Trường Chu Văn An (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) chính là trường có học sinh bị bắt trói trong siêu thị vì lấy hai cuốn truyện cách đây hơn một tháng.
Thư viện khổng lồ
Sáng thứ sáu (16/5), sau những ngày thi mệt mỏi, các học sinh hội tụ đông đủ trên sân Trường THCS Chu Văn An. Sân trường được thầy cô bố trí thành một thư viện khổng lồ với những hình vẽ về biển đảo quê hương, các tấm băng rôn lớn giới thiệu về ngày hội sách và vô vàn cuốn sách bắt mắt.
Học sinh trường THCS Chu Văn An trong ngày hội sách sáng 16/5 . |
Ngay sau lễ khai mạc, hàng ngàn học sinh tự do tràn vào các quầy sách được thầy cô giáo bài trí theo thể loại: truyện tranh thiếu nhi, sách tham khảo, truyện cổ dân gian, sách báo về chủ quyền biển đảo quê hương... Khác với những lần đến thư viện học sinh phải chọn đầu sách trên bảng giới thiệu, tại ngày hội sách, học sinh được thoải mái cầm trên tay những cuốn sách ưng ý và chọn cho mình một góc đọc.
Để tổ chức được ngày hội sách, trường THCS Chu Văn An đã huy động gần 30.000 đầu sách sẵn có trong thư viện và mượn của thư viện huyện Chư Sê. Trước ngày chuẩn bị cho hội sách, thầy Thái Duy Hằng - hiệu trưởng nhà trường tâm sự thầy phải đi hỏi khắp nơi, thăm dò ý kiến học sinh nên tổ chức như thế nào để các em được thoải mái đọc sách nhất. “Cả đêm mình không ngủ được, trời Chư Sê mấy hôm nay mưa liên tục, sợ chương trình “vỡ” rồi lại thương các em, mình lại càng khó xử thêm” - thầy Hằng nói.
Thầy Hằng cho biết, mục đích chính của việc tổ chức ngày hội sách cho học sinh là nhằm khuyến khích, cổ vũ văn hóa đọc, tạo một sân chơi tri thức và hội tụ cho các em sau những ngày thi căng thẳng.
“Tôi cũng có một phần lỗi”
Thầy Hằng cũng không giấu giếm một nỗi niềm khác khi tổ chức ngày hội sách cho học sinh, đó là lời chuộc lỗi của thầy hiệu trưởng đối với các em học sinh và cán bộ giáo viên. Nhớ lại sự việc một học sinh của trường bị bắt trói vì lấy cắp hai cuốn truyện trong siêu thị, thầy Hằng cũng tiết lộ: “Mình biết hết cả rồi, chàng thanh niên đeo biển lên người em học trò của mình cũng từng là học trò của mình”.
Rồi thầy kể rằng cậu học trò ấy nhà rất nghèo, cá tính, rồi vi phạm kỷ luật và bị chính thầy đuổi học, cuộc đời cũng bế tắc hơn từ đó: “Mình buồn lắm, giá như ngày xưa mình bao dung hơn với em ấy, giá như mình khôn ngoan hơn để đủ tỉnh táo dìu dắt em thì đã không có chuyện ngày hôm nay. Trong thâm tâm mình vẫn thấy có lỗi...”
Ngay sau khi có vụ cô học trò lấy sách trong siêu thị, thầy Hằng nói rằng nỗi day dứt lại càng lớn hơn, là người đứng đầu nhà trường, là người thầy dạy các em hằng ngày nhưng lại để xảy ra sự việc đáng tiếc. “Nhà trường không hề thiếu sách, thư viện có đến gần 30.000 cuốn, nhưng cái lỗi của mình là ở chỗ chưa nắm bắt hết tâm lý các em, chưa làm hết khả năng để tạo cho các em một môi trường học hành, một nơi đọc sách thoải mái nhất” - thầy Hằng nói.
Biến thư viện thành điểm đến thân thiện
Thầy Siu Jú, phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê, có mặt tại ngày hội sách cho biết lần đầu tiên ở huyện có một ngày hội sách, cũng là dịp để các em học sinh, đặc biệt là những học sinh nghèo ở huyện, được thỏa mãn nhu cầu về sách vở. Theo thầy Jú, rất nhiều học sinh ở Chư Sê hoàn cảnh rất khó khăn, đối với các em được đi học đã là niềm vui lớn, sách vở trang bị chủ yếu chỉ là sách giáo khoa, muốn đọc thêm các em phải lên thư viện nhưng thời gian lại eo hẹp do phải phụ cha mẹ đi làm rẫy.
Nhiều học sinh và thầy cô giáo có mặt tại ngày hội sách nói rằng có nhiều rào cản khiến những thư viện ít hấp dẫn học trò: đó là thời gian, cách bố trí thư viện, thủ tục mượn rườm rà... Thầy Đoàn Khánh Tín, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Chư Sê), nói sau nhiều năm xây dựng thư viện, nhà trường đã phải chỉnh sửa theo hướng biến thư viện thành “khu vườn cổ tích” với hình vẽ những câu truyện cổ, học sinh vào thư viện được tự do lựa chọn cuốn sách mình thích...
“Làm như thế các em sẽ có cảm giác như chính mình đang được làm chủ sở hữu thư viện” - thầy Tín nói. Còn cô Trương Thị Thủy, quản lý thư viện Trường THCS Chu Văn An, cho biết từ sau khi xảy ra sự cố tại trường đến nay giáo viên cũng được bố trí đọc sách nơi khác, học sinh được thoải mái vào thư viện lựa sách, thủ tục mượn cũng “thân thiện” hơn. Đây chính là cách nhà trường “sửa lỗi” sau sự việc đáng tiếc xảy ra. “Chúng tôi sẽ biến thư viện thành điểm đến thân thiện cho các em” - cô Thủy chia sẻ.
Gần 16 triệu đồng “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”
Tại ngày hội đọc sách, Trường THCS Chu Văn An tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền cho học sinh nắm bắt kiến thức về chủ quyền biển đảo và câu chuyện thời sự đang diễn ra tại biển Đông những ngày qua. Trong buổi sáng khai mạc ngày hội, cán bộ giáo viên và học sinh - những người có mặt tại ngày hội sách đã chung tay quyên góp được tổng số tiền gần 16 triệu đồng hưởng ứng chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”.
“Đỡ day dứt”
Thầy Hằng cho hay, ngay sau sự việc cô học trò bị trói vì trộm sách trong siêu thị, sáng 12/4 thầy đã yêu cầu trích đột xuất 40 triệu đồng, huy động thầy cô lên TP Pleiku tìm sách để mua về cho học sinh đọc. Nhà trường cũng yêu cầu thư viện tìm mọi cách để khuyến khích các em đọc sách, đơn giản hóa thủ tục để các em thoải mái mượn sách hơn. Ấp ủ từ ngày đó đến đầu tháng 5, kế hoạch mở ngày hội sách mới được thầy hiệu trưởng biến thành hiện thực.
“Tôi coi các em là đối tượng để tôi và cán bộ phục vụ, thấy các em đọc sách, lựa sách thoải mái là lòng đỡ day dứt hơn rồi” - thầy Hằng nói, đồng thời cho biết cuối năm nay thư viện nhà trường sẽ được mở rộng sau khi trưng cầu ý kiến học sinh về cách bài trí, về những đầu sách mà các em ham thích để làm sao học sinh coi thư viện như điểm đến hằng ngày ngoài giờ lên lớp.