Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi phụ nữ quá thông minh

Một số bạn trẻ ngày nay quan niệm chọn vợ phải là người "thấp" hơn mình một chút để tránh cảnh "thân tòng phụ".

Khi phụ nữ quá thông minh

Một số bạn trẻ ngày nay quan niệm chọn vợ phải là người "thấp" hơn mình một chút để tránh cảnh "thân tòng phụ".

Khi phụ nữ quá thông minh

Điều này do những người phụ nữ phải “làm chồng” trong gia đình trở nên chán chồng hay chính vì những ông chồng “quyết đấu với vợ”.

Rắc rối “chồng thấp vợ cao”

“Yêu thì thoải mái chứ lấy thì phải chọn anh ạ. Con vợ em nó giỏi thật nhưng đời em đang phải chịu kiếp “phụ hệ” đây này. Cái gì nó cũng làm được nên em thành ra người thừa. Nhục lắm chứ sung sướng gì đâu anh!”. Câu chuyện của hai người đàn ông trẻ ngồi bàn bên cạnh trong quán cà phê Long Hải trên phố Trần Huy Liệu (Hà Nội) khiến tôi để ý.

Đưa câu chuyện này hỏi nhà tư vấn tâm lý Lê Thu Hiền (Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ), bà Hiền cho biết: một số nam thanh niên trẻ tham gia CLB tìm bạn của Trung tâm cũng đã đưa ra tiêu chuẩn về người bạn gái theo xu hướng “phải trị được”.

Bà Hiền cho biết, Trung tâm có một khách hàng lâu năm, đó là một phụ nữ trung niên làm việc tại một công ty bảo hiểm của nước ngoài tại Việt Nam. Chị là trụ cột về kinh tế của gia đình và cũng là người thường đưa ra các quyết định. Chồng chị là một công nhân về mất sức, gần chục năm nay chỉ quanh quẩn ở nhà. Chị cho biết, dù phải làm việc vất vả để “kéo cày” cả gia đình nhưng lại không nhận được sự tôn trọng từ chồng.

Đặc biệt, khi ở trước mặt bạn bè, người thân và chỗ đông người anh ta càng có nhiều hành động “thể hiện”. Có khi anh bắt chị làm một việc gì đó rồi lấy cớ để mắng chửi. Thậm chí còn động chân tay, làm chị thâm tím mặt mày.

Mỗi lần gọi điện đến Trung tâm, chị khóc tấm tức. Đau khổ, nhục nhã nhưng vẫn không thể bỏ được chồng vì theo chị, gia đình chồng chị rất đông và họ xem chuyện ly dị là một việc sỉ nhục đến dòng họ của mình. Chị không muốn vì sự tự do của mình mà con cái phải chịu hệ lụy từ sự thù hận của gia đình dòng họ bên nội của các cháu.

Chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền cho biết, không hiếm những trường hợp như trên đã đến nhờ sự tư vấn của trung tâm. Một số người chỉ mới chịu sự ấm ức về tư tưởng và cảm thấy ngột ngạt trong cuộc sống.

Nhưng cũng có nhiều phụ nữ bị những người chồng như thế bạo hành. Một số người còn tâm sự: không hiểu sao chồng họ lại trở nên như vậy. Bởi vì trong cuộc sống họ không hề có những cử chỉ lời nói nào tỏ ý kinh thường chồng của mình.

“Giả nai” giữ gìn hạnh phúc

Bạn tôi, chị Hoàng Lê H là biên tập viên tại một nhà xuất bản lớn ở TP Hồ Chí Minh cũng thật “không may” khi sinh ra đã “thông minh vốn sẵn tính trời”. H không xinh nhưng biết cách ăn mặc, ứng xử lại thông minh hài hước nên cô rất “đào hoa”. Nhiều anh chàng “xin chết” dưới tình yêu của cô và cô cũng đã trải qua khá nhiều mối tình.

Sau mỗi cuộc tình, khi cô ra đi, đều để lại cho những chàng si tình những “vết thương lòng” khó xóa nhòa. Năm 27 tuổi, cô quyết định lấy một đồng nghiệp cùng tuổi, vừa đẹp trai, gia đình lại gia giáo và giàu có. Mỗi tội, theo nhận xét của một số bạn bè thì anh chồng của H hơi “đụt”. Anh chàng này mê đắm H không phải vì sắc đẹp mà là vì ngưỡng mộ tài năng của cô. Họ lấy nhau đã 3 năm nay, chưa sinh con nhưng rất hạnh phúc.

H cho biết hoàn toàn chấp nhận cái đó, thổ lộ bí quyết giữ gìn hạnh phúc của mình là hàng ngày vẫn phải “giả nai” với chồng. Có nhiều việc cô biết nhưng cô làm như không biết. Sau đó cô lại giả vờ “em hỏi rồi, anh này (chị này) bảo thế này anh ạ, anh thấy có đúng không?”...

Bằng cách đó, H vừa truyền đạt được thông tin đến với chồng mà vẫn giữ được thể diện “đàn ông” của anh ấy. Vì thế, mặc dù cô thông minh hơn chồng, giỏi giang hơn chồng nhưng trong con mắt của chồng cô, H vẫn là người phụ nữ bé nhỏ, mong manh và đáng yêu nhất trong cuộc đời mình.

Khi phụ nữ quá thông minh

Theo chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, Giám đốc Trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân thì: sự giả vờ nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành một phản xạ nói dối, trở thành một thói quen nói dối khó bỏ. Điều này không hề tốt cho chính bản thân người phụ nữ và cho chính cả người đàn ông của mình. Khi nhận ra người yêu hay vợ mình nói dối, anh ta sẽ rất khó chịu, nặng nề hơn là thiếu tôn trọng, coi thường và khinh bỉ.

Nguyên nhân khiến người phụ nữ phải “giả nai” chính là vì xuất phát từ quan niệm gia trưởng của đàn ông, không ai muốn mình bị lép vế so với vợ. Và phải xác định được gốc gác của vấn đề thì mới có thể giải quyết được những  vướng mắc của gia đình “chồng thấp vợ cao”.

Gia trưởng: cội nguồn của mọi vấn đề

Theo chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, sự phản ứng của một số người đàn ông trong những gia đình có hoàn cảnh kiểu này xuất phát từ tính gia trưởng. Đây là một nét tính cách của người Á đông. Đó là tâm lý muốn là người “điều hành” trong gia đình, mọi thứ trong tổ ấm đều phải thuộc “sở hữu” của họ, kể cả người vợ.

Nếu một người vợ quá thông minh, giỏi giang sẽ khiến cho họ cảm thấy vai trò của mình bị đe doạ. Đặc biệt, họ cũng lo sợ sẽ mất vị trí trong con mắt và sau đó là trái tim người phụ nữ của mình. Những người đàn ông có tính gia trưởng thì họ thường đặt cái tôi của họ cao và nếu những người đàn ông này “thấp” cả về văn hoá thì thường có những phản ứng tiêu cực. 

Nhưng một người đàn ông tân tiến, biết sống dựa trên những định hướng tích cực, hiểu cái gì có ích cho bản thân, cho gia đình, biết đặt lợi ích gia đình trên lợi ích của mình thì sẽ giải quyết tốt vấn đề này.

Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể cũng cho rằng, kể cả với những người đàn ông có học thức, giao lưu với xã hội nhiều nhưng không phải là người trụ cột về kinh tế và “tấm gương” cho con cái trong gia đình thì vẫn có “một điều gì đó” với vợ. Khi đó, họ vẫn bị tư tưởng gia trưởng chi phối khiến cho tính bảo thủ và ích kỷ có cơ hội phát triển. Khi đó tính ích kỷ là một sự vô thức.

Do vậy, theo chuyên gia Mã Ngọc Thể, tính gia trưởng vì thế sẽ không bao giờ mất đi mà chỉ giảm bớt nhờ sự giao thoa và tiếp nhận những nền văn hóa tân tiến khác nhau trên thế giới.

Cũng từ sự giao thoa này, mỗi người sẽ tự tìm cách thích ứng dần. Nếu cộng thêm những điều kiện tích cực như được giáo dục trong cuộc sống để biết đặt cá nhân mình xuống hàng thứ hai dưới giá trị hàng đầu là gia đình và mối quan hệ của hai người.

Theo Gia Đình

Theo Gia Đình

Bạn có thể quan tâm