Về nước sau 2 năm du học tại Singapore, Minh Đức (28 tuổi, quận 1, TP.HCM) nhanh chóng được giao vị trí product manager (quản lý sản phẩm) tại một công ty công nghệ. Tại đây, anh quản lý một nhóm 8 thành viên, trong đó 4 người hơn hoặc bằng tuổi mình.
Biết nhân sự lớn tuổi nhất sinh năm 1988, Đức quyết định giả vờ đây cũng là năm sinh của mình.
"Nếu chỉ thua mọi người 1-2 tuổi, tôi không cần băn khoăn. Nhưng kém đến 6 tuổi, tôi lo sợ anh em không phục hoặc tiếp thu ý kiến, đặc biệt khi tôi là người mới về", Minh Đức chia sẻ với Zing.
Bối rối
Minh Đức cho rằng vốn ngoại ngữ cùng kinh nghiệm làm việc tại môi trường nước ngoài chính là lý do anh được lựa chọn cho vị trí quản lý. Nhưng trong bộ phận của anh, các nhân sự nhiều tuổi hơn cũng đều dày dặn thành tích, một số còn khá nổi tiếng trong lĩnh vực.
Anh không tự ti về năng lực của mình, nhưng không chắc chắn tất cả đều nghĩ vậy. Sự chênh lệch lớn về tuổi tác có thể gây ra những khoảng cách về niềm tin, nhất là khi anh chịu trách nhiệm về thu nhập của từng nhân sự.
"Trong công ty của tôi, mọi người thường làm việc từ xa nên ít giao tiếp trực tiếp. Đặt bản thân vào vị trí nhân viên, tôi sẽ không thoải mái nếu sếp của mình kém nhiều tuổi. Từ việc không vui, năng suất làm việc có thể kém đi hoặc xảy ra những bất đồng", anh nhận định.
Sau hơn một năm làm việc tại công ty, Đức không biết rõ liệu mình đã bị phát hiện việc nói dối tuổi hay chưa. Tuy nhiên, anh vẫn mặc định mình sinh năm 1988, sử dụng độ tuổi này để giới thiệu với khách hàng.
"Một điều hài hước là khi đi làm với khách hàng nam, họ không chú ý nhiều đến các hành xử có phần non nớt của tôi. Nhưng một số lần, tôi làm việc với đối tác là phụ nữ, chị lập tức nói với tôi: 'Anh không giống sinh năm 1988 chút nào, có vẻ trẻ hơn nhiều'", anh kể lại.
Thúy phải dành thời gian để làm quen, cân bằng khi nhận vị trí quản lý ở tuổi 25. Ảnh: NVCC. |
Tương tự Minh Đức, Võ Thị Thúy (25 tuổi) cũng từng khá bối rối khi làm quản lý từ khá trẻ, trong khi nhân viên có người hơn cô đến 10 tuổi.
Thúy hiện làm tổ trưởng tại một trường học dân lập, có nhiệm vụ tham gia chỉnh sửa giáo án, tài liệu và đề thi. Cô cũng phân công lớp dạy cho các giáo viên phù hợp và trực tiếp giảng dạy tại một số lớp.
Trong tổ, phần lớn nhân sự đồng trang lứa với với Thúy, chỉ hơn kém cô 2-3 tuổi. Thế nhưng cũng có nhiều người hơn cô 4-5 tuổi, thậm chí 10 tuổi.
Chính vì sự chênh lệch này, thời gian đầu mới nhận nhiệm vụ, cô lo ngại mình không được tin tưởng và lắng nghe.
"Trước đây, trong một cuộc họp đánh giá và nhận giáo viên mới, tôi bất ngờ gặp một ứng viên là bạn học của mình từ đại học. Tôi nhận xét về bạn, nhưng cô ấy phản ứng ngay và thể hiện thái độ không phục. Tôi bối rối, không biết phải làm sao vì chỉ nêu quan điểm khách quan. Tôi nhận ra làm quản lý của người bằng tuổi đã khó, huống chi với những anh, chị hơn mình nhiều tuổi", cô kể lại.
Cũng theo Thúy, việc làm quản lý khi còn trẻ khiến cô bộc lộ một số hạn chế trong giao tiếp. Cô thường cả nể đối với nhân viên, không dám góp ý hoặc nhận xét thẳng thắn. Từ đó, bộ phận của cô bị xê dịch nề nếp, một số người không thực hiện theo quy định chung.
"Khi mới nhận vị trí quản lý, tôi gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề. Một số khủng hoảng xảy ra, cách xử lý của tôi khá yếu vì chưa có kinh nghiệm, tôi biết nhiều anh, chị trong bộ phận không nể vì tôi nhỏ hơn họ. Những lần như vậy, tôi rất áp lực, tự xoa dịu mình rằng đó là kinh nghiệm để lần sau tốt lên nhưng không thể nào thoải mái nổi", cô tâm sự.
Thế nhưng, Thúy cho rằng mình may mắn được ở trong một bộ phận hiền hòa, mọi thành viên đều tâm lý, sẵn sàng góp ý nên các vấn đề dần được giải quyết ổn thỏa. Làm việc với những nhân viên bằng hoặc hơn tuổi cũng là cơ hội để cô học hỏi và tham khảo nhiều hơn.
"Sau những lần khó xử ban đầu, giờ đây bộ phận của tôi phối hợp với nhau suôn sẻ. Sau giờ làm, mọi người rủ nhau đi cà phê hoặc tập thể dục. Ở nơi làm, có thể tôi là quản lý, chịu trách nhiệm về ca làm, tiền lương của mọi người. Nhưng ra ngoài, chúng tôi có thể tâm sự như bạn bè, tôi vẫn xin lời khuyên của các anh chị về các chuyện khác của cuộc sống", Thúy kể.
"Tôi nghĩ làm quản lý trẻ tuổi khó hay không là do tính chất môi trường mà bạn làm việc. Nếu nhân sự hài hòa, tốt tính, quản lý sẽ không chịu quá nhiều áp lực. Còn ngược lại, mọi thứ sẽ khó khăn hơn nhiều", cô nói thêm.
Lỗ hổng giao tiếp
Từng có thời gian làm việc với quản lý nhỏ hơn 4 tuổi, Ngô Tú Mi (TP.HCM), nhân viên văn phòng, cho biết đó là một trải nghiệm thú vị.
Mi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, mảng hỗ trợ học thuật. Vì thế, cô gái 23 tuổi gặp qua không ít kiểu sếp từ khó tính đến dễ chịu. Nhưng đây là lần đầu cô “dưới trướng” một sếp ít tuổi hơn.
"Cả ban hay gọi thân mật là ‘sếp nhỏ’ vì bạn đó bé nhất nhưng lại giữ vị trí cao trong công ty. Du học ở nước ngoài từ sớm nên sếp mình lấy bằng cử nhân vào năm ngoái, sau đó học tiếp lên MBA. Nói về chuyên môn, nghiệp vụ thì không có gì phải bàn cãi. Chỉ có ‘lỗ hổng’ chút xíu về phần giao tiếp", cô nói.
Tú Mi cảm thấy thú vị khi được làm việc với sếp nhỏ tuổi hơn. Ảnh: NVCC. |
Theo lời Mi, do khoảng cách tuổi tác, đôi khi sếp cô còn lúng túng trong khâu tương tác với các thành viên còn lại.
Cụ thể khi giao việc, sếp Mi thường bị thiếu những thông tin quan trọng, hướng dẫn đưa ra chưa được rõ ràng khiến đôi bên không hiểu nhau. Lúc đó, cả nhóm phải họp lại nhiều lần để thống nhất phương án tốt nhất.
Ngoài ra, do là lần đầu làm trưởng ban, cô gái này cũng chưa cân bằng tốt và có xu hướng ôm đồm thay vì giao xuống cho nhân viên.
"Tuy nhiên, bạn đó lại là người rất tâm lý, biết gắn kết mọi người bằng những cuộc trò chuyện thân mật hoặc đi ăn, đi chơi. Nhờ vậy, mọi bất cập ban đầu dần được tháo gỡ. Sếp mình rất bảo vệ nhân viên, không để cho ai chịu thiệt. Có lần mình bị bộ phận khác mắng thậm tệ, sếp nghe được và đã phản ánh lên cấp trên để cảnh cáo anh này về thái độ. Nhưng lúc góp ý cũng khá thẳng thắn, có khen có chê, đúng người đúng lỗi", Mi nói.
Sau thời gian làm việc với người quản lý kém tuổi, Mi nhận định tuổi tác không phải yếu tố tiên quyết để cân nhắc một người lên vị trí cao.
Những người trẻ có khả năng, chuyên môn, đầy đủ năng lực sẽ có cách quản lý riêng, gần gũi hơn.
"Đôi khi vì sếp ở cùng độ tuổi nên những hoạt động sau giờ làm như ăn, chơi khá thoải mái. Rồi việc OT, đòi quyền lợi cho anh em cũng 'nhiệt' hơn rất nhiều", Mi kể thêm.
Trọng Quí cho biết sếp bằng tuổi nhân viên là điều dễ thấy trong các công ty khởi nghiệp. Ảnh: NVCC. |
Ngô Trọng Quí (23 tuổi), làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đồng tình với quan điểm trên.
Theo quan sát của Quí, sếp trạc tuổi nhân viên là điều khá phổ biến ở những công ty khởi nghiệp, vừa và nhỏ.
Chàng trai cho rằng tình thế này có lẽ gây ra sự khó xử trong giao tiếp khi sếp thiếu kinh nghiệm quản lý hoặc vốn sống. Tuy nhiên, chỉ cần sự thấu hiểu, các thành viên đều có thể vận hành công việc suôn sẻ.
"Quản lý cũ bằng tuổi mình nên cả hai trao đổi như những người bạn trong việc. Vì đồng trang lứa nên mức độ gắn kết, thấu hiểu cũng cao hơn so với làm việc với sếp lớn tuổi. Bạn đó giúp đỡ mình rất nhiều, hướng dẫn nhiệt tình khi mới vào làm", Quí chia sẻ.
Được hỏi về áp lực đồng trang lứa khi có leader cùng tuổi, nam nhân viên IT cho biết đây là điều hiển nhiên vì anh đi làm sau sếp một năm, vị trí cấp bậc sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, đó cũng là động lực để Quí cố gắng.
"Từ lúc làm việc với bạn này, mình học hỏi được nhiều kỹ năng, kiến thức chuyên môn và cả giao tiếp với khách hàng. Dù không còn làm việc ở công ty cũ nữa, cả hai vẫn thường xuyên gặp nhau để trò chuyện về công việc, cuộc sống", Quí nói.
Theo SHRM, Millennials (sinh ra trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1996) đang là thế hệ đông đúc nhất tại các công ty, tiếp sau đó là gen Z (sinh ra từ năm 1996 đến năm 2012). Khi những nhân sự cũ già cỗi, họ chính là lực lượng thay thế tiếp theo để quản lý, dẫn dắt tập thể.
Cuộc khảo sát của Harris Interactive được thực hiện tại Mỹ vào năm 2020 cho thấy 40% nhân viên có quản lý nhỏ tuổi hơn mình. Trong đó, 22% cho biết sếp trẻ hơn vài tuổi, 16% có sếp kém mình đến 10 tuổi.
Theo Chip Conley, cố vấn chiến lược cho các CEO thuộc Millennial của các công ty khách sạn tại Mỹ, số lượng nhà quản lý trẻ tuổi sẽ tăng và chỉ tăng lên trong tương lai.
"Các công ty đều mong muốn thuê và phát triển những nhà quản lý am hiểu về công nghệ. Khi đó, việc cất nhắc lên các vị trí quản lý không còn phụ thuộc vào tuổi tác mà vào năng lực, cách quản lý, và sự thể hiện trong công việc", ông nói.