Khi Vpop ‘đau đầu’ trước sự ảnh hưởng của Kpop
Không chỉ fan Việt mà ngay cả nhiều ca sĩ Vpop cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề trước cơn sốt mang tên Kpop.
Nhiều năm nay, báo chí và giới truyền thông đã không biết bao lần phải “lao tâm khổ tứ” để nói về sự hâm mộ cuồng nhiệt của khán giả nhà dành cho các ngôi sao đến từ xứ củ sâm. 2012 là năm giao lưu văn hóa Việt – Hàn, khán giả Việt đã nhiều phen điên đảo với sự đổ bộ dồn dập của hàng loạt thần tượng hàng đầu Hàn Quốc. Rõ ràng, âm nhạc Hàn cũng như văn hóa Hàn đang ngày càng chinh phục khán giả đất nước “áo dài”. Nhưng điều đáng nói hơn là không chỉ có fan trở thành tín đồ Kpop, mà ngay cả bản thân các ca sĩ Vpop cũng đang chạy đua “học tập” Kpop.
"Học hỏi" một cách máy móc?
Nhiều ca sĩ “chân ướt chân ráo” mới bước vào Vpop thời gian gần đây, thay vì tạo cho mình một phong cách riêng biệt thì họ lại cố gắng “làm bản sao” của một nhóm nhạc Kpop nào đó thông qua cách ăn mặc, trang điểm… dù đôi khi bề ngoài đó không hề ăn khớp với âm nhạc. Dạo một vòng quanh thị trường Vpop, không khó để bắt gặp một ca sĩ, nhóm nhạc mang bên mình những trang phục, phụ kiện cầu kỳ cùng kiểu tóc, tạo hình đậm chất Hàn.
Các nhóm nhạc Hàn Quốc, điển hình như DBSK ảnh hưởng nhiều đến Vpop. |
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi ăn mặc, nhiều ca sĩ Việt còn chăm chỉ ứng dụng mốt hở trên, ngắn dưới, khoe da thịt. Có lẽ đây cũng là cách để khẳng định sự trưởng thành. Thế nhưng thay vì sexy “vừa đủ dùng” như Kpop, thì Vpop lại đem “mốt” từ xứ người về để “biến tấu” thành những động tác uốn éo, "khoe hàng" lộ liễu dù bản thân đang đứng hoặc biểu diễn ngay tại các sân khấu nghiêm túc.
“Ăn theo” vẻ bề ngoài mới chỉ là bước khởi đầu để biến mình thành “ca sĩ Việt nhưng mang phong cách Hàn” của nhiều nghệ sĩ. Vpop giờ đây còn thay đổi trong phương thức sản xuất MV. Không chỉ là nội dung đơn điệu, qua loa, theo kiểu “mỳ ăn liền” như thời gian trước, MV Việt đang “nhộn nhịp” với cấu trúc MV đặc biệt, đầu tư hơn. Đặc biệt, sự xuất hiện của những sản phẩm mini drama thì người ta càng thấy rõ hơn hình bóng của những 2PM, Wonder Girls, Big Bang, Girls Generation… trong đó.
2PM |
Tuy vậy, nếu như mỗi MV mini drama của nghệ sĩ Hàn đều mang đến một câu chuyện mới lạ, hấp dẫn thì Vpop lại vẫn loanh quanh với những mô-típ quen thuộc như mắc bệnh ung thư, máu trắng… Dù mang tiếng là mini drama nhưng chưa xem khán giả cũng đã biết được cái kết của câu chuyện.
Tuy nhiên cũng có nhiều chuyện bi hài khi có nghệ sĩ Việt còn làm đẹp cho “đứa con” tinh thần của mình bằng việc “mượn tạm” vài cảnh quay, vũ đạo, giai điệu của các đồng nghiệp xứ củ sâm. Mà nói thẳng ra là “đạo nhái” một cách trắng trợn.
HKT chính thức gửi lời xin lỗi các fan SuJu vì "đạo nhạc" của nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc này. |
Học hỏi có chọn lọc
Nói đi cũng phải nói lại, việc nghệ sĩ nhà “kết thân” với các xu thế mới du nhập từ Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung cũng góp phần thay đổi bộ mặt Vpop theo hướng tích cực. Trong đó, đáng kể nhất là sự ra đời của thế hệ những MV chất lượng được đầu tư công phu về cả tinh thần lẫn vật chất. Sự “xuất xưởng” của Get on the floor (365), Trắng đen (Mỹ Tâm), Fly (Vy Oanh)… đã cho thấy thực tế một bộ phận ca sĩ Việt đang tích cực tiếp thu những tinh hoa từ văn hóa ngoại để sáng tạo ra phong cách riêng cho mình, dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam.
365 |
Hơn nữa, Vpop còn đang lấy lòng fan Việt thông qua việc sáng tạo trong giai điệu và vũ đạo. Những nhóm nhạc như 365, V.Music… đang từng bước hoàn thiện khả năng vũ đạo và thanh nhạc của mình. Bản thân Mỹ Tâm, một trong những ca sĩ hàng đầu của làng nhạc Việt cũng phải lặn lội sang Hàn Quốc để học hỏi những kĩ thuật quay phim, dựng hình, hòa âm, phối khí hiện đại mà Kpop đang áp dụng để phục vụ khán giả Việt. Nhờ đó, fan Việt đã được tiếp nhận một MV vừa đảm bảo về phần nhìn, lại có giai điệu hợp thời và màn vũ đạo điêu luyện.
Mỹ Tâm |
Sự du nhập của trào lưu nhạc điện tử ở Việt Nam cũng giúp cho âm nhạc Việt mất đi sự “một màu” mà dần đa dạng, phong phú hơn.
Vpop cũng đang từng bước tiến bộ hơn trong khâu đào tạo, chiến dịch quảng bá… Để tăng phần hot cho sản phẩm sắp ra mắt, các nghệ sĩ Vpop giờ đây đã chú trọng hơn trong công tác “rào trước đón sau” thông qua các chiến dịch PR, họp báo khá bài bản và mạnh tay. Thay vì hứng lên là “tung hàng” như vài năm trước đây, nhiều nghệ sĩ đã hoạt động quy củ dưới sự quản lý của một công ty trong mọi hoạt động từ luyện tập, phát hành MV, chạy show… Nhờ đó, thị trường Vpop đã phần nào bớt bát nháo và hỗn loạn hơn rất nhiều.
Việc Vpop “chuyển mình” để bắt kịp các xu thế du nhập từ nước ngoài là một điều tất yếu, không thể tránh khỏi trong quá trình tự làm mới mình và vừa lòng khán giả trẻ. Tuy vậy, mỗi quốc gia, dân tộc đều có một nét đẹp văn hóa truyền thống khác nhau, do đó các nghệ sĩ nên học tập cách xây dựng sản phẩm giải trí dựa trên nền tảng văn hóa quốc gia, dân tộc. Điều đó xem chừng tốt hơn là chạy theo những mô-típ thành công ở nước ngoài một cách mù quáng và chắp vá.
Theo Tiin