Trong thế giới nhiều biến động, người trẻ được kỳ vọng góp phần kiến tạo giải pháp cho những vấn đề xã hội ở hiện tại và tương lai. Để biến kỳ vọng thành cơ hội và ứng biến kịp thời trước thay đổi, người trẻ cần phát triển tiềm năng từ môi trường đại học. Hiện nay, đại học không chỉ là môi trường thực nghiệm, mà còn gắn với xã hội, tạo điều kiện để người học phát triển giải pháp thực tế và lâu dài.
Khang A Tủa, Lê Kha, Lê Hoàng Phúc và Vũ Đức Huy là sinh viên năm cuối tại Đại học Fulbright Việt Nam, cũng là những “nhà chinh phục” thách thức xã hội.
"Giải quyết thách thức xã hội" - phần không thể thiếu trong chương trình học
Giải thích về quyết định dừng việc học ở ngôi trường đại học có tiếng để thi vào Fulbright, Lê Kha cho biết bản thân muốn tìm kiếm môi trường giáo dục thiết thực - nơi mà dự án xã hội là một phần của việc học thay vì hoạt động ngoại khóa, giúp người học kiến tạo giải pháp có giá trị thực tiễn.
Hành trình của nhà vận động bình đẳng giới Lê Kha được tiếp thêm sức mạnh từ Fulbright. Nơi đây giúp Kha soi chiếu vấn đề giới dưới lăng kính đa ngành và tiếp thu kiến thức để ứng dụng vào đam mê. Các dự án của Kha được giảng viên trực tiếp hướng dẫn, góp ý và kết nối mạng lưới chuyên gia hỗ trợ.
Kha (thứ tư, từ trái qua) nhận học bổng toàn phần bậc đại học từ Ngân hàng CIMB. |
Môi trường học lý tưởng cũng giúp Kha ghi danh vào học bổng và chương trình trao đổi giá trị như học bổng toàn phần cho bậc đại học từ Ngân hàng CIMB, “Người kiến tạo thay đổi cộng đồng”, chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” (YSEALI) tại Mỹ…
Kha (bên trái) gặp gỡ dân biểu Lorena Austin - đại diện bang Arizona - tại tòa nhà Đại hội bang Arizona. |
Còn với Lê Hoàng Phúc, đại học giúp khơi mở con đường để ứng dụng chuyên ngành Khoa học máy tính vào dự án xã hội. Khi thực tập tại tổ chức Fauna and Flora International, nhờ “Chương trình phát triển những người kiến tạo thay đổi, phụng sự xã hội” của Fulbright, Phúc lần đầu tiên biết đến công nghệ trong bảo tồn (conservation technology). Phúc nảy ra ý tưởng phát triển ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện rùa cho đề án tốt nghiệp.
Ứng dụng đang trong quá trình phát triển, có khả năng đánh giá và nhận biết hơn 20 loài rùa quý hiếm đang được pháp luật bảo vệ tại Việt Nam.
Phúc (thứ ba, từ trái qua) trong chuyến thực địa thu thập dữ liệu cho dự án ở Trung tâm bảo tồn rùa (TCC), vườn quốc gia Cúc Phương. |
Giải quyết vấn đề cộng đồng bằng sự thấu hiểu
Hiểu rõ thách thức xã hội đến từ thiếu hụt tri thức, Khang A Tủa và Vũ Đức Huy chọn nghiên cứu và nâng cao nhận biết làm giải pháp cho vấn đề của cộng đồng mình.
Mục tiêu của Khang A Tủa khi bước vào Fulbright là tạo ra sản phẩm mang dấu ấn mạnh mẽ hơn tuyển tập lưu hành nội bộ “Chuyện bên bếp lửa - truyện cổ tích người Mông”. Đến nay, bước vào giai đoạn nước rút của khóa luận tốt nghiệp với chủ đề “Thái độ của phụ nữ Mông liên quan đến bạo lực gia đình và ly hôn”, Tủa đang chạm đến mục tiêu ban đầu.
Tủa giới thiệu dự án nghiên cứu cho cộng đồng Fulbright và cùng bạn học tham gia thực địa do thầy Nguyễn Nam hướng dẫn. |
Chuyên ngành Nghiên cứu Việt Nam tại Fulbright khơi gợi đam mê khám phá tri thức trong Tủa. Từ người chỉ tập trung và thực hành, Tủa nhận ra vai trò của kiến thức trong việc phát triển cộng đồng.
Đề tài nghiên cứu mà Tủa theo đuổi ít tư liệu và có phần nặng nề về cảm xúc. Dù vậy, Tủa luôn yên tâm vì có sự đồng hành, hướng dẫn của hai giảng viên - TS Nguyễn Nam và TS Vũ Minh Hoàng. Hai thầy không chỉ hỗ trợ đưa ra định hướng, mà còn ủng hộ phương tiện và giới thiệu cho Tủa các cá nhân và tổ chức liên quan. Bên cạnh đó, thầy hướng dẫn hỗ trợ Tủa tổ chức hai buổi thảo luận để tăng sự chú ý của dư luận với đề tài, phát triển mô hình tư vấn tiền hôn nhân cho người dân miền núi.
Huy chia sẻ tại hội thảo “Get Engaged” tại Bishkek (Kyrgyzstan) và cùng thành viên dự án tham gia thực địa làng người Bahnar và Jrai tại Kon Tum. |
Còn Vũ Đức Huy lại đau đáu về sự mai một thực hành văn hóa của cộng đồng ít người tại Tây Nguyên. Fulbright mở ra cho Huy cơ hội đào sâu và phát triển mối quan tâm này ở nhiều môi trường, từ lớp Nhân học và Phát triển cộng đồng đến học bổng “Người kiến tạo thay đổi cộng đồng”. Những kiến thức nền tảng từ Fulbright giúp Huy tự tin tham gia hoạt động trao đổi tại Đại học Bard qua chương trình Global Engagement Fellowship và Đại học Texas tại Austin với học bổng Global UGRAD.
Từ đó, Huy được tiếp thêm động lực để phát triển dự án lưu giữ nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ của người Bahnar và Jrai tại quê hương Kon Tum. Huy tin rằng việc nghiên cứu và phổ cập kiến thức cho người trẻ trong cộng đồng về giá trị văn hóa là cách bảo tồn bền vững nhất. Trong tháng 3, dự án thực hiện hai buổi triển lãm tại Kon Tum với hơn 1.500 khách tham dự.
Sau khi tốt nghiệp, hành trình chinh phục thách thức lớn của các bạn trẻ sẽ tiếp tục và phát triển mạnh hơn. Hành trình đó vun đắp trên nền tảng do chính các bạn xây dựng, với sự tiếp sức từ môi trường giáo dục khai phóng ở Fulbright.
Đại học Fulbright Việt Nam là trường đại học độc lập, không vì lợi nhuận và hoạt động theo mô hình giáo dục khai phóng đầu tiên tại Việt Nam. Cộng đồng Fulbright ngày càng mở rộng, quy tụ những nhà đổi mới giáo dục đến từ khắp nơi trên thế giới, am hiểu sâu sắc bối cảnh Việt Nam. Trường có sự hậu thuẫn vững chắc, quan hệ đối tác thân thiết với các tổ chức giáo dục trên toàn thế giới.
Đại học Fulbright Việt Nam đề cao sức mạnh của sự hợp tác, tư duy liên ngành, tinh thần dấn thân và lấy sinh viên làm trung tâm trong triết lý giáo dục. Đây chính là tư duy định hình cho các chuyên ngành ở Fulbright, gồm: Nghiên cứu Truyền thông và Nghệ thuật, Kinh tế học, Văn học, Lịch sử, Tâm lý học, Khoa học Xã hội, Việt Nam học, Khoa học Tích hợp, Khoa học Máy tính, Toán học Ứng dụng, Kỹ thuật.
Thời hạn nộp đơn vào Fulbright trước ngày 10/4. Độc giả tìm hiểu chương trình học tại đây.