Dù Điều lệ Trường tiểu học của Bộ GD&ĐT quy định mỗi lớp tối đa chỉ 35 học sinh tuy nhiên, hiếm có trường học nào ở các quận nội đô Hà Nội thực hiện được.
Nhiều năm quá tải
Năm nay, năm đầu tiên thực hiện chương trình mới từ lớp 1, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng sĩ số, dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên đa số các trường tiểu học hiện vẫn có sĩ số cao.
Chuyên gia, quản lý giáo dục nói sĩ số ảnh hưởng chất lượng học tập. Ảnh: Báo: Tiền phong. |
Các khối lớp 2-3 ở một số trường ở quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Hai Bà Trưng… có sĩ số trên dưới 50 học sinh/ lớp, thậm chí có một số lớp giáo viên giỏi ở một số trường sĩ số lên tới xấp xỉ 60 em.
Ở khối lớp 3 trường tiểu học Đặng Trần Côn (Thanh Xuân) năm nay vẫn có lớp hơn 60 học sinh.
Trong các quận nội đô, duy chỉ có Hoàn Kiếm áp sĩ số khoảng 40 em/lớp và thực hiện thành công.
Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn không có nhiều chung cư cao tầng nên số học sinh trong độ tuổi đến trường cơ bản ổn định. Tuy nhiên, để giảm tải, áp sĩ số như hiện nay, các nhà trường phải quyết liệt trong công tác tuyển sinh đầu năm.
Một phụ huynh có con học lớp 2, trường tiểu học Yên Xá, huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết năm nay gia đình phải xin chuyển khỏi trường tiểu học Nguyễn Du vì sĩ số 60 em/lớp.
Con trai nghịch ngợm, thường xuyên bị cô giáo xếp ngồi cuối lớp. Lớp học đông, cô không có thời gian quan tâm đến học sinh, vì thế gia đình chấp nhận đưa đón xa hơn để chuyển về một trường có sĩ số 45 học sinh/lớp.
Nhà ngay cạnh trường tiểu học Đặng Trần Côn, quận Thanh Xuân nhưng năm ngoái, gia đình anh Phùng Văn Ngọc vẫn đôn đáo tìm hiểu cả chục trường ngoài công lập để gửi con vào lớp 1. Ở đó, mỗi lớp chỉ có 30-32 học sinh.
“Học phí cao nhưng sĩ số lớp học thấp, con được học tiếng Anh 6-8 tiết/tuần và tham gia các CLB miễn phí. Nếu học trường công, không mất học phí nhưng chi phí học CLB và học thêm tiếng Anh ở các trung tâm giá cả cũng không vênh nhau mấy”, anh Ngọc nói.
Phó phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Thế Sơn cho biết nhiều năm nay trung bình mỗi năm thành phố tăng khoảng 50.000 học sinh.
Do đó, dù có xây mới, sửa chữa nhiều trường học, như năm nay Hà Nội có thêm 44 trường, vẫn không đáp ứng quy định về sĩ số 45 em/lớp THCS, 35 em/lớp ở bậc tiểu học.
Nguyên nhân quá tải lớp học, theo ông Sơn, là do tốc độ xây dựng các tòa nhà cao tầng quá nhanh, không xây trường học như trong quy hoạch.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, kế hoạch đặt ra đến năm 2025, Hà Nội sẽ có đủ trường lớp, phòng học đáp ứng chương trình dạy học theo quy định sĩ số của Bộ GD&ĐT. Mục tiêu là vậy nhưng có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào nguồn vốn.
Hiệu trưởng trường THCS Đoàn Thị Điểm Đặng Quốc Thống cho biết sĩ số bậc THCS theo quy định là 45 em/lớp nhưng để đảm bảo chất lượng dạy học, trường ngoài công lập như trường ông chỉ bố trí 25-32 học sinh/lớp. Sĩ số thấp như vậy, giáo viên mới nắm hết trình độ, tính cách của từng em để có phương pháp dạy học tốt hơn.
Theo ông Thống, dù Hà Nội khó khăn nhưng nên đặt mục tiêu 40 học sinh/ lớp mới đảm bảo chất lượng. Để giải quyết bài toán sĩ số, ông Thống cho rằng, Hà Nội nên tiếp tục dành ngân sách cho giáo dục.
“Có chính sách xã hội hoá để cá nhân đầu tư cho giáo dục, đương nhiên phải có cơ chế để họ có đất sống. Ví dụ, công tác tuyển sinh vào lớp 10 của các trường ngoài công lập rất khó khăn, trong khi các trường công lập năm vừa rồi vẫn hạ điểm chuẩn để tuyển thêm học sinh, tăng sĩ số”, ông Thống nói.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho rằng: “Lớp học đông, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới gặp nhiều khó khăn vì đòi hỏi giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học, trong đó chú trọng các hoạt động lớp học để học sinh tiếp nhận kiến thức, hình thành, phát triển kỹ năng”.
Trong hoạt động dạy học, lớp học đông là một bất lợi, làm giảm chất lượng giáo dục.
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo cho rằng, lớp học đông sẽ ảnh hưởng tới chất lượng học tập của học sinh.
Để giải quyết vấn đề này các địa phương phải khai thác đất đã quy hoạch, có kế hoạch dài hạn, dành quỹ đất cho trường học những năm tiếp theo, đẩy mạnh xã hội hóa trường học.