Một cảnh sát Hong Kong (Trung Quốc) gây xôn xao vào tuần trước sau khi bị đình chỉ công tác vì bị cáo buộc bám theo 2 phụ nữ về nhà và yêu cầu họ làm tình nhân của mình.
Một trong số nạn nhân đã đăng đoạn video về kẻ bám đuôi lên mạng. Sau đó, những người khác cũng đưa ra cáo buộc tương tự, theo SCMP.
“Tôi gần như chắc chắn anh ta chính là người đã bám theo tôi vào mùa hè ở Sai Ying Pun. Anh ta thường xuyên lảng vảng quanh căn hộ của tôi và cố gắng đột nhập, để lại nhiều đồ vật, tờ giấy nhắn với nội dung quấy rối”, một người bình luận.
Hậu quả khó lường
Ngôi sao nhạc pop người Mỹ Taylor Swift có nhiều kẻ bám đuôi đến mức cô luôn phải mang theo băng keo cá nhân để phòng ngừa vết thương do bị bắn hoặc đâm.
“Tôi có đủ kẻ bám đuôi cố gắng đột nhập vào nhà và phải chuẩn bị cho những điều tồi tệ”, Taylor nói với tạp chí Elle năm 2019.
Một viên cảnh sát Hong Kong dự kiến bị sa thải sau cáo buộc bám đuôi hai phụ nữ về nhà và yêu cầu họ làm tình nhân, theo một nguồn tin cảnh sát. Ảnh: Facebook. |
Sự rình rập trở thành chủ đề của một số bộ phim Hollywood. Những ngôi sao như Selena Gomez, Justin Bieber, Kendall Jenner và Halle Berry từng vạch trần mặt tối của sự nổi tiếng bằng cách chia sẻ câu chuyện về những kẻ đeo bám họ.
Năm 2021, hai người hâm mộ của nam diễn viên kiêm ca sĩ Trung Quốc Vương Nhất Bác bị bắt sau khi khoe khoang trên mạng về việc đặt thiết bị theo dõi trên xe của anh.
Trường hợp của Vương và các ngôi sao khác đã khiến chính phủ Trung Quốc phải thực hiện hàng loạt biện pháp quyết liệt để kiềm chế văn hóa hâm mộ điên cuồng của đất nước.
Các thành viên của nhóm nhạc Kpop TWICE và EXO cũng từng gặp vấn đề với những kẻ bám đuôi
Nhà trị liệu tâm lý Gabrielle Tüscher ở Hong Kong nói rằng có nhiều lý do khiến việc rình rập bất bạo động phải được xem xét nghiêm túc. Hành vi này không chỉ đáng sợ mà còn có thể gây ra những tổn thương tâm lý lâu dài.
“Hành động của kẻ bám đuôi tác động đến tất cả khía cạnh cuộc sống của nạn nhân, từ sức khỏe tinh thần lẫn thể chất đến công việc làm và đời sống xã hội”, cô nói.
Tüscher cho biết thêm: “Nạn nhân không bị chấn thương chỉ một lần. Họ thường xuyên bất an bởi những nỗ lực tiếp cận và cảm thấy không có nơi nào an toàn để đi”.
Những người bị nhắm mục tiêu có thể gặp phải hàng loạt tác hại, từ căng thẳng mạn tính, lo lắng, trầm cảm đến rối loạn ăn uống, mất tự tin và cảm giác bị cô lập.
Ca sĩ Taylor Swift có rất nhiều kẻ bám đuôi. Cô mang theo băng keo cá nhân phòng những vết thương do bị tấn công. Ảnh: JC Olivera/TNS. |
“Trong một số trường hợp, nạn nhân cố gắng tự tử hoặc gặp phải các triệu chứng liên quan đến chấn thương và rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Không có gì lạ khi họ trở nên sợ hãi đến mức không dám rời khỏi nhà”, nhà trị liệu tâm lý nói.
Theo Tüscher, việc bám đuôi cũng có thể ảnh hưởng đến sinh kế, công việc, các mối quan hệ và đời sống xã hội của nạn nhân.
“Nhiều người phải thay đổi công việc, trường học, thậm chí chuyển nhà sau khi bị nhắm mục tiêu. Một số không dám ra ngoài vì sợ bị theo dõi hoặc bắt gặp và tự cô lập với gia đình, bạn bè”.
Nạn nhân không có lỗi
Tüscher nói rằng điều quan trọng cần nhấn mạnh là nạn nhân không phải chịu trách nhiệm về hành động của những kẻ bám đuôi.
“Nếu đang bị bám đuôi, bạn đừng bao biện cho kẻ xấu hoặc cho rằng bản thân đang phản ứng thái quá. Hãy nói với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình để có người hỗ trợ và làm nhân chứng”, cô nói.
Tüscher cảnh báo thêm: “Không có cái giá nào cho việc phản ứng mạnh, nhưng phản kháng yếu ớt khi bị bám đuôi, trong trường hợp cực đoan, có thể gây tử vong”
Giống như nhiều ngôi sao nổi tiếng, các thành viên của nhóm nhạc Kpop TWICE phải đối mặt với những kẻ bám đuôi. Ảnh: Chosunilbo JNS/Imazins. |
Cô nói đối với tâm lý của một kẻ rình rập, không phân biệt trắng - đen. Khi ai đó đột nhập vào nhà hoặc hành hung người khác, rõ ràng đây là hành động tội phạm.
“Những kẻ bám đuôi thường nhấn mạnh rằng họ ‘yêu’ nạn nhân và đôi khi biện minh rằng sự theo dõi đó nhằm giữ an toàn cho người khác. Ví dụ, một ông chồng bạo hành có thể nói rằng anh ta theo dõi vợ cũ để đảm bảo cô ấy chăm sóc con cái đúng cách”.
Theo Tüscher, về mặt tâm lý, rình rập là tội ác khó kiểm soát. Những kẻ bám đuôi coi nạn nhân là vật sở hữu và hành vi rình rập thường được kích hoạt khi chia tay hoặc bạn tình cũ có mối quan hệ mới.
Bên cạnh đó, một số vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể dẫn đến hành động rình rập. Người có vấn đề về nhân cách có thể gặp khó khăn trong việc buông bỏ các mối quan hệ và đôi khi sử dụng chiến thuật lôi kéo để kiểm soát cá nhân khác.
“Erotomania là ảo tưởng trong đó một người tin rằng một người khác, thường là ngôi sao nổi tiếng, đang yêu mình. Điều này có thể dẫn đến việc bị rình rập”, nhà trị liệu tâm lý cho biết.
Phần lớn kẻ bám đuôi là nam giới. Các chuẩn mực văn hóa và giới tính có thể góp phần vào hành vi rình rập. Những trường hợp có nguy cơ cao nhất thường xuất phát từ tiền sử bạo lực gia đình.
“Sự rình rập không ảo tưởng có liên quan đến quyền lực và sự kiểm soát, tương tự lạm dụng trong gia đình. Đó là quyết định có ý thức của thủ phạm, không hề nằm ngoài tầm kiểm soát. Về cốt lõi, bám đuôi bao gồm các nỗ lực lặp đi lặp lại để giành quyền kiểm soát hoặc khủng bố ai đó”, Tüscher nói.
Thay đổi thói quen thường xuyên và cố gắng có được lệnh cấm chống lại kẻ theo dõi, nhà trị liệu tâm lý Gabrielle Tüscher khuyên. Ảnh: Getty. |
Lời khuyên của Tüscher để giữ an toàn:
- Thay đổi thói quen thường xuyên để kẻ đám đuôi khó tìm thấy.
- Yêu cầu gia đình, bạn bè hoặc cấp trên không cung cấp thông tin cá nhân của mình mà không có sự cho phép.
- Giữ bằng chứng về mọi sự cố nếu cần buộc tội.
- Tìm kiếm lệnh cấm đối với kẻ bám đuôi và gọi cảnh sát ngay lập tức nếu người đó vi phạm.