Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM khó thực hiện học 2 buổi một ngày

TP.HCM đang đối diện bài toán khó khi sĩ số học sinh lớp 1 tăng. Cơ sở vật chất không đủ cho trẻ học 2 buổi một ngày theo chương trình mới.

Gia tăng dân số cơ học dẫn đến số lượng học sinh đến trường mỗi năm tăng mạnh. Ngành giáo dục TP.HCM đau đầu giải quyết bài toán đảm bảo tất cả học sinh được đến trường.

Năm nay, lớp 1 bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với quy định học 2 buổi/ngày. Điều kiện trường, lớp hạn khiến TP.HCM căng mình để đảm bảo đủ chỗ học, thực hiện chương trình mới.

lop 1 hoc 2 buoi/ngay anh 1

TP.HCM gặp bài toán nan giải khi vừa đảm bảo đủ chỗ học vừa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1. Ảnh minh họa: Minh Thừa.

Bài toán khó

Năm học 2020-2021, TP.HCM tăng hơn 54.600 học sinh, từ mầm non đến 12. Để đáp ứng đủ chỗ học, nhiều quận huyện phải giảm tỷ lệ các lớp học 2 buổi/ngày, lớp bán trú.

Quận 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh là những địa phương có tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày ở lớp 1 thấp của thành phố.

Vừa qua, khi đặt điều kiện tuyển sinh lớp 1 phải có KT3 (sổ tạm trú) từ một năm trở lên, quận 12 có đến hơn 1.000 học sinh không có chỗ học ở các trường công lập.

Quận này phải giảm số lớp học 2 buổi/ngày ở các khối 2, 3, 4, 5 để có đủ phòng học nhận hết số học sinh trên.

Quận Tân Phú cũng là điểm nóng về tuyển sinh đầu cấp của thành phố. Hiện, toàn quận đạt 30% học sinh học 2 buổi/ngày, từ lớp 1 đến lớp 5.

Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT Tân Phú, cho biết năm nay quận tuyển vào 7.097 học sinh lớp 1. Nếu xoá toàn bộ số lớp học 2 buổi/ngày từ khối 2 đến khối 5, 100% học sinh lớp 1 sẽ được học 2 buổi/ngày.

"Nhưng bài toán đặt ra từ năm tới, cả quận có 5.100 lớp 5 ra trường. Như vậy, chúng tôi chỉ nhận vào 5.100 em, học một buổi/ngày. Lúc đó, tình hình quá tải sẽ quay lại như trường hợp năm nay. Trong khi từ năm sau, cả lớp 1, 2 cùng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, phải đảm bảo học 2 buổi/ngày. Đây là bài toán mà quận Tân Phú không giải được", ông Tân nói.

Bình Chánh là một huyện ngoại thành nhưng có hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B tăng dân số cục bộ. Hai xã có hơn 250.000 dân sinh sống, có 7 trường tiểu học nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh cho biết hiện chỉ có 60,3% học sinh lớp 1 trên địa bàn được học 2 buổi trên ngày. Riêng học sinh ở 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B chỉ học một buổi/ngày, mỗi tuần 5 buổi. Các xã còn lại, học sinh lớp 1 đều được học 2 buổi/ngày.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT Bình Tân, cho biết phòng giáo dục rất đau đầu khi xếp lớp cho học sinh lớp 1. Năm nay, bậc tiểu học tăng 2.700 em. Trong khi yêu cầu của chương trình phổ thông mới, học sinh phải được học 2 buổi/ngày. Hiện, 62,5% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, số còn lại phải học 5 buổi/tuần.

"Để đảm bảo yêu cầu học sinh lớp 1 phải được học 2 buổi/ngày, chúng tôi chấp nhận tăng sĩ số hơn 42 em/lớp, giảm tỷ lệ học sinh khối 2, 3, 4, 5 học 2 buổi/ngày. Năm trước, tỷ lệ học sinh 2, 3, 4, 5 được học đủ thời lượng là 37%, năm nay giảm xuống còn 30%. Phụ huynh phản ứng nhiều. Nhưng không còn cách nào, số học sinh của quận quá đông, gấp 3-4 quận 1, quận 2", ông Tuyên cho biết.

lop 1 hoc 2 buoi/ngay anh 2

Áp lực trường lớp tăng dần qua các năm khi các khối lần lượt thực hiện chương trình phổ thông mới. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn chương trình 6 buổi/tuần

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay theo quy định của Bộ GD&ĐT, khi thực hiện chương trình mới, nếu không đảm bảo dạy 2 buổi/ngày, học sinh phải được học ít nhất 6 buổi/tuần. Nhưng đến nay, bộ vẫn chưa đưa ra hướng dẫn dạy 6 buổi/tuần.

Với tình thế cấp bách của TP.HCM, ông Ngô Văn Tuyên kiến nghị bộ sớm ban hành hướng dẫn dạy học cho những địa phương đặc thù, không thể đáp ứng yêu cầu dạy 2 buổi/ngày.

Ông Tuyên cho biết việc dạy 6 buổi/tuần gặp nhiều vướng mắc. Một trong số đó là lương giáo viên. Ngày thứ 7, lương giáo viên được tính 200% so với ngày thường.

Theo trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, để giải quyết tình hình trước mắt, các quận đông học sinh cần phát hiện loại hình bán trú vệ tinh quanh trường học. Những cơ sở đủ điều kiện nên cấp phép trường dạy 2 buổi để giảm tải cho các trường học, tận dụng được nguồn lực xã hội.

"Năm học 2020-2021 chương trình mới được thực hiện ở lớp 1, theo lộ trình cuốn chiếu cho đến lớp 12. Áp lực gia tăng học sinh, cơ sở vật chất như hiện nay đến lúc nào đó sẽ phá vỡ chương trình phổ thông tổng thể. Đặc thù của TP.HCM là áp lực gia tăng dân số quá lớn", ông Tuyên nhận định.

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng nhiệm vụ sắp tới là nhìn lớp 2, lớp 3 bắt đầu thực hiện chương trình mới từ năm sau. Ngành giáo dục cần sự chung tay của các cơ quan chính quyền, đặc biệt trong việc xây dựng trường lớp để đảm bảo chỗ học cho học sinh, thực hiện tốt chương trình giáo dục mới.

Những trường không đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày phải đảm bảo dạy đúng và đầy đủ nội dung kiến thức bắt buộc. Nội dung mang tính tự chọn thì có thể cân nhắc, lựa chọn để dạy.

Ngoài ra, TP.HCM gặp khó trong công tác tuyển dụng theo biên chế. Tại một số trường tiểu học, giáo viên Tin học và tiếng Anh đang ở dạng hợp đồng. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, tiếng Anh, Tin học là môn bắt buộc, đội ngũ giáo viên luôn trong tình trạng sẵn sàng để dạy học.

"Hiện nay, chúng ta cần bố trí cho giáo viên việc làm, chế độ đãi ngộ. Những đơn vị vùng xa rất khó tuyển dụng giáo viên tiếng Anh vì chế độ đãi ngộ không thu hút", ông Hoàng nói.

'Mẹ ơi, khi nào con được đi học?' Người mẹ tại TP.HCM chia sẻ con chị không đủ điều kiện vào lớp 1 trường công lập. Nhiều ngày nay, con liên tục hỏi mẹ về việc đến trường.

'Phải đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ lớp 1 ở TP.HCM'

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố đảm bảo tất cả học sinh trên địa bàn đủ chỗ học. Đề án hỗ trợ học phí cho trẻ ở trường tư thục sẽ được xây dựng.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm