cần biết liệu mình có bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không nhưng không có thời gian sắp lịch hẹn và chờ đợi tại phòng khám, việc tự xét nghiệm tại nhà có thể là giải pháp thuận tiện. Nhưng phương pháp này phù hợp với ai? Và làm thế nào để bạn sử dụng chúng chính xác?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo tự xét nghiệm SARS-CoV-2, còn được gọi là xét nghiệm tại nhà, xét nghiệm không kê đơn hay tự test nhanh, là một trong số các biện pháp có thể bảo vệ bạn và người khác bằng cách giảm nguy cơ lây nhiễm nCoV.
Theo CNN, CDC cho biết cách xét nghiệm này có thể được thực hiện tại nhà hoặc bất cứ nơi đâu, bất kể tình trạng tiêm chủng hay bạn có các triệu chứng hay không. Đặc biệt, nó dễ dàng sử dụng và cho kết quả nhanh chóng.
Bạn có thể tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà và cho kết quả nhanh chóng. Ảnh: Nychealth. |
Khi nào cần tự test nhanh?
Tiến sĩ Leana Wen, nhà phân tích y tế của CNN, Giáo sư thỉnh giảng về quản lý và chính sách y tế tại Trường Y tế Công cộng Milken thuộc Đại học George Washington (Mỹ), cho biết nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc đã tiếp xúc rất gần với người mắc Covid-19, bạn nên đi làm xét nghiệm rRT-PCR. Đó là "tiêu chuẩn vàng".
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Wen, khi bạn không có triệu chứng và khả năng mắc Covid-19 khá thấp, tốt nhất là bạn nên sử dụng các xét nghiệm kháng nguyên tại nhà và đảm bảo loại trừ nguy cơ.
"Bạn nên coi xét nghiệm nhanh tại nhà là xét nghiệm sàng lọc vì mục đích sức khỏe cộng đồng, không phải là xét nghiệm chẩn đoán", chuyên gia này nói thêm.
Tiến sĩ Wen cũng khuyến cáo người dân chỉ nên mua các test được cơ quan y tế cấp phép, có thể mua trực tuyến hoặc tại các hiệu thuốc và một số cửa hàng bán lẻ. Đặc biệt, khi mua các test nhanh, bạn nên đảm bảo chúng chưa hết hạn sử dụng.
CDC khuyến nghị người dân nên xem xét việc tự test trước khi tham gia các cuộc tụ họp trong nhà với những người không sống cùng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu buổi tụ họp có trẻ em chưa được tiêm chủng, người lớn tuổi, người suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ mắc bệnh nặng. Và tất nhiên, bạn nên xét nghiệm nếu có các triệu chứng Covid-19; đã tiếp xúc hoặc có thể tiếp xúc một người nào đó mắc Covid-19.
Nguyên tắc khi tự test nhanh
CDC cho biết cho đến khi sẵn sàng tự xét nghiệm, bạn cần ghi nhớ đầy đủ các bước sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Điều này bao gồm việc không mở hộp test cho đến ngay trước khi xét nghiệm. Trước khi xét nghiệm, bạn cần làm sạch bề mặt để thực hiện - chẳng hạn mặt bàn, ghế, giường… Chuẩn bị sẵn bộ hẹn giờ vì bạn có thể cần tính giờ một số bước.
CDC khuyến nghị nên đọc kỹ tất cả hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau đó, rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Khi mở hộp, bạn kiểm tra thử xem có hư hỏng, đổi màu theo mô tả của nhà sản xuất hay không.
Một người dân ở New Hampshire (Mỹ) tự thực hiện test nhanh Covid-19 tại nhà vào ngày 7/12/2021. Ảnh: CNN. |
CDC cho biết chỉ đọc kết quả kiểm tra trong khung thời gian được chỉ định trong hướng dẫn. Nếu bạn không làm theo hướng dẫn, kết quả xét nghiệm có thể không chính xác, không hợp lệ hoặc bị lỗi. Nếu điều này xảy ra - do sử dụng không đúng cách hoặc test trục trặc - bạn hãy kiểm tra thông tin hướng dẫn của gói sản phẩm hoặc liên hệ với nhà sản xuất để được trợ giúp.
CDC cũng lưu ý sau khi xét nghiệm, tuyệt đối không sử dụng lại bất kỳ dụng cụ nào trong hộp test. Sau khi vứt bỏ chúng vào thùng rác, bạn cần lau sạch tất cả bề mặt mà mẫu thử có thể đã chạm vào và rửa tay.
Nếu có kết quả dương tính, bạn cần tự cách ly trong ít nhất 10 ngày và thông báo cho tất cả người mà bạn đã tiếp xúc gần đây, sau đó, gọi điện cho y tế địa phương để được hỗ trợ. Đặc biệt, người bệnh cần tránh tụ tập trong nhà và nếu sống với người khác, hãy đeo khẩu trang.
Nếu kết quả âm tính và không có triệu chứng, bạn có thể không bị nhiễm virus - nhưng cũng không thể loại trừ khả năng mắc bệnh. Vì vậy, theo CDC, để chắc chắn, bạn có thể thực hiện xét nghiệm ít nhất 2 lần để có kết quả chắc chắn và giảm nguy cơ lây lan virus nếu nhiễm bệnh.
Điều này có nghĩa là bạn có thể xét nghiệm nhiều hơn 2 lần trong vài ngày với khoảng cách ít nhất 24 giờ giữa các lần thực hiện. Đặc biệt, lần xét nghiệm cuối cùng càng gần với thời điểm bạn dự định tham dự sự kiện nào đó càng tốt.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.