Gần đây, khi nhạc sĩ Willow Smith nói trong một video rằng cô đôi khi cảm thấy bản thân “không đủ tốt”, siêu mẫu Mỹ Bella Hadid có sự đồng cảm sâu sắc.
Sau đó, Hadid chia sẻ loạt ảnh selfie không trang điểm, khóc lóc và tuyên bố trên Instagram có 47 triệu người theo dõi rằng: “Mạng xã hội không có thật”. Cô cũng kể về cuộc đấu tranh của bản thân với sự lo lắng.
“Đây là điều diễn ra hàng ngày, hàng đêm với tôi trong vài năm nay”, người đẹp 25 tuổi cho biết.
Bài đăng của Hadid nhận được hàng triệu lượt thích và bình luận ủng hộ từ người theo dõi, trong đó có chị gái Gigi. Nữ người mẫu sau đó bày tỏ lòng biết ơn mọi người vì giúp cô cảm thấy tốt hơn.
Bài đăng của người mẫu Bella Hadid thừa nhận sự lo lắng và bất an thu hút hàng triệu lượt thích trên Instagram. Đây là ví dụ về hội chứng tôn thờ người nổi tiếng. Ảnh: @bellahadid. |
Bella Hadid là một trong nhiều người nổi tiếng công khai chia sẻ về cuộc đấu tranh sức khỏe tâm thần của mình trên mạng xã hội và nhận được làn sóng ủng hộ nhiệt liệt.
Các ngôi sao không cần phải lên tiếng về vấn đề bản thân gặp phải để nhận được phản ứng mạnh mẽ từ người hâm mộ. Họ có thể nói về bất cứ điều gì và hàng triệu người theo dõi sẽ tương tác hoặc phản hồi dưới dạng lượt thích, chia sẻ và bình luận.
Nhờ có mạng xã hội, việc tiếp cận với cuộc sống của những nhân vật giàu có và nổi tiếng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, theo SCMP.
Ám ảnh về người nổi tiếng
Nhiều người trong chúng ta thường xuyên theo dõi những ngôi sao yêu thích để biết họ đang ăn gì, mặc gì, mua gì, cảm thấy thế nào, đi đâu… Nói cách khác, chúng ta bị ám ảnh bởi họ - hiện tượng được gọi là tôn thờ người nổi tiếng.
William J. Brown, giáo sư tại ĐH Regent (Mỹ), cho biết đây là tâm lý gắn bó mãnh liệt liên quan tới việc biến mối quan hệ với người nổi tiếng trở thành trọng tâm chính của cuộc đời một người.
Sự gắn bó phát triển từ sự đồng cảm mạnh mẽ và tình cảm tận tụy mãnh liệt dành cho nhân vật đó. Nó được đặc trưng bởi lòng trung thành và sẵn sàng đầu tư thời gian, tiền bạc cho họ.
David Giles, nhà tâm lý học truyền thông tại ĐH Winchester (Vương quốc Anh), cho biết mạng xã hội có liên quan nhiều đến hiện tượng này.
Theo ông, sự quan tâm của công chúng đối với người nổi tiếng là thứ phản ánh trực tiếp sự hiện diện của họ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mạng xã hội càng phát triển, nhiều người càng nổi tiếng và càng được đám đông quan tâm.
Mạng xã hội làm gia tăng hội chứng tôn thờ người nổi tiếng. Ảnh: Michael Buckner/BMA2015. |
“Bởi vì chúng ta nhận được quá nhiều ‘thông tin cá nhân’ thông qua các mạng xã hội. Cuối cùng, chúng ta cảm thấy mình biết rõ về các ngôi sao hơn cả những người quen biết ngoài đời. Điều này thường được gọi là tương tác ‘mang tính chất xã hội’ do hướng đi là một chiều”, Giles nói.
“Người nổi tiếng không hề biết chúng ta nhưng chúng ta có thể hiểu rõ họ nghĩ gì hay cư xử ra sao. Đó cũng là khoảng cách an toàn mà từ đó chúng ta có thể tò mò về mọi người”, ông cho biết thêm.
Mặc dù một số ít được coi là “những người tôn thờ ngôi sao nổi tiếng”, hầu hết chỉ bị thu hút vì lý do xã hội hoặc giải trí hay “người hâm mộ đơn thuần”, theo Lynn McCutcheon, tổng biên tập của tạp chí North American Journal of Psychology.
“Tuy nhiên, thiểu số này đã tăng nhẹ trong 20 năm qua, có thể là do vai trò ngày càng tăng của mạng xã hội đối với cuộc sống. Điều này khiến mọi người cảm thấy gắn bó hơn với nhân vật nổi tiếng mà họ yêu thích”, ông nói.
Không hẳn xấu
Có một số khác biệt quan trọng giữa “người hâm mộ đơn thuần” và “người bị ám ảnh bởi ngôi sao nổi tiếng”.
Trong một nghiên cứu được công bố tháng 4 năm nay trên tạp chí Journal of Social Sciences and Humanities, McCutcheon giải thích: “Mức độ tôn sùng người nổi tiếng cao thường liên quan đến thái độ và hành vi không mong muốn, ví như lo lắng, trầm cảm, ám ảnh, cố gắng tự tử, nghiện cờ bạc, rối loạn ăn uống và khó duy trì các mối quan hệ thân mật”.
Theo John Maltby, GS tâm lý học tại ĐH Leicester (Anh), người ta có thể coi việc tôn thờ ngôi sao nổi tiếng đến mức có thể được mô tả là bệnh lý.
Những hành vi không thể kiểm soát và tưởng tượng liên quan đến người nổi tiếng là dấu hiệu của tình trạng này. Cá nhân có thể nói rằng họ sẵn sàng hy sinh mạng sống để cứu ngôi sao yêu thích hoặc rằng nếu họ xuất hiện tại nhà của thần tượng, người đó sẽ rất vui mừng.
Các nền tảng truyền thông xã hội cho phép chúng ta liên lạc, thậm chí có cuộc trao đổi cá nhân với ngôi sao nổi tiếng. Do đó, chúng ta có thể cảm thấy được kết nối hoặc như thể quen biết họ. Tuy nhiên, chúng ta không nên tự huyễn hoặc bản thân khi nghĩ rằng đổi lại, người nổi tiếng cũng cảm thấy mối liên hệ với chúng ta, ngay cả khi hai bên vừa trực tiếp trao đổi.
Người hâm mộ không nên huyễn hoặc bản thân rằng thần tượng cũng thấy sự kết nối với mình thông qua vài tiếp xúc thoáng qua. Ảnh: The New York Post. |
Giles nói: “Thực tế, ví như trong một buổi biểu diễn, ngôi sao nổi tiếng có thể hôn hoặc nhìn vào mắt khán giả ngồi ở hàng ghế đầu, nhưng họ vẫn chỉ là người hâm mộ. Tương tự, bạn có thể được thần tượng phản hồi trên mạng xã hội nhưng điều này không đại diện cho một kết nối thực sự”.
Tuy nhiên, tương tác với ngôi sao nổi tiếng có thể giúp người hâm mộ theo cách nào đó.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người nổi tiếng đã lên mạng xã hội để chia sẻ những lo lắng, sợ hãi, cảm giác cô đơn và bị cô lập. Điều này khiến một số người cảm thấy như họ không đơn độc trong cuộc đấu tranh cảm xúc do đại dịch gây ra.
Giles nói: “Một trong những cách hiệu quả mà chúng ta có thể nhận được sự hỗ trợ cho vấn đề sức khỏe tâm thần hiện tại là tìm những người có cùng trải nghiệm và lắng nghe câu chuyện của họ. Nếu cá nhân đó là ngôi sao nổi tiếng thì càng tốt”.
“Điều này là tốt hay xấu tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi cá nhân. Nhiều vấn đề trong số này thực sự là cuộc tranh luận mở”, ông nhắn nhủ.