Khi sinh viên cúi mình trước thi hài hiến xác
Trước mỗi thi hài, từng sinh viên cúi mình kính cẩn. Đó là bài học lớn nhất về sự hy sinh diễn ra trong buổi lễ tri ân những người hiến xác cho y học.
Người thầy lặng thầm
Khu đại giảng đường trường ĐH Y Dược TP.HCM chiều 18/1 mang một vẻ trầm mặc khác thường. Hàng trăm sinh viên với áo blouse trắng đứng dọc các lối đi có trải hoa cúc vàng, cúc trắng cùng hàng ngàn cánh hạc trên đầu. Bên trong hội trường, không khí trang nghiêm với lễ Macchabée - lễ tri ân những người đã hiến thân thể cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu y khoa.
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Phó hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM, xúc động: “Trong những năm qua, có nhiều người sẵn sàng hiến dâng thân thể của mình cho y học. Đây là bài học đầu tiên và cũng là bài học lớn nhất cho những sinh viên mới bước vào ngành y - bài học về sự hy sinh cho người khác. Họ là những thầy cô lặng thầm với những bài học không lời giảng”.
Thay mặt nhà trường và sinh viên, PGS-TS Trần Diệp Tuấn cam kết luôn bảo quản tốt nhất, sử dụng đúng mục đích những thi hài đã hiến cho y học.
Có mặt trong lễ Macchabée, chị Nguyễn Ngọc Phương Trang - con gái ông Nguyễn Ngọc Khai (tỉnh Tây Ninh) bùi ngùi hồi tưởng: “Tôi nhớ rất rõ, cách đây 3 năm cha tôi mang về một tấm thẻ hiến xác. Lúc đó, chúng tôi rất bàng hoàng. Bởi, như nhiều người khác, chúng tôi nghĩ rằng khi chết đi, ai cũng cần mồ yên mả đẹp. Như hiểu những băn khoăn lo lắng của người thân, cha tôi đã nói: Sống mà chưa làm được việc có ích cho xã hội, khi chết nên hiến xác phục vụ y khoa. Lúc đó, tôi đã hiểu và thương ông hơn bao giờ hết”.
Chị Phương Trang cho hay, gia đình chị đã làm theo tâm nguyện của người cha sau khi ông mất đi. Và, mỗi lần đến trường viếng thăm cha, chị thấy rất ấm lòng.
“Chúng tôi muốn nhắn nhủ cùng các bạn sinh viên là hãy trân trọng sự hy sinh của những người thầy thầm lặng, hãy cố gắng học thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh đó” - chị Phương Trang chia sẻ.
Sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM tri ân trước những “người thầy thầm lặng”. |
Cả nhà hiến xác
Bước vào phòng Thực tập giải phẫu trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhiều người không tránh khỏi cảm giác choáng ngợp ban đầu trước hàng trăm thi hài đắp chăn trắng. Họ nằm đó, không hề cô quạnh. Có rất nhiều thân nhân đến thăm viếng. Đặc biệt, hàng trăm sinh viên y khoa xếp hàng thắp nhang và thành tâm cúi lạy trước mỗi “người thầy” của mình. Trên mỗi thi hài đều có đóa sen hồng tươi cùng vô số hoa cúc, hoa lài dịu dàng tỏa hương…
Bên cạnh đó, còn có một tấm thiệp với những dòng chữ chứa chan tình cảm. Đây là tấm thiệp trên thi hài ông Nguyễn Văn Phước: “Dù ông đã ra đi nhưng ông vẫn để lại cho đời niềm tin vào cuộc sống. Chúng cháu xin gửi lời tri ân sâu sắc đến ông. Xin chúc gia đình ông nhiều điều tốt đẹp”. Còn đây là những dòng tâm tình gửi đến bà Nguyễn Thị Kế (Cao Lãnh - Đồng Tháp): “Gấp hạc cũng như vun vén một tình yêu. Cháu nhẹ nhàng, nâng niu để cố gắng xếp được chú hạc đẹp nhất. Hy vọng bà thích. Chúc bà năm mới hạnh phúc”…
Đến viếng ông ngoại của mình, anh Lê Thanh Tùng (32 tuổi, quận 9, TP.HCM), thuật chuyện: "Thời điểm làm thủ tục hiến xác, ông ngoại anh không cho ai hay nên mọi người trong nhà đều thấy sốc và ra sức phản đối. Đến khi hiểu được việc làm cao cả của người quá cố, tất cả các thành viên còn lại (gồm bà ngoại, cậu ruột, người mẹ và anh Tùng) đều giục nhau đi làm thẻ hiến xác".
Anh Mai Trung Trực, ngụ tại phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM, bộc bạch: “Cuộc đời của tôi đã gặp nhiều may mắn. Và tôi nghĩ, cái chết là bất ngờ, không ai biết trước. Cơ thể mình khi chết, nếu đem đi thiêu là trở về cát bụi, còn nếu thi hài ở lại giúp đời, giúp cho người khác là có ý nghĩa. Vì vậy, từ năm 2007 tôi đã tự nguyện đăng ký hiến thi hài sau khi mất, như là một cách tạ ơn cuộc đời”. Hỏi cảm giác khi “đóng vai” người chết nằm trong phòng Thực tập giải phẫu này, anh Trực tỏ ra phấn chấn: “Có mặt ở đây, tôi thấy các em sinh viên cúi đầu tri ân. Điều đó thật tuyệt vời”.
Là một trong những người chăm chút từng đóa hoa hay sửa từng tấm thiệp cho ngay ngắn trên mỗi thi hài, bạn Trần Thanh Hà, sinh viên năm nhất trường ĐH Y Dược TP.HCM, mong muốn thể hiện lời biết ơn tận sâu thẳm trái tim mình từ những việc làm nho nhỏ và cụ thể. Thanh Hà nói rằng, các bạn không bao giờ quên công lao của những người hiến xác, đã tạo điều kiện cho sinh viên học tập, để sau này, các bạn dùng những kiến thức đã học đó cứu giúp bệnh nhân.
Theo Thanh Niên