PGS.TS - bác sĩ Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện 103) cho biết, rượu vào cơ thể được hấp thụ từ miệng đến niêm mạc hậu môn, nhưng chủ yếu ở tá tràng (90%). Trước tiên, rượu đi vào máu, tác động đến não, gây ức chế ở vỏ não, từ đó dẫn đến mất kiểm soát hành vi, lời nói, nặng hơn sau đó là ức chế về hô hấp. Nồng độ trong máu quá cao sẽ gây hôn mê.
Khi bắt đầu có phản xạ buồn nôn, mất kiểm soát, mất phối hợp động tác, nói năng linh tinh, có thể gọi là say rượu, thực chất là ngộ độc rượu. Ở mức độ nặng hơn, người say phải đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng ức chế hô hấp: không thở được, thiếu ôxy, hay nôn trong tình trạng rối loạn ý thức. Lúc này, nếu hít phải chính đồ nôn sẽ gây ngạt thở.
“Tùy vào sự dung nạp vào cơ thể, mỗi người sẽ có mức chịu đựng khác nhau với rượu. Có người uống quen, uống 1 lít nhưng vẫn không bị ngộ độc rượu. Với người uống rượu chưa quen, khả năng chịu đựng hay dung nạp chưa tốt, chỉ cần 200 ml đã bị say. Ngoài ra, mức độ chịu đựng còn phụ thuộc vào tuổi tác”, ông nói
Là người nhiều năm nghiên cứu về ngộ độc rượu, theo bác sĩ Huy khi uống rượu, chúng ta sẽ trải qua 3 giai đoạn:
Thứ nhất - 5 năm đầu. Lúc này tửu lượng người uống bắt đầu đi lên, tối đa một ngày nửa lít rượu, loại 40 độ cồn (loại rượu trắng bán ngoài thị trường). Giai đoạn này, người uống có các biểu hiện giống suy nhược thần kinh, chưa nghiện rượu, tức bỏ rượu vẫn không có hội chứng cai rượu. Nhưng ngay lúc này, tửu lượng đi lên vì chức năng gan còn tốt, tạo ra nhiều men chuyển hóa rượu ngay ở gan tạo thành năng lượng. Song năng lượng này không tích lũy được, tạo ra bao nhiêu dùng hết bấy nhiêu. Đây chính là lý do chúng ta bị nóng người khi uống rượu. Giai đoạn này, bệnh nhân mất phản xạ buồn nôn – là một phản xạ bảo vệ của cơ thể.
Giai đoạn thứ hai gặp ở người uống rượu khoảng 10 năm, được gọi là lạm dụng rượu. Lúc này người uống không ngừng dù có hại cho chính mình có thể về mặt thể chất như có tăng huyết áp, loét tá tràng, gan nhiễm mỡ. Về mặt tinh thần, người uống vào hay chửi bới, gây gổ, mất đoàn kết. Điểm phân biệt giai đoạn thứ hai này với giai đoạn sau là khi ngừng, người uống chưa có hội chứng cai.
Giai đoạn thứ 3, người nghiện mỗi ngày uống trên 300 ml rượu 40 độ cồn thời gian trên 10 năm. Người nghiện lúc nào cũng nghĩ đến rượu và tìm cách có rượu uống thỏa mãn cơn thèm của mình, giấc ngủ kém, đầy ác mộng. Khi ngủ dậy người nghiện bị run tay, đi lại loạng choạng nhưng khi uống một ngụm rượu vào thì các triệu chứng trên biến mất vì vậy việc đầu tiên người nghiện làm sau khi ngủ dậy là uống rượu. Nếu cứ uống rượu liên tục và đều đặn thì không có hội chứng cai rượu nhưng vì một lý do nào đó ví dụ như say rượu, bị tai nạn phải nhập viện và không được uống rượu nữa thì lúc đó sẽ gây ra rối loạn tâm thần.
Khi nào rượu trở nên độc?
Nếu uống rượu đảm bảo, việc ngộ độc rượu (say rượu) dù rất hay gặp song không đáng sợ bằng việc ngộ độc rượu có nguồn gốc cồn công nghiệp hoặc lẫn tạp chất. Thứ nhất, rượu sẽ trở nên độc khi lẫn tạp chất, trong đó đáng sợ nhất là Andehit. Chất này có nguồn gốc từ rượu chuyển hóa thành dưới sự xúc tác của oxit đồng, nhất là nững nơi nấu bằng nồi đồng hay gặp.
Chuyên gia phân tích, chất Andehit khi đi vào cơ thể gây đau đầu, chóng mặt, rối loạn trí nhớ, nặng hơn gây hôn mệ, suy gan, thận cấp và tử vong. Có những loại rượu khử được chất này.
Rượu sẽ trở nên rất độc hại nếu người sản xuất cố tình nhầm giữa cồn metylic và etylic. Trong đó, rượu có thể uống là etylic có công thức hóa học C2H5OH, còn metylic nguồn gốc từ chất methanol tạo thành, CH3OH. Đây là chất được dùng để pha sơn, quét tường.
Chỉ cần một lượng nhỏ rượu có chứa metylic vào cơ thể có thể gây mù mắt, tổn thương võng mạc không thể hồi phục. Nặng hơn, chúng gây rối loạn trí nhớ, quên hết ký ức. Nhiều người điều trị 2 năm vẫn không hồi phục. Đặc biết, loại rượu này làm ức chế hô hấp, gây tử vong mặc dù nồng độ rất thấp. Đáng lo ngại khi cả hai loại này có mùi vị giống hệt nhau nên người uống khó phân biệt nếu không phân tích bằng máy móc khó nhận biết.
Nồng độ cồn metylic chỉ cần chiếm 2% trong rượu là có thể gây nguy hiểm. Chỉ cần 500 ml, khả năng tử vong rất cao.
Bác sĩ Huy chia sẻ, tại khoa Tâm thần có rất nhiều trường hợp tử vong do rượu, thậm chí 4 người uống thì 3 người tử vong. Khi nồng độ cồn metylic cao, người uống gặp hôn mê, ức chế hô hấp, rất khó cứu chữa kể cả khi đặt nội khí quản, thở máy.