Tại Việt Nam, tùy theo phân loại phương tiện, thời điểm sản xuất và mục đích sử dụng mà ôtô có chu kỳ và mức chi phí đăng kiểm khác nhau.
Trong đó, xe du lịch (thuộc nhóm ôtô chở người các loại đến 9 chỗ, bao gồm cả người lái) có các chu kỳ kiểm định như sau, theo Phụ lục VII ban hành kèm Thông tư 70/2015/TT-BGTVT:
Với xe không kinh doanh vận tải:
- Xe đã sản xuất đến 7 năm có chu kỳ đăng kiểm đầu kéo dài 30 tháng, những chu kỳ định kỳ tiếp theo kéo dài 18 tháng. Ví dụ, tại năm 2021, một chiếc xe mới, được sản xuất năm 2016, sẽ có lần đăng kiểm thứ 2 cách lần đầu 30 tháng. Kể từ đó, xe cần đi đăng kiểm lại sau mỗi 18 tháng.
- Xe đã sản xuất trên 7 năm đến 12 năm cần đăng kiểm lại 12 tháng sau lần đăng kiểm trước.
- Xe đã sản xuất trên 12 năm cần đăng kiểm lại 6 tháng sau lần đăng kiểm trước.
Với xe có kinh doanh vận tải:
- Xe không cải tạo (không thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi một trong các hệ thống lái, phanh (trừ trường hợp lắp thêm bàn đạp phanh phụ), treo và truyền lực) có chu kỳ đăng kiểm đầu kéo dài 18 tháng, những chu kỳ định kỳ tiếp theo kéo dài 6 tháng.
- Xe có cải tạo (có thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi một trong các hệ thống lái, phanh (trừ trường hợp lắp thêm bàn đạp phanh phụ), treo và truyền lực) có chu kỳ đăng kiểm đầu kéo dài 12 tháng, những chu kỳ định kỳ tiếp theo kéo dài 6 tháng.
Lưu ý, chu kỳ đầu chỉ áp dụng đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng kiểm định lần đầu trong thời gian 2 năm, tính từ năm sản xuất.
Trong khi đó, theo Biểu giá dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư 238/2016/TT-BTC, xe du lịch (thuộc nhóm ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi), có mức giá đăng kiểm 240.000 đồng/xe.
Với các xe không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phải bảo dưỡng sữa chữa để kiểm định lại.
Ngoài ra, các hình thức kiểm định mang tính giám định kỹ thuật, đánh giá chất lượng theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân được thu với mức giá thỏa thuận nhưng không vượt quá 3 lần mức giá quy định.