Đầu năm 2020, influencer Holly Yazdi chia sẻ đoạn video hướng dẫn cách mua một chiếc nhẫn tình yêu màu vàng của thương hiệu Cartier với giá chưa đến 20 USD trên Amazon.
Tất nhiên đây là một chiếc nhẫn giả. Song trong số hàng triệu người xem clip, ít ai quan tâm đến điều đó. Điều khiến họ hứng thú nhất là chiếc nhẫn "giả nhưng trông như thật" này chỉ có giá bằng 1/80 hàng chính hãng, theo CNBC.
"Bản sao nhẫn cartier an toàn từ Amazon", "Không bị oxy hóa và đúng với kích thước", "Giả rẻ như cho"... là những bình luận thích thú của dân mạng về sản phẩm "fake" này.
Hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng phổ biến với giá rẻ trên thị trường. Ảnh: jingdaily. |
Yazdi, học sinh trung học 18 tuổi đến từ bang Alabama, Mỹ, nói rằng cô biết nhiều người nổi tiếng đã đeo chiếc nhẫn của Cartier và mọi người có thể sẽ rất quan tâm.
Tuy nhiên, nữ sinh không ngờ clip của mình lại phổ biến đến vậy. Đoạn video có hơn 1 triệu lượt xem sau một đêm.
Ngay sau đó, Yazdi đã làm thêm hàng loạt video review hàng nhái khác, bao gồm đôi boots Gucci giả trị giá 89 USD trong khi hàng thật được với giá 1.190 USD.
"Tôi muốn có những món đồ hiệu đắt đỏ nhưng lại không có nhiều tiền. Và sau khi đăng những video này, tôi nhận ra rằng mọi người cũng vậy".
Yêu nữ hàng hiệu "fake"
Theo Medium, sự phát triển của hàng giả có thể được giải thích bằng quy luật kinh tế cung - cầu cơ bản. Tỷ lệ hàng giả ngày một nhiều vì số người muốn mua chúng gia tăng.
Giá cả chính là lý do đầu tiên khiến mọi người tìm đến hàng giả. Ví dụ, một chiếc Louis Vuitton Speedy 30 có giá 1.020 USD, trong khi hàng nhái giá chỉ vài đôla.
Thứ hai, rất nhiều khách hàng không quan tâm hoặc không biết mình đang mua hàng giả. Với nhóm không quan tâm, họ cho rằng những thiệt hại mà thị trường hàng nhái gây ra gần như không tác động đến mình.
Trong khi đó, nhóm không biết thường bị đánh lừa vì công nghệ đạo nhái thiết kế, sản phẩm ngày càng tinh vi của các công ty chuyên sản xuất hàng giả.
Còn theo nghiên cứu Devil wears (counterfeit) Prada (tạm dịch: Yêu nữ hàng hiệu giả, được đặt theo tựa tiểu thuyết The Devil wears Prada của nhà văn Lauren Weisberger) của Ian Phau và Min Teah, Trường ĐH Công nghệ Curtin (Australia), "thể hiện bản thân" và "thi đua xã hội" là những lý do khiến nhiều người ưa chuộng hàng hiệu "fake".
Áp lực đám đông, chạy theo mốt khiến nhiều người mua hàng nhái các sản phẩm cao cấp. Ảnh: Reuters. |
Hàng hiệu có đẳng cấp riêng vì mang tính độc quyền. Chúng được biết đến rộng rãi nhưng không thể mua đại trà. Tên tuổi thương hiệu và chất lượng sản phẩm là hai yếu tố chính tạo nên giá trị của hàng hiệu.
Tuy nhiên, đối với người dùng hàng nhái, họ chỉ quan tâm đến tên tuổi thương hiệu và bỏ qua vấn đề chất lượng.
M John, nhà tâm lý học lâm sàng tại Dubai, cho biết: "Cũng giống như việc trẻ em đi học phải đối mặt với áp lực của bạn bè, những người hướng ngoại và rất tích cực trong môi trường xã hội liên tục tìm kiếm sự chấp thuận.
Họ cảm thấy giá trị bản thân sẽ tăng lên gấp bội nếu mình sử dụng một thương hiệu cao cấp. Vì vậy, ngay cả khi họ thực sự không đủ tiền sắm hàng thật, họ vẫn thích mua túi xách, giày dép, đồng hồ và đồ trang sức giả".
Tác hại đối với người tiêu dùng
Nhiều người vẫn cho rằng hàng giả thường vô hại, ít nhất với bản thân mình, và còn giúp tiết kiệm.
Tuy nhiên, theo The Guardian, không chỉ những vấn đề vĩ mô của một thương hiệu cao cấp hay nền kinh tế nào đó, hàng nhái bất hợp pháp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng theo nhiều cách.
Đầu năm 2018, một lô hàng búp bê Princess Catherine giả đã bị thu giữ ở Cộng hòa Séc sau khi bị phát hiện có hàm lượng hợp chất độc hại cao, bị nghi ngờ gây ung thư.
Hàng giả gây tổn thất lớn cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng. Ảnh: The Guardian, Vogue. |
Cùng thời điểm nhiều quốc gia khác đã bắt giữ các lô hàng đồ chơi giả cho trẻ em có chứa hàm lượng boron không an toàn, có thể gây nôn mửa và làm giảm khả năng sinh sản.
Tại Anh, hàng loạt mỹ phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng MAC, Chanel và Benefit đã bị thu giữ vì chứa các hóa chất gây bỏng, thậm chí bao gồm thủy ngân có thể "gây hại cho hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, chức năng phổi, thận, da và mắt".
Mark Zito thuộc Trung tâm Điều phối Quyền Sở hữu Trí tuệ Quốc gia HSI Los Angeles cho biết: "Các sản phẩm giả không chỉ tấn công tên tuổi và giá trị của một doanh nghiệp, mà trong nhiều trường hợp, có thể ảnh hưởng tiêu cực và đôi khi gây tử vong cho người dùng. Những sản phẩm làm giả không có chỗ trong một thị trường công bằng, hợp pháp".