Vương miện trở thành mẫu phụ kiện được săn đón nhất hiện nay. Tại thảm đỏ Met Gala, Blake Lively, Anna Wintour... đều đeo nó.
Những mẫu vương miện đính đá quý từng được coi là biểu tượng của quyền lực và địa vị. Tầm quan trọng của mẫu phụ kiện thay đổi qua từng năm. Trong khi đó, những thương hiệu lớn như Garrard, Cartier và Boucheron trình làng các mẫu vương miện phù hợp với phụ nữ hiện đại.
Không chỉ người hoàng gia mới đeo vương miện
Uni Kim, chuyên gia về đồ trang sức của Sotheby đã giải thích về quá trình thay đổi của vương miện. Truyền thuyết cho rằng thần Hy Lạp, Dionysus, người cai trị rượu vang và niềm vui, đã tạo ra vương miện.
Vương miện không chỉ dành riêng cho người hoàng gia. Mẫu phụ kiện được nhiều nghệ sĩ, fashionista ưa chuộng. Ảnh: Vogue. |
"Vương miện đang thay đổi, từ những vật liệu khiêm tốn như hoa, lá đến kim loại hiếm, đá quý được đội lên đầu các vị vua, hoàng hậu. Thông thường, vương miện là biểu tượng của thứ hạng, danh dự. Ví dụ, vòng hoa thường được trao cho người chiến thắng trong các cuộc thi", cô nói.
Vương miện được người hoàng gia dùng trong nhiều thế kỷ, như một biểu tượng của địa vị. Bên cạnh đó, nó cũng tượng trưng cho sự lãng mạn. Các cô dâu ở châu Á đeo vương miện trong đám cưới. Nữ diễn viên Angelababy đội thiết kế của Chaumet trong lễ cưới xa hoa diễn ra vào năm 2015.
Tại đám cưới của Hoàng gia Anh, Meghan Markle, Kate Middleton và Công chúa Eugenie đều đội vương miện cổ. Vương miện Greville Emerald Kokoshnik do Công chúa Eugenie đeo được ước tính có giá trị cao nhất nhờ viên ngọc lục bảo cắt cabochon trị giá 93.97 carat. Các nhà kim hoàn Steven Stone ước tính giá trị của nó là 13 triệu USD.
Mẫu phụ kiện xuất hiện trên đường phố, tại các sàn diễn thời trang. Ảnh: SCMP. |
Thời gian gần đây, tần suất nghệ sĩ đeo vương miện nhiều hơn người hoàng gia. Thảm đỏ Met Gala là ví dụ điển hình. Blake Lively đeo vương miện Lorraine Schwartz. Mẫu phụ kiện được lấy cảm hứng từ hình ảnh tượng Nữ thần Tự Do với số lượng lớn đá quý tượng trưng cho 25 cửa số của tác phẩm điêu khắc.
Nỗ lực đổi mới
Các nhà thiết kế cũng đang thay đổi tư duy làm vương miện. Ban đầu, chúng được làm theo dáng tròn, giống mẫu đồng hồ lớn. Từ năm 1900 trở đi, các thợ kim hoàn bắt đầu chế tác những phiên bản gọn hơn.
Vương miện Kokoshnik năm 1888 của Nữ hoàng Elizabeth có 61 thanh nạm kim cương. Mẫu vương miện có thể biến thành vòng cổ bằng cách tháo các vật cố định.
Trong nhiều năm, các thương hiệu thời trang cao cấp cũng tấn công vào thị trường vương miện. Vào những năm 1990, nhà thiết kế Gianni Versace đã chế tác chiếc Versace Tiara có họa tiết Medusa, gắn 100 carat kim cương. Sau đó, mẫu phụ kiện được giành Giải thưởng Quốc tế De Beers năm 1995. Madonna cũng đeo nó.
Giám đốc sáng tạo hiện tại của Loewe, JW Anderson, mang vương miện lên sàn runway. Trong khi đó, vào năm 2016, Saint Laurent, Louis Vuitton và Miu Miu tung ra nhiều phiên bản hiện đại, độc đáo.
Nhiều thương hiệu đang nỗ lực đổi mới vương miện, hướng đến kiểu dáng gọn và đa năng hơn. Ảnh: Tatler. |
Chaumet và Garrard đang hướng đến những mẫu vương miện mới. Đồng thời, một số tác phẩm lưu trữ đang trở lại và xuất hiện trước công chúng. Gần đây, biên tập viên tạp chí quốc tế, Hamish Bowles, đã đeo một chiếc vương miện quý hiếm của những năm 1950. Mẫu phụ kiện được chế tác bởi nhà kim hoàn người Italy Fulco di Verdura.
Tại buổi đấu giá trang sức Sotheby's April Magnificent Jewels, vương miện Cartier ra mắt vào năm 1930 được bán với giá 482.000 USD.
Ngày nay, vương miện là biểu tượng không thể thiếu trong các sự kiện lớn. Uni Kim nói: "Vương miện được trân trọng như vật gia truyền, để lưu giữ lại cho thế hệ sau".